Các nhà khảo cổ học vừa có một cuộc ngồi lại với nhau để nhìn nhận, thống kê những phần việc đã làm được trong năm 2009. Đã có rất nhiều phát hiện mới về khảo cổ học đã được các nhà khoa học phát hiện, khai quật trong năm 2009.
Theo báo cáo của ông Nguyễn Khắc Sử thuộc Viện khảo cổ học, mùa điền dã 2008 – 2009, Viện Khảo cổ học tiếp tục thực hiện dự án “Khai quật, di dời và xử lý các di tích khảo cổ vùng lòng hồ thủy điện Sơn La” và đã khai quật được 23 di chỉ khảo cổ học vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, trong đó có 10 di chỉ hang động, 13 di chỉ thềm sông. Tại Sơn La là 4 di chỉ thềm sông (Văn Pán, Pá Muội, Hua Lon, Pá Màng), 3 di tích hang động (Tọ 1, Tọ 2 và Pá Pó). Trên Điện Biên, các nhà khảo cổ tìm được 4 di chỉ thềm sông (Pắc Na, Huổi Le, Huổi Lé, Huổi Só), Lai Châu là 4 di chỉ thềm sông (Hát Hí, Hát Hỉ, Nậm Hăn)… Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện mới về quần động vật hang Mỏ Tuyển (Lào Cai) và lần đầu tiên phát hiện được di cốt người cổ ở Sơn La…
Cuối năm 2008, Viện khảo cổ học phối hợp với Sở VH,TT&DL Phú Yên khai quật được di chỉ Khe Ông Đậu. Đây là một di chỉ có tầng văn hóa diễn biến ổn định, sưu tập hiện vật đặc biệt là đồ gốm có số lượng lớn, phong phú đa dạng về loại hình hoa văn, có niên đại 2500 năm. Tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc cũng đã phối hợp với Sở VH,TT&DL Hà Nội khai quật di tích Mả Tre có từ cuối thế kỷ 9 – 10. Bên cạnh đó, trong năm qua, các nhà khảo cổ học đã có 12 thông báo phát hiện mới ở Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắc Lắc. Trong đó, đáng kể là phát hiện lần đầu văn hóa Gò Mun ở Tuyên Quang…
Về khảo cổ học lịch sử, khoảng giữa năm 2009, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã phối hợp với Sở VH, TT&DL Hà Nội khai quật chữa cháy di tích kiến trúc Trường phổ thông cơ sở Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội). Phế tích kiến trúc có dạng vòm cuốn, có thể là đoạn cống của hệ thống công trình kiến trúc khá đồ sộ thời Đông Hán. Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng phát hiện, khai quật nhiều di tích ở các tỉnh thành khác. Điển hình là khai quật di tích chùa – tháp Kim Tôn (Vĩnh Phúc), di tích đền Thái với diện tích 240m2 ở thời nhà Trần tại Quảng Ninh, khai quật lần 3 di tích đàn Nam Giao (Thanh Hóa) và đã xác định đây chính là đàn tế Nam Giao của Vương triều Hồ, đàn tế cổ nhất còn tương đối nguyên vẹn…
Trong báo cáo mới nhất của Viện khảo cổ học thì Khảo cổ văn học Chăp Pa và nền văn hóa Ốc eo cũng có những kết quả “đáng nể” trong năm 2009. Trong nhất nhiều phát hiện mới, đáng chủ ý là các nhà khảo cổ đã phát hiện thêm một văn minh Chăm Pa ở Bình Định, tượng Phật Lồi dạng vị Bồ Tát trong tư thế thiền định, đội mũ hình trụ cao có khắc bùa “Omkar”, lưng tượng là tấm bia hình ngũ giác có 12 dòng chữ Chăm pa cổ chưa được giải mã…
Những phát hiện mới trong công tác khảo cổ học sẽ giúp các nhà quản lý lập quy hoạch bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và xếp hạng di tích được khai thác. Quan trọng nữa là, công việc này sẽ giúp di dời các di tích ra khỏi vùng có dự án kinh tế lớn của Nhà nước.
Theo Báo Hànộimới Online