Cập nhật: 12/09/2009 17:08:05 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đến nay trên cả nước đã có 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và đang triển khai kế hoạch tổ chức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội cho biết, nhiều công trình, dự án chuẩn bị hoàn tất theo đúng tiến độ để hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong đó, tiêu biểu là hoạt động ở một số tỉnh như: Bắc Ninh đã khởi công dự án nâng cấp, bảo tồn Đền Rồng (Đình Bảng - Từ Sơn); tu bổ, tôn tạo chùa Phật Tích, đồng thời cũng đã cho  tu bổ, tôn tạo di tích Đền Đô.

 

Cùng với các hoạt động trên, Bắc Ninh cũng tăng cường tuyên truyền, quảng bá, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, triển lãm di sản văn hoá thời Lý; xuất bản các ấn phẩm về lịch sử văn hoá thời Lý; xây dựng phim tài liệu về vùng đất, con người quê hương nhà Lý.

 

Tại Ninh Bình nhiều công trình, dự án như: tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa, du lịch nằm trong vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư, công trình chợ Trường Yên; Xây dựng quảng trường, tượng đài vua Đinh. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Hoa Lư; tổ chức lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư kỷ niệm 1.042 năm ngày Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế; trưng bày bảo tàng với chủ đề “Từ Hoa Lư tới Thăng Long - Hà Nội”.

 

Tỉnh Phú Thọ đã tổ chức các hoạt động thông tin lưu động tuyên truyền tới người dân vùng đất Tổ về lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; Nghiên cứ xuất bản các ẩn phẩm văn hoá nghệ thuật thời Lý- Trần trên vùng đất Tổ; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng; các Di tích thời đại Hùng Vương; bảo tồn phát huy giá trị các di tích lịch sử, lễ hội thời Lý…

 

Thành phố Hải Phòng đẩy mạnh các hoạt động văn hoá văn nghệ, trưng bày sách báo về Thủ đô ngàn năm văn hiến, tuyên truyền, sản xuất phim tài liệu giới thiệu một số di tích lịch sử thờ các anh hùng thời Lý; thi tìm hiểu các về lịch sử văn hoá Thăng Long- Hà Nội. Ngoài ra, thành phố còn đăng ký Dự án xây dựng Tháp Tường Long - Đồ Sơn là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

 

Tỉnh Thanh Hoá, các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện tuyên truyền về truyền thống đấu tranh dựng nước giữ nước của quê hương Thanh Hoá gắn với 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia liên quan đến thời Lý

 

Tỉnh Thừa Thiên - Huế  xây dựng bộ phim tài liệu về quan hệ kết nghĩa, hợp tác và phát triển giữa Huế - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, UBND tỉnh còn tổ chức Hội thảo: “Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên - Huế trong dòng chảy lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, và cuộc thi tìm hiểu “1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”. Thi sáng tác văn học nghệ thuật về chủ đề Thăng Long – Hà Nội…

 

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng các hoạt động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn đảm bảo yêu cầu cao nhất, hoàn thành công trình trước ngày 31/12/2009.

 

Thành phố Cần Thơ, ngày 1/9/2009 vừa qua, thành phố đã tổ chức Lễ khánh thành công trình Tượng Bác Hồ và gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại bến Ninh Kiều, đây là công trình đầu tiên của các tỉnh, thành phố trong cả nước gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Quảng bá hình ảnh Hà Nội ngàn năm văn hiến ra thế giới

 

Bên cạnh sự hưởng ứng tích cực của các tỉnh, thành trong cả nước hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Các đơn vị Trung ương và Hà Nội còn có các hoạt động phối hợp với các tổ chức quốc tế như UNESCO xây dựng hồ sơ và vận động ngoại giao công nhận Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hoá thế giới; hoàn chỉnh hồ sơ vận động UNESCO ra nghị quyết kỷ niệm 1000 năm  Thăng Long – Hà Nội, xây dựng hồ sơ đưa Bia đá Văn Miếu- Quốc Tử Giám vào Chương trình “Ký ức thế giới” và chuẩn bị tổ chức “Những ngày văn hoá Hà Nội tại ƯNESCO- Paris”. Thông qua các tổ chức ngoại giao, đại sứ quán thực hiện quảng bá về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, giao lưu văn hoá với các thành phố có quan hệ ngoại giao thân thiện… Xem xét đề nghị của tổ chức Du lịch thành phố Seoul (Hàn Quốc), Công ty Philéog, cùng các tổ chức quốc tế khác tham gia lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.

 

UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Di sản thế giới mới đây cũng đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế Diễn đàn UNESCO- Trường đại học và di sản lần thứ 12 để quảng bá hình ảnh Thăng Long- Hà Nội ngàn năm văn hiến đến các nhà nghiên cứu, học giả các trường đại học trên thế giới, đồng thời tranh thủ vận động các thành viên UNESCO tham dự Diễn đàn ủng hộ đề cử Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hoá thế giới./.

 

 

Theo VOV News

Tệp đính kèm