Lần đầu một lễ hội văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng được tổ chức tại Thái Bình vào các ngày từ 14 đến 16-10, với chủ đề Âm vang sông Hồng.
Ðây là một trong những hoạt động chính năm 2009 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, thực hiện Nghị quyết 7 (khoá X) của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhằm xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại, chính trị ổn định và văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong những năm gần đây trên phạm vi cả nước, các hoạt động giao lưu văn hóa, kinh tế có tính chất vùng hay khu vực đã được tổ chức với nhiều hình thức phong phú. Các hoạt động này đã đạt được những thành công, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của các địa phương. Trước thềm Ðại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần đầu phối hợp cùng các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Hồng tổ chức tại Thái Bình Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch lần thứ nhất. Trong những ngày này, trên khắp các địa phương trong tỉnh Thái Bình ở đâu cũng thấy băng-rôn, biểu ngữ chào mừng "Ngày văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất năm 2009" và "Châu thổ sông Hồng hướng về Ðại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội".
Ðồng bằng sông Hồng là một trong ba tiểu vùng của Bắc Bộ có đất đai màu mỡ, được hình thành từ sự bồi đắp phù sa của hai hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Trước khi đổ ra vịnh Bắc Bộ, hai hệ thống sông nói trên với mười cửa sông đã tạo nên một vùng châu thổ trù phú gồm mười tỉnh đồng bằng. Hàng nghìn năm qua, vùng đất này đã làm nên biết bao kỳ tích trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Ngày nay trên con đường đổi mới, vùng đồng bằng sông Hồng với gần 550 nghìn ha canh tác, là nơi có cơ sở hạ tầng và trình độ phát triển nông nghiệp tốt nhất cả nước, vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn. Vùng đồng bằng sông Hồng còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, tập trung mật độ cao các viện nghiên cứu, các trường đại học đầu ngành của nền giáo dục nước nhà.
Khu trung tâm của đồng bằng sông Hồng rất bằng phẳng, phần lớn nằm ở độ cao từ 0,4 m đến 12 m so với mực nước biển, với 56% có độ cao thấp hơn 2 m. Giữa lòng miền đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của nền văn minh sông Hồng, nền văn hóa Việt cổ, có vùng văn hóa Thăng Long-Hà Nội và chung quanh bốn phương, tám hướng có bốn vùng văn hóa Ðông, Ðoài, Nam, Bắc đã làm nên đặc trưng vùng văn hóa Bắc Bộ Việt Nam, bảo lưu được nhiều giá trị truyền thống hàng nghìn năm nay.
Trong khoa học văn hóa - lịch sử, cùng với các nền văn minh khác có mặt ở nước ta, văn minh sông Hồng được ghi nhận với quy mô, vị trí và vai trò ảnh hưởng lớn trong lịch sử văn minh dân tộc. Trên đường đi tới xây dựng một nền văn hóa hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, vùng văn hóa này vẫn còn nhiều tiềm năng lớn lao. Chính tại vùng châu thổ sông Hồng đã sản sinh ra những bộ môn nghệ thuật truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc như múa rối, hát chèo, hát văn, các làn điệu dân ca mượt mà và các lễ hội mang tầm cỡ quốc gia tồn tại đến ngày nay. Ðặc biệt vừa qua, hai loại nghệ thuật dân ca quan họ Bắc Ninh và ca trù đã được tổ chức UNESCO ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Ðây cũng là vùng có nhiều làng nghề đặc sắc, nhiều danh lam, thắng cảnh tiềm ẩn của ngành kinh tế du lịch.
Từ trước đến nay, vùng đồng bằng sông Hồng chưa bao giờ có cuộc giao lưu nào giữa các tỉnh trong khu vực. Năm 2009, Thái Bình đề nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện yêu cầu nói trên và Thái Bình đứng ra đăng cai. Bởi vì Thái Bình là một tỉnh ven biển của đồng bằng sông Hồng, cư dân chủ yếu sống bằng nghề nông với việc trồng lúa nước là chủ đạo. Văn hóa nông nghiệp ở đây đến sớm, hiện còn lưu giữ được nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian với các nghi thức lễ hội nông nghiệp, nội dung và số lượng phong phú hơn nhiều so với các địa phương khác. Cùng với Nam Ðịnh, Thái Bình là Trấn Sơn Nam xưa kia nổi tiếng là vùng đất học. Yêu cầu nói trên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo các tỉnh trong vùng chấp thuận hai năm tổ chức một lần.
Về Thái Bình hôm nay, khách du lịch có thể thăm nhiều cảnh quan thiên nhiên, các cồn đảo hoang dã ven biển của rừng ngập mặn hoặc đi thăm các vùng quê có những lễ hội truyền thống và những công trình văn hóa được xếp hạng như chùa Keo nổi tiếng được xây từ đời Lý thế kỷ 11, các đền Tiên La, Ðồng Bằng, các từ đường Lê Quý Ðôn, Ngô Quang Bích, Bùi Viện, đền thờ và lăng mộ-nơi phát tích còn lưu giữ phần mộ của nhà Trần ở xã Tiến Ðức, huyện Hưng Hà, nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Tân Hòa (Vũ Thư). Thái Bình còn là cái nôi của các làn điệu chèo truyền thống ngày càng được gìn giữ và phát huy với câu ca dao: Hỡi cô thắt dải lưng xanh, có xem chèo Khuốc với anh thì về.
Thái Bình là địa phương đặc trưng cho văn hóa châu thổ sông Hồng, một trong tứ chiếng chèo đặc sắc của nghệ thuật truyền thống. Những phường rối nước cổ truyền của địa phương đã trở thành di sản văn hóa. Cùng với tín ngưỡng dân gian vô cùng phong phú bao gồm các sinh hoạt lễ tế, lễ rước thần linh, lao động thủ công, làng nghề và nghệ thuật dân gian là vùng đất đầy hứa hẹn cho sự phát triển kinh tế du lịch.
Những ngày văn hóa của đồng bằng sông Hồng sẽ được hàng nghìn vận động viên, diễn viên của các tỉnh trong khu vực về đây thể hiện bản sắc văn hóa của từng địa phương, kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại, thể hiện tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa vùng, nhằm phát huy sự đoàn kết, gắn bó, hợp tác phát triển của các tỉnh, thành phố trong khu vực.Nội dung các hoạt động trong những ngày văn hóa được gắn với chương trình phát triển kinh tế, xã hội của mỗi tỉnh, thành phố tham gia. Các hoạt động cổ vũ và việc làm thực tế để phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, sáng tạo văn học-nghệ thuật, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử.
Các sự kiện nổi bật trong những ngày hội bao gồm: Lễ dâng hương tại di tích đền Trần tại huyện Hưng Hà; Triển lãm ảnh giới thiệu quê hương, đất nước và con người các tỉnh đồng bằng sông Hồng; Hội thảo phát triển du lịch khu vực đồng bằng sông Hồng; Hội chợ, triển lãm văn hóa, thể thao, du lịch các tỉnh; Bầu chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới; Khai mạc các giải thể thao quần chúng, trò chơi dân gian; Tổng kết hội thi tuyên truyền lưu động về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Hội nghị tổng kết 20 năm (1989-2009) phong trào xây dựng làng văn hóa các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc...
Theo NhanDan online