Cập nhật: 29/06/2009 22:37:42 Article Rating
Xem cỡ chữ

Họ là những gia đình tiêu biểu, đại diện cho các gia đình văn hóa dân tộc về dự Ngày hội gia đình Việt Nam năm 2009 với những thành tích trong lao động sản xuất, trong các công tác xã hội và trong cách chăm sóc, nuôi dạy con cháu.

Gia đình dân tộc Tày có hai thế hệ làm nghề giáo

 

Đó là gia đình bà Hoàng Thị Hằng, trú tại xóm Pò Cọt, xã Cao Chương, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Gia đình bà Hằng đã có hai thế hệ là giáo viên. Bản thân bà đã tham gia công tác giảng dạy, đóng góp cho nền giáo dục của huyện nhà 28 năm. Ba người con của bà (hai trai và một gái) cũng làm giáo viên cấp I và cấp II tại địa phương. Điều mà bà hạnh phúc và sung sướng nhất là các cháu nội, ngoại đều chăm ngoan, học giỏi. Trong những năm qua, gia đình bà Hằng đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu, tích cực tham gia các phong trào xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

 

Hiện nay, bà Hằng đã nghỉ hưu và vẫn tham gia công tác xã hội, chuyên trách về vấn đề dân số - kế hoạch hóa gia đình của xã. Bà Hằng cho biết: xã Cao Chương, huyện Trà Lĩnh – nơi bà sinh sống còn mang nặng tập quán cũ (gia đình phải có con trai), công tác tuyên truyền, thông tin về dân số chưa kịp thời do vậy công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng của bản thân và sự giúp đỡ ân tình của các anh chị em đồng nghiệp, bà Hằng đã hoàn thành xuất sắc công việc được giao, nhiều năm liền được nhận giấy khen của huyện, của tỉnh. Với những thành tích trong công tác, bà đã được tặng huy chương vì sự nghiệp dân số về thành tích góp phần giảm tỉ lệ sinh và sinh con thứ ba.

 

Về dự Ngày hội gia đình tại Hà Nội, bà đã chia sẻ: “Trong những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã được triển khai sâu rộng đến đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện Trà Lĩnh nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung. Thông qua các buổi họp thôn, xóm cũng như sự quan tâm của chính quyền địa phương tới từng gia đình, các hộ dân đã nắm được những nội dung, tiêu chí cần thiết của một gia đình văn hóa, từ đó phấn đấu để đạt được danh hiệu này.”

 

Gia đình người Giáy làm kinh tế giỏi

 

Gia đình ông Nông Văn Mậu ở thôn Tả Van Giáy 1, xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai được cử làm đại diện duy nhất của tỉnh Lào Cai tham dự Ngày hội gia đình Việt Nam 2009. Đây là gia đình đầu tiên ở Sa Pa triển khai mô hình “du lịch cộng đồng”. Từ mô hình này, tỉnh Lào Cai đã xây dựng, nhân rộng thành chương trình phát triển "du lịch cộng đồng bền vững" tại các huyện có tiềm năng phát triển du lịch.

 

Ông Mậu, năm nay 75 tuổi luôn là tấm gương của thôn trong các hoạt động xã hội và đi đầu trong việc phát triển các mô hình kinh tế mới.

 

Cách đây gần chục năm, do chưa biết làm du lịch cộng đồng nên nhà cửa tuy rộng rãi nhưng đành bỏ phí. Mãi đến năm 2003, khách nước ngoài đi du lịch nhiều tại các bản làng, rồi đến xin thuê trọ qua đêm, ông nảy sinh ý định kinh doanh dịch vụ này, rồi bảo vợ con dọn dẹp nhà cửa, đường làng ngõ xóm sạch đẹp để đón khách. Thấy khách ngày một đông, ông đã vận động bà con làng xóm cùng làm theo để phát triển kinh tế gia đình.

 

Để “làm du lịch“, ông Mậu tìm hiểu các sở thích của du khách để phát triển văn hoá, văn nghệ của thôn mình. Ông Mậu tìm hiểu và nhận ra rằng: văn hoá, tập tục của chốn quê mình có nhiều cái hay, cái tốt, cái có ích để mình có thể phát huy tiềm năng đó, vừa giữ gìn được bản sắc dân tộc lại thu hút được nhiều khách du lịch hơn. Cùng với phát triển du lịch, ông Mậu tìm hướng phát triển kinh tế bền vững ở các lĩnh vực khác, như: đưa các giống lúa, hoa màu, các giống cây mới vào gieo trồng trên 1,4 ha, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm… tạo nguồn thu ổn định, mỗi năm trên 50 triệu đồng, cộng với nguồn thu từ du lịch, tổng thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

 

Bốn thế hệ gia đình ông Mậu gồm 6 người con (4 nam, 2 nữ) đều đã trưởng thành, lập gia đình riêng và sinh sống cùng thôn. Ông có 12 cháu và 3 chắt nội, ngoại. 3 con trai ông cũng học theo bố mẹ cải tạo nhà cửa làm du lịch cộng đồng, hiệu quả kinh tế rất cao. Vợ chồng ông Mậu luôn dạy bảo con cháu phải biết yêu thương giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau, chăm chỉ làm ăn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Được giáo dục tốt, nên các cháu ông đều ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ và đặc biệt đều ý thức được việc giữ gìn bản sắc truyền thống của gia đình, dân tộc mình.

 

Gia đình người Dao chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình

 

Gia đình ông Nguyễn Văn Đạt, 85 tuổi, dân tộc Dao quần trắng, trú tại thôn cây nhãn, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang. Gia đình ông Đạt là một trong những gia đình văn hóa tiểu biểu của tỉnh Tuyên Quang áp dụng phương pháp kinh tế hộ gia đình để phát triển nông nghiệp. Hiện nay, gia đình ông được cấp 4,25 ha diện tích đất để trồng lúa, trồng chè, cây hoa màu và cây lâm nghiệp. Ngoài ra, gia đình ông còn chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm với hơn 400 con bao gồm cả trâu, lợn, gà, ngan vịt. Với sự nhanh nhạy, tinh thần ham học hỏi và việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gia đình ông Đạt đã gặt hái được những thành công, thu nhập bình quân theo đầu người là 1.200.000 đồng/tháng.

 

Thành công với mô hình kinh tế hộ gia đình, ông đã nhanh chóng nhân rộng ra các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Những hộ được ông giúp đỡ đến nay đã có đời sống kinh tế ôn định, nhiều gia đình được bình xét là gia đình văn hóa.

 

Gia đình ông Đạt có tất cả 10 người con, 36 cháu và 19 chắt. Hiện nay, ông đang sống với con trai út, gia đình nhỏ có 6 khẩu và 3 thế hệ chung sống với nhau. Theo ông, một gia đình văn hóa phải là một gia đình có kỷ cương, ông bà, cha mẹ phải mẫu mực, con cháu phải thảo hiền.

 

Ngoài việc làm kinh tế và bảo ban con cháu làm kinh tế giỏi, gia đình ông Đạt luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt hương ước thôn bản và quy chế dân chủ ở cơ sở, gương mẫu đi đầu trong các công tác xã hội. Bên cạnh đó, gia đình ông còn tích cực tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội. Đồng thời sẵn sàng giúp đỡ những hộ gia đình nghèo, gặp khó khăn, cùng nhau làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, làm tốt công tác bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ rừng, giữ gìn vệ sinh môi trường…

 

 

Theo ĐCSVN

Tệp đính kèm