Cập nhật: 22/01/2009 18:48:14 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những vầng sáng lung linh, nhiều màu sắc bừng nở trên bầu trời đêm giao thừa dường như đã trở thành điều không thể thiếu ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Ánh sáng và cuộc trình diễn đầy màu sắc của pháo hoa không chỉ đơn thuần là một sự trang trí, một cách làm đẹp, làm rộn ràng thêm không khí lễ hội tưng bừng, mà còn được gửi gắm những ý nghĩa sâu xa hơn.

Dường như mọi người đều tin rằng màu sắc tươi vui, rực rỡ của pháo hoa có thể xua đuổi những điều xấu xa, tồi tệ của năm cũ, và mang đến một năm mới hạnh phúc, an khang và thịnh vượng.

 

Pháo hoa, một sản phẩm đã trở nên phổ biến ở rất nhiều nơi trên thế giới, có lịch sử hình thành và phát triển khá lâu đời. Đã có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc và quê hương của pháo hoa. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến quy về Trung Quốc - một trong những trung tâm văn minh phát triển từ rất sớm của nhân loại. Và ngày nay, người Trung Quốc tự hào rằng, huyện Lưu Dương, tỉnh Hồ Nam - nơi sản xuất pháo hoa nhiều nhất trên thế giới - chính là quê hương của pháo hoa và nghề sản xuất pháo nói chung, với những căn cứ có thể truy nguyên đến thời Đường, Tống.

 

Ở Trung Quốc, về nguồn gốc pháo hoa, trong dân gian lưu truyền nhiều truyền thuyết, nổi tiếng nhất trong số đó là câu chuyện về Bộc trúc tổ sư Lý Điền. Tương truyền, vào thời Đường (thế kỷ 7), hai bên bờ Nam Xuyên có nhiều người bị ma núi ám hại, Đường Thái tông Lý Thế Dân vì thế mà lo lắng, long thể bất an, liền hạ chiếu toàn quốc cầu y. Có một người xuất thân ở tỉnh Hồ Nam, huyện Lưu Dương tên là Lý Điền dốc tâm chế tạo ra pháo trúc, truy đuổi được tà ma quỷ ám, bảo vệ cho cả một vùng được bình an, hỗ trợ được cho nhà vua, nên Đường Thái tông phong ông là “Bộc trúc tổ sư” (tổ sư pháo trúc). Từ đó trong dân gian thờ ông như vị tổ sư của nghề làm pháo nói chung, trong đó có pháo hoa.

 

Cũng có thuyết kể rằng, Đường Thái tông lâm bệnh nặng, Lý Điền đã chế được pháo trúc, đốt lên xua đuổi được tà ma, có công cứu giá, nên được phong hiệu là “Bộc trúc tổ sư”. Đến thời Tống, “Tổ sư miếu” thờ Lý Điền được xây dựng, hàng năm lấy ngày 18.4 âm lịch làm ngày lễ hội. Ngày nay, tỉnh Hồ Nam vẫn còn đền thờ Lý Điền, hàng năm đều tổ chức lễ hội pháo hoa để kỷ niệm.

 

Những điều được kể lại trong truyền thuyết dân gian có thể không hoàn toàn chính xác, một phần truyền thuyết là nguyện vọng, mong ước của người dân về một cuộc sống yên bình. Nhưng bên cạnh đó, có thể tìm thấy những chứng cứ đáng tin cậy hơn trong những tài liệu xa xưa còn lưu lại. Chẳng hạn trong sách Dị văn lục thời Đường có chép: “Nơi Lý Điền ở, có nhà hàng xóm bị ma núi đến phá, Điền bảo họ sớm chiều đứng trong sân sử dụng cây trúc có lửa bên trong, vì thế khiến ma quỷ sợ hãi, đến khi trời sáng, quả nhiên thấy được bình an”. Từ đó, cũng có thể xác định rằng, một dạng pháo hoa đã được phát minh ra vào thời Đường.

 

Sách Kinh Sở Tuế thời ký thời Nam Bắc triều (thế kỷ V-VI) thì chép: “Ngày mùng 1 tháng giêng là ngày tam nguyên, trước tiên hãy đứng trước sân đốt pháo để đuổi ma núi ác quỷ”.

 

Cho đến thời Bắc Tống, từ những năm Tuyên Hòa (1119 - 1125), thuốc nổ (hỏa dược) đã được sử dụng làm nguyên liệu để tạo ra pháo hoa. Đến đời Thanh, pháo hoa trở nên rất phổ biến và thường được sử dụng trong những ngày lễ Tết, trong những dịp vui mừng với ý nghĩa cầu mong thần linh và tổ tiên phù hộ cho cuộc sống được thuận lợi, bình an, vạn sự như ý.

 

Kỹ thuật chế tạo pháo hoa đã hình thành khá sớm ở Trung Quốc. Cho đến thế kỷ 13, nhà thám hiểm Marco Polo đã mang phát minh thuốc súng từ Trung Quốc về châu Âu. Ban đầu, người ta dùng thuốc súng vào các mục đích quân sự, như chế tạo đạn dược, tên lửa... Sau đó, người Ý đã sản xuất thành công pháo hoa từ thuốc súng. Tiếp theo đó, cùng với Ý, người Đức cũng làm được pháo hoa vào thế kỷ 18. Dần dần, pháo hoa trở nên phổ biến ở nhiều nước châu Âu.

 

Người Anh cũng bị hấp dẫn bởi pháo hoa. Pháo hoa đã trở nên phổ biến trên khắp nước Anh, đặc biệt là dưới triều đại của Nữ hoàng Elizabeth I. Thậm chí nữ hoàng yêu thích pháo hoa đến độ bà nghĩ ra một tước hiệu mới mang tên “Ngọn đuốc sáng nước Anh” (Fire Master of England). Và sau này trong lễ đăng quang của mình Hoàng đế James đệ nhị (King James II) cũng tự phong tước vị đó cho mình vì ông rất mê vẻ đẹp của bông pháo khi tỏa sáng. Pháo hoa đã đi vào các sáng tác văn học nghệ thuật và xuất hiện cả trong sáng tác của đại thi hào Shakespeare.

 

Ngày nay, pháo hoa đã trở thành một phần không thể thiếu trong các lễ hội như giáng sinh, năm mới, các lễ hội dân gian truyền thống và kể cả trong các đại hội thể thao... trên khắp thế giới. Hơn thế nữa, ở nhiều nước trên thế giới đã tổ chức các Lễ hội pháo hoa. Trong những lễ hội đó, người ta được ngắm những màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật đầy quyến rũ trên bầu trời đêm cũng như phô diễn những kỹ thuật chế tạo pháo hoa liên tục được nghiên cứu ứng dụng.

 

Ở Việt Nam, từ năm 1994, Chính phủ đã có chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, vì mục đích bảo vệ môi trường và bầu khí quyển. Tuy nhiên, hàng năm, vào đêm giao thừa nhà nước vẫn tổ chức rất nhiều điểm đốt pháo hoa trên cả nước để đón mừng năm mới, cũng như phục vụ nhu cầu thưởng thức cái đẹp của người dân. Người người kéo ra đường để nhìn tận mắt, cận cảnh những ánh đèn lung linh, lan tỏa và nghe những tiếng nổ giòn tan từ pháo hoa trước thềm năm mới.

 

Quả thật, những vầng hoa lửa rực rỡ, lung linh bừng nở trên bầu trời vào giờ khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đã đem lại cảm giác hạnh phúc, rộn ràng trong lòng người...

 

 

Theo Thanh niên

Tệp đính kèm