Sự phát triển của văn hóa châu Á trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện tại là chủ đề của hội nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa 17 nước trong khu vực. Đây cũng là sự kiện chính trong khuôn khổ Liên hoan Nghệ thuật châu Á lần thứ 11 diễn ra từ ngày 18- 26.8.2009 tại Khu tự trị Nội Mông, TQ.
Đoàn đại biểu Bộ VH,TT&DL Việt Nam do Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh dẫn đầu dự Hội nghị.
“Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã lan rộng ra nhiều mặt của xã hội. Sự phát triển của văn hóa châu Á hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức lớn và cách giải quyết những thách thức này là vấn đề cấp bách mà các quốc gia châu Á đang phải đối mặt”, ông Cai Wu, Bộ trưởng Văn hóa TQ phát biểu tại buổi lễ khai mạc hội nghị.
Ông Cai cho biết, nhiều dự án văn hóa tại các nước châu Á đã phải hủy bỏ hoặc hoãn lại vì thiếu ngân sách do rất nhiều khoản hỗ trợ tài chính xã hội đã được chuyển sang để thúc đẩy nền kinh tế nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính. Các công ty và tổ chức đều không sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, cuộc suy thoái cũng khiến nhu cầu về văn hóa và các hoạt động liên quan bị giảm sút.
Theo bà Vilma L.Labrador, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa và Nghệ thuật quốc gia Philippines, những giám đốc ngân hàng bị mất việc không còn xuất hiện tại các cuộc bán đấu giá nghệ thuật và những người lo lắng về tương lai sẽ không đến nhà hát để xem biểu diễn opera. “400 năm bị đô hộ không bao giờ lấy đi được bản sắc văn hóa của Philippines, mà trái lại, sức mạnh và ảnh hưởng của thuộc địa còn góp phần giúp chúng ta tạo ra một bản sắc văn hóa cụ thể hơn,” bà nói. Bà còn cho biết, văn hóa và nghệ thuật đã trở thành “vũ khí” ở Philippines để chống lại các vấn đề xã hội như nghèo đói, ma túy và khủng bố.
Theo bà Vilma, Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo đã đưa thêm một chương vào “Kế hoạch phát triển giai đoạn trung gian” của Nhà nước, công nhận văn hóa và nghệ thuật là sức mạnh chính để phát triển giáo dục và là chất xúc tác cho sự chuyển đổi xã hội. Bà Labrado cho biết, năm nay Ủy ban Văn hóa và Nghệ thuật quốc gia Philippines đã giới thiệu một chương trình thử nghiệm mang tên “Các nghệ sĩ với cuộc khủng hoảng”, nhằm mời một số nhóm nghệ sĩ đến tổ chức các hội thảo về nghệ thuật sáng tạo cho phụ nữ và trẻ em, nhóm người đặc biệt dễ gặp nguy hiểm trước các vấn đề về gia đình và xã hội trong cuộc khủng hoảng.
Hideo Tamai, Ủy viên Cơ quan Các vấn đề Văn hóa Nhật Bản cho biết: “Cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến chúng ta phải nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của quyền lực mềm như một giải pháp có tính đột phá.” Hiện nay, ngân sách bổ sung của Nhật Bản cho năm tài chính hiện tại đã lớn hơn ngân sách cho các lĩnh vực khác như phát triển các phòng triển lãm nghệ thuật quốc gia, viện bảo tàng, nhà hát cũng như các trung tâm tổng hợp, các hoạt động bảo tồn, thử nghiệm và tuyên truyền các loại hình văn hóa và nghệ thuật mới.
Theo ông Hideo, Nhật Bản đã tổ chức “Hội thảo văn hóa thế giới” để tăng cường hiểu biết về văn hóa châu Á và biến hoạt động “những năm trao đổi” với các nước châu Á khác thành truyền thống.
Trong năm 2009, Cơ quan Các vấn đề Văn hóa Nhật Bản đã hỗ trợ chương trình “Năm trao đổi Nhật Bản - Mekong”, bao gồm các dự án trao đổi văn hóa truyền thống và các loại hình nghệ thuật hiện đại tại Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Lào.
Các Bộ trưởng Văn hóa Nhật Bản, Singapore, Thái Lan cũng có bài phát biểu về phát triển văn hóa tại hội nghị. Dự kiến thỏa thuận về thúc đẩy hợp tác văn hóa giữa các quốc gia châu Á sẽ được kí kết vào cuối hội nghị.
Liên hoan Nghệ thuật châu Á lần thứ 11 do Bộ Văn hóa TQ tài trợ diễn ra tại Khu tự trị Nội Mông, TQ. Đây là lần đầu tiên liên hoan này được tổ chức tại khu vực miền bắc TQ. Liên hoan giới thiệu đến công chúng các triển lãm nghệ thuật và chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật đến từ 18 quốc gia châu Á.
Theo Báo VH Online