Là cái nôi của nền văn minh lúa nước với lịch sử lâu đời, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, nhiều cảnh quan đẹp, nhưng hoạt động du lịch khu vực đồng bằng sông Hồng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân chủ yếu là do các tỉnh chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng, thiếu sự liên kết để tạo ra sản phẩm du lịch liên vùng độc đáo, khác biệt.
Trong khuôn khổ Ngày hội VH, TT và DL các tỉnh đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất tại Thái Bình đã diễn ra hội thảo Phát triển du lịch khu vực đồng bằng sông Hồng, với sự tham gia của đại diện Tổng cục Du lịch, Bộ VH, TT và DL và Sở VH, TT và DL của 10 tỉnh trong khu vực, các công ty lữ hành... Hội thảo nhằm tìm cách xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương và liên vùng, đồng thời kết nối tour khai thác các điểm đến trong khu vực.
Chưa khai thác hết tiềm năng
Đồng bằng sông Hồng gồm 10 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam. Đây là một khu vực rộng lớn từ Tây sang Đông, có các miền địa hình khác nhau như rừng núi, trung du, đồng bằng, biển và hải đảo... Hơn nữa, đồng bằng sông Hồng là lãnh thổ có giá trị nổi trội về văn hóa lịch sử so với các lãnh thổ địa lý khác ở Việt Nam: là nơi có lịch sử khai phá lâu đời, cái nôi của nền văn minh lúa nước, tập trung nhiều di tích, lễ hội, làng nghề truyền thống đặc sắc... Với các tài nguyên về tự nhiên, văn hóa, lịch sử ấy, các tỉnh đồng bằng sông Hồng đã khai thác kinh doanh du lịch theo nhiều hướng khác nhau: du lịch biển đảo (Đồ Sơn, Cát Bà, Quất Lâm...), du lịch văn hóa (thăm quan các di tích lịch sử, văn hóa như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa Hương, chùa Keo...), du lịch sinh thái (vườn Quốc gia Vân Long, Cúc Phương, Ba Vì)...
Tuy vậy, theo các nhà chuyên môn, đại diện các Sở VH, TT và DL trong khu vực, du lịch đồng bằng sông Hồng vẫn chưa phát triển tương xứng với vị trí và tiềm năng. Chỉ có một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Ninh Bình, Hải Phòng bước đầu đã khai thác du lịch có hiệu quả, còn lại đa số các tỉnh chưa tìm được hướng đi riêng cho du lịch. Năm 2008, toàn vùng đã đón 2,7 triệu lượt khác quốc tế, chiếm 20,7% cả nước, và 14,9 triệu lượt khách nội địa, chiếm 24,8% cả nước, với thu nhập từ du lịch đạt 26,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 33% cả nước. Như vậy, trong giai đoạn 2000-2008, tỷ lệ du khách đến đồng bằng sông Hồng so với các vùng khác trong cả nước không tăng, lượng khách du lịch quốc tế đến đây dao động trong khoảng 20-25% tổng lượng khách du lịch quốc tế đi lại giữa các địa phương trong cả nước, trong khi lượng khách nội địa cũng chỉ dao động trong khoảng 25-30%.
Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân như: sản phẩm du lịch na ná nhau; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch hạn chế; lực lượng kinh doanh du lịch lữ hành của nhiều tỉnh còn quá ít, quy mô nhỏ, nghiệp vụ yếu; thiếu cơ sở vật chất phục vụ du lịch... Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam tại Hà Nội Lưu Nhân Vinh nhận xét: “Chất lượng các sản phẩm du lịch tại một số địa phương chưa cao do sản phẩm không đặc trưng và độc đáo, chưa phù hợp với từng đối tượng du khách. Các sản phẩm của cùng một địa phương hoặc của các địa phương lân cận hay chồng chéo, lặp đi lặp lại, nơi nào đang hút khách thì “nhái” ngay ý tưởng kinh doanh, gây nhàm chán với du khách và cạnh tranh không lành mạnh, làm phân tán khách...”
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng
Nhằm thu hút du khách du lịch, mỗi địa phương cần nghiên cứu và tìm ra điểm độc đáo, đặc trưng, mang đậm dấu ấn của địa phương, tạo nên những sản phẩm du lịch khác biệt và không thể thay thế. Khai thác các sản phẩm du lịch cần căn cứ vào sự phân bố không gian tài nguyên du lịch chủ yếu và địa lý tự nhiên. Ví dụ các địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên có thể phát triển sản phẩm du lịch văn hóa; địa bàn ven biển từ Hải Phòng đến Ninh Bình phát triển du lịch sinh thái...
Bên cạnh đó, cần xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng..., qua đó xúc tiến, quảng bá chung nhẳm tạo nên thương hiệu cho sản phẩm du lịch của vùng. Ví dụ như kết nối dòng văn hóa Trần trong mối liên hệ với các địa danh thuộc Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội..., từ đó hợp tác tổ chức các sự kiện du lịch văn hóa cấp vùng với chủ đề liên quan đến vương triều Trần, tuyên truyền quảng bá cho sản phẩm du lịch mang đặc trưng không chỉ của mỗi địa phương mà của cả vùng...
Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Phạm Trung Lương: căn cứ vào đặc điểm tài nguyên của khu vực đồng bằng sông Hồng, nhóm sản phẩm du lịch đặc thù của khu vực cần được tập trung nghiên cứu và phát triển là du lịch văn hóa, trong đó chú trọng khai thác các giá trị văn hóa đã được quốc tế thừa nhận, bao gồm dân ca quan họ, ca trù và những giá trị văn hóa lịch sử nổi trội như di tích Hoàng thành Thăng Long, di tích Cổ Loa, Hoa Lư... Đặc biệt, các giá trị văn hóa truyền thống làng quê Việt của cái nôi văn minh lúa nước đồng bằng sông Hồng cần được chú trọng khai thác bởi điều này sẽ không chỉ tạo nên sự khác biệt về sản phẩm du lịch giữa vùng đồng bằng sông Hồng với sản phẩm du lịch của các vùng lãnh thổ khác mà còn góp phần tạo sự khác biệt giữa sản phẩm du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực.
Theo Người đại biểu Nhân Dân Online