Cập nhật: 21/08/2009 22:27:48 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với Những ngày giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản, những người bạn đến từ đất nước của hoa Anh Ðào đã đem tới cho Hội An một "khoảng lặng" không dễ quên. Với Hội An, 2009 là năm của những sự kiện, với lễ hội 10 năm hành trình di sản, đón nhận Bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm...

Ngược dòng lịch sử, đô thị cổ Hội An xưa - một trong những thương cảng phát triển sầm uất của vùng kinh tế biển Ðông-Nam Á trong thế kỷ 17, 18. Từ khi mới hình thành thương cảng, đã có rất nhiều thương nhân Bồ Ðào Nha, Anh, Pháp,... mà đặc biệt là những thương nhân người Nhật Bản đến đây buôn bán, lập nghiệp, kết hôn với người bản xứ. Nhiều sử liệu xác định, đây là thời kỳ các chúa Nguyễn thực thi chính sách mở cửa ở Ðàng Trong, và thương cảng Hội An trở thành một "khu kinh tế mở". Trong khi đó, chính quyền Nhật Bản cũng cấp phép Châu ấn cho các thuyền buôn xuất dương. Tại Hội An hình thành một khu vực cư trú của người Nhật với tên gọi Nhật Bổn phố hoặc Nhật Bổn dinh được mô tả trong các tư liệu cổ là "hai dãy nhà san sát ước chừng 60 nóc". Một số thương nhân Nhật Bản đã lấy vợ Việt Nam... Tấm bia Phổ đà Linh sơn Trung Phật ở động Hoa Nghiêm - Ngũ Hành Sơn ghi tên 16 người Nhật Bản cúng dường, trong đó có năm gia đình Nhật Bản - Việt Nam ở Hội An. Nhiều người vợ Việt Nam đã theo chồng về sinh sống ở Nhật Bản. Như vậy, cách đây hơn 400 năm, dưới "mái nhà chung" Hội An đã diễn ra sự tiếp xúc, ảnh hưởng qua lại giữa hai lối sống, hai phong cách ứng xử Việt Nam - Nhật Bản.

 

Trong thời gian qua, TP Hội An đã ghi nhận sự đóng góp trí tuệ và nguồn kinh phí hỗ trợ của các tổ chức Nhật Bản cho công cuộc trùng tu, bảo tồn đô thị cổ. Bảy năm qua, lễ hội Những ngày giao lưu văn hóa  Việt Nam - Nhật  đã mang lại cho Hội An không chỉ là không khí sôi nổi mà qua đó để đánh giá thêm sự thân thiện, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Trong Những ngày giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản lần này, món quà tinh thần mà lễ hội mang lại là Không gian văn hóa Việt với nhiều chương trình phong phú, đa dạng, được bố trí ở khu vực từ cầu Quảng Trường sông Hoài đến cầu An Hội với 30 gian nhà đủ các kiểu dáng đặc trưng giới thiệu những địa chỉ văn hóa đặc sắc, từ Ðông Sơn (Thanh Hóa) đến cồng chiêng (Tây Nguyên), rồi Mỹ Sơn, Hội An...

 

 

Ðặc biệt là những màn trình diễn độc đáo của các làng nghề nổi tiếng. Món cá rô đồng làng Vũ Ðại, bánh bao, bánh vạc cũng lần đầu xuất hiện trong sự kiện văn hóa này. Có nhiều gian hàng triển lãm tại chùa Cầu - vốn do người Việt Nam và người Nhật Bản cùng xây dựng, nay đã trở thành biểu tượng của Hội An - di sản văn hóa thế giới. Hàng trăm sản vật từ mọi vùng, miền của đất nước đã về đây để tụ hội như lụa, gốm, tranh Hàng Trống, dệt chiếu, đan lưới, vãi chài; vật cổ truyền Bình Ðịnh, cồng chiêng Tây Nguyên, rối nước, trống làng... Không khí lễ hội như linh thiêng hơn khi người xem được trở về với lễ hội trống đồng, những nghệ nhân đến từ Thanh Hóa với màn trình diễn đánh trống đồng với chủ đề Âm vang dòng máu Lạc Hồng.  Màn trình diễn được thể hiện với 18 chiếc trống đồng tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng đã được các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn. Từ bao đời nay, đất nước Việt Nam, những người con từ trăm miền cùng chung niềm tự hào là con rồng cháu lạc, người xem như được trở về đồng vọng với lịch sử hào hùng của dân tộc. Và trong khoảnh khắc đó, dường như đất trời và con người cùng hòa quyện, hai nền văn hóa được giao thoa.

 

Phát biểu tại lễ khai mạc Những ngày giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản, ông Mát-su-đa I-wao - Thượng nghị sĩ, Phó Chủ tịch Hội Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, cố vấn cao cấp Ban tổ chức lễ hội đã nói: "Chúng tôi muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu hảo này. Nhiệm vụ của chúng tôi là cầu nối nền văn hóa hai nước vốn có nền móng quan hệ từ 400 năm về trước. Mãi mãi về sau, tình hữu nghị của chúng ta luôn bền chặt và tốt đẹp". Những người bạn đến từ xứ sở Phù Tang mang đến cho lễ hội những giây phút tĩnh lặng với văn hóa trà đạo Nhật Bản. Trong ngôi nhà cổ số nhà 130 Nguyễn Thái Học, cả người thưởng thức và những nghệ nhân trà đạo như lắng cùng suy nghĩ, chiêm nghiệm lại thời gian và thưởng thức trà.

 

Ông Nguyễn Văn Hai ở Hội An, người đã nhiều lần được tìm hiểu về trà đạo Nhật Bản nói rằng, không có gì thú vị bằng việc được trực tiếp học cách pha trà của nghệ nhân người Nhật Bản. Họ làm cẩn trọng, tỉ mỉ, đúng quy trình, không để sơ suất một động tác nào và: "Mỗi dịp lễ hội, tôi lại sắp xếp công việc để đến đây để được đắm mình trong không gian văn hóa này, để hiểu thêm văn hóa của nước bạn". Những ngày giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản cùng với việc triển khai các hoạt động giao lưu văn hóa, các hoạt động nâng cao nhận thức cùng hành động vì môi trường, và nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa, nghệ thuật đa dạng phong phú đã góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc và sự hiểu biết sâu sắc về nền văn hóa ở mỗi quốc gia.

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm