Cập nhật: 03/09/2009 23:53:39 Article Rating
Xem cỡ chữ

Không phải ngẫu nhiên mà vào năm 1987, để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, UNESCO (Tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục của Liên Hợp quốc) đã có Nghị quyết, khẳng định: “sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hoá hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.

Nói đến văn hoá trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là sự hài hòa của tinh hoa văn hoá dân tộc và văn hoá nhân loại. Tư tưởng về văn hoá của Người là cách cảm, cách nghĩ, cách nói của Người luôn thể hiện cách cảm, cách nghĩ, cách nói của dân tộc. Ngay từ tháng 8/1943, Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm về văn hóa như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày, về mặc, ăn ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của các phương thức sinh hoạt, cùng với những biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra, nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống của sự sinh tồn” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H 2000.tr 431). Quan niệm của Người đã chỉ ra được nguồn gốc, động lực và cấu trúc về văn hóa mà hơn 40 năm sau, vào những năm 80 của thế kỷ XX, khi tổ chức UNESCO đưa ra định nghĩa về văn hoá, đã có sự gặp gỡ với quan điểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trước đó.

 

Điều cốt lõi trong tư tưởng văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người và niềm tin đối với con người hết sức bao la sâu sắc, tất cả vì mọi người, tất cả do con người. Đó là một nhân sinh quan, một triết lý sống rất nhân văn, là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản. Người từng nói: “Nghĩ cho cùng mọi vấn đề là vấn đề ở đời và làm người là phải thương nước thương nhân loại đau khổ bị áp bức”. Suốt đời người đã hy sinh chiến đấu chống áp bức, bất công, đem lại cuộc sống tự do hạnh phúc cho nhân dân, cho dân tộc, cho nhân loại. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Người đã căn dặn: “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Muốn làm được điều đó, mỗi người chúng ta lại càng phải thấm nhuần hơn tư tưởng đạo đức của Người với đức tính cần kiệm liêm chính chí công vô tư. Sinh thời Người từng dạy: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo, người cách mạng phải có đức không có đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn phải giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức thì còn nổi việc gì”.

 

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm đưa ra những quan điểm xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, đồng thời Người là kiến trúc sư, tổ chức lãnh đạo xây dựng nền văn hóa mới đó. Với Người, văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng. Hồ Chí Minh cho rằng văn hóa nói chung, Chủ nghĩa Mác-Lênin nói riêng đóng vai trò quan trọng tạo bước nhảy vọt triệt để trong tư duy hành động của con người và của các dân tộc bị áp bức. Người đã từng nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân, để thực hiện độc lập tự cường, tự chủ”. Như vậy theo quan điểm của Người văn hóa như một động lực đẩy các dân tộc đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau. Trong bản Di chúc, Người lại nhấn mạnh văn hóa có tác dụng “sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, sửa xã hội cũ xây xã hội mới”. Đồng thời dặn dò “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Con người có đạo đức trí tuệ, văn hóa, sức khỏe vừa là động lực xây dựng xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng.

 

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng ta chủ trương “xây dựng nền Văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (Nghị Quyết TW5, khóa VIII, năm 1998). Nền văn hoá đó được xây dựng trên cơ sở kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với tinh thần chủ đạo là chủ nghiã yêu nước Việt Nam; nhấn mạnh vai trò, chức năng quan trọng của văn hoá đối với sự tồn tại và phát triển xã hội ngày nay; văn hoá vừa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế xã hội. Phải nhận thức rõ nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá thống nhất và đa dạng trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, cho nên cần phát huy và bảo tồn từng bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc. Phải thấm nhuần quan điểm xây dựng văn hoá là sự nghiệp của toàn dân trong đó đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo có vai trò quan trọng. Văn hoá là một mặt trận, xây dựng văn hoá là sự nghiệp cách mạng lâu dài cần phải có ý chí cách mạng đồng thời phải kiên định và thận trọng, kết hợp giữa xây với chống và lấy xây làm chính

 

Trên cơ sở thực trạng văn hoá nước ta mà Hội nghị TW5 (khóa VIII) đã đánh giá, Hội nghị TW10 (khóa IX) tiếp tục khẳng định: Văn hoá đã gắn kết chặt chẽ hơn với các lĩnh vực của đời sống xã hội, đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị và tạo nên những thành tựu về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… của đất nước. Đã có sự tham gia tích cực, tự giác của nhân dân vào các hoạt động văn hoá, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống VH” đã tạo được chuyển biến bước đầu và tiền đề rất quan trọng để văn hoá nước nhà tiếp tục phát triển đúng hướng và vững chắc. Để đạt được kết quả bước đầu đó, chính là nhờ toàn Đảng, toàn dân ta đã không ngừng học tập, thấm nhuần tư tưởng và những căn dặn trong Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm