Cập nhật: 04/12/2009 21:33:48 Article Rating
Xem cỡ chữ

*  Đã có nhiều biện pháp nhằm bình ổn giá lịch năm 2010

* Số lượng lịch đăng ký đưa ra thị trường khoảng 60 triệu bản

Có lẽ từ khi xóa bỏ độc quyền về lịch đến nay, chưa năm nào chuyện lịch lại có vẻ im ắng như năm nay. Ở một góc độ nào đó dường như đây không phải là "khoảng lặng trước bão lớn", mà là dấu hiệu "trưởng thành" của thị trường lịch.

Từ việc chuyển đổi vai trò "điều hành"

 

Nếu như thời còn độc quyền, "liên minh" NXB giữ quyền xuất bản có vai trò điều phối thị trường lịch thì năm nay, dường như vai trò đó được luân chuyển giữa các đơn vị tư nhân, mà tiêu biểu là CLB Các nhà sản xuất lịch tại TP Hồ Chí Minh. Để tránh rủi ro, CLB này đã ký thỏa thuận về một số biện pháp nhằm bình ổn giá lịch năm 2010. Chẳng hạn, đã có một quy định về số đầu lịch 2010 mà họ sẽ làm, như với hai loại lịch gồm 5 tờ và 7 tờ là không được vượt quá mức 40 đầu lịch/loại. Giá một số loại lịch cũng được ấn định… Rõ ràng, ở khía cạnh nào đó, sự chuyển đổi vai trò này đã tác động tích cực đến thị trường.

 

Theo nhận định của giới chuyên môn, giá lịch 2010 không cao hơn năm trước nhưng chất lượng, mẫu mã có phần đều hơn. Điều này tưởng như là nghịch lý bởi hiện nay, ngành xuất bản đang phải đối diện với một loạt khó khăn như giá giấy và các chí phí đầu vào đều tăng. Trả lời cho câu hỏi liên quan đến mức giá - chất lượng lịch 2010, các đơn vị kinh doanh lịch đều chung một lời giải thích, rằng họ muốn kích cầu mua sắm trong một năm mà nền kinh tế Việt Nam có nhiều biến động.

 

Ngoài lịch tiểu, trung và đại không có thay đổi nhiều về mẫu mã, vẫn giữ được sự ổn định về giá thành sản xuất và đối tượng khách hàng, các loại lịch tờ, lịch để bàn và lịch siêu đại đều có nhiều thay đổi, trăm hoa đua sắc. Các nhà sản xuất biết chăm chút cho sản phẩm nhiều hơn, bằng cách tìm công ty thiết kế mẫu riêng, hướng đến sự độc đáo bằng cách sử dụng hoa văn in chìm, hoặc chọn chất liệu truyền thống như lụa, tranh mành, giấy dó… Nhiều nơi tỏ rõ sự công phu, đầu tư chất xám nhiều hơn, quyết tìm chủ đề cho mỗi loại lịch của mình.

 

Thế là khách hàng được hưởng lợi, tha hồ mà chọn. Nào lịch chủ đề "Mùa An - Yêu - Vui" kết hợp thiên nhiên, con người, tình yêu như một lời cầu chúc. Nào lịch thư pháp như một "bài tập" nhỏ để tu tâm dưỡng tính - sự nối tiếp thành công từ một bộ sách thiền nổi tiếng. Rồi là lịch hình ảnh thiếu nữ dịu dàng và quyến rũ trong các bức tranh quý hiếm của họa sĩ Lê Phổ, thứ lịch ngay từ đầu mùa đã nhận được sự quan tâm của người yêu nghệ thuật.

 

Đáng chú ý là bộ lịch "Việt Nam với bè bạn năm châu", ngoài ý nghĩa thông tin ngày, tháng… còn được coi như "cuốn sách" đặc biệt về địa lý, lịch sử, văn hóa… của 186 quốc gia trên thế giới. Mỗi tờ đều in tên nước, quốc huy, quốc kỳ, tên thủ đô, dân số, ngày quốc khánh, ngôn ngữ, mã vùng điện thoại, múi giờ, đơn vị tiền tệ, xếp hạng trên thế giới theo chỉ số GDP và hình ảnh tượng trưng của quốc gia. Bộ lịch "Danh nhân Việt Nam và thế giới" cũng gây ấn tượng mạnh, không chỉ bởi hướng tiếp cận mà còn vì chất liệu nhập ngoại, công nghệ in hiện đại. Ở một sắc thái khác, lịch năm nay có cả "màu sắc địa phương", như Công ty cổ phần Sách và Dịch vụ văn hóa Tây Đô đã làm mới mình với một loạt ảnh cây cầu ở Cần Thơ.

 

Dễ nhận thấy là những hình mẫu lịch người đẹp, xe hơi, phong cảnh… từng được chuộng trước đây giờ đã giảm đáng kể. Biểu hiện "nâng tầm" trong thị hiếu người tiêu dùng chăng?

 

Bám chắc sự kiện 2010

Năm nay, thương hiệu lịch văn hóa Hà Nội của NXB Hà Nội sẽ phải cạnh tranh với hàng chục sản phẩm lịch "ăn theo" sự kiện Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngay trên địa bàn thành phố, bloc siêu đại "Hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long" của NXB Thống kê - Công ty Ngân Hà tỏ ra là một đối thủ cạnh tranh tiềm năng khi sản phẩm ra thị trường trước NXB Hà Nội cả tháng. Ngoài ra, một đơn vị làm lịch ở TP Hồ Chí Minh cũng giới thiệu lịch 2010 với thiết kế đa dạng, nhiều màu, nhiều cỡ, trước mỗi mặt lịch đều đề rõ: Ngàn năm Thăng Long 1010 - 2010.

 

Lịch của các đơn vị trên, ngoài những danh thắng nổi tiếng như chùa Một Cột, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm… đã thấy xuất hiện hình ảnh về một Hà Nội mở rộng: chùa Hương, chùa Thầy… hoặc lịch chuyên đề phố cổ Hà Nội, cổng làng Hà Nội. Ngoài ra là ca dao, tục ngữ, thành ngữ về hội hè, ẩm thực… Đây cũng chính là chủ đề được nhiều đồng bào Việt Nam ở nước ngoài yêu thích và lựa chọn.

 

Xu hướng tiết kiệm của người tiêu dùng

 

Số lượng lịch mà các NXB đăng ký với Cục Xuất bản lên tới 60 triệu bản, nhưng trong thực tế, số được tung ra thị trường chỉ vào khoảng 14-15 triệu bản. Cũng như mọi năm, lịch phổ thông - bloc tiểu, đại và trung vẫn chiếm số lượng lớn và dễ bán nhất. Năm nay, giá lịch không tăng, mẫu mã lại phong phú nhưng sức mua ở thời điểm này là khá hạn chế, có lẽ là do tâm lý, thói quen chỉ mua lịch khi năm mới đã tới gần, thậm chí là chờ giảm giá thành (từ 35% đến 60% vào cuối tháng 12 như hằng năm). Dạo qua các nhà sách lớn của Hà Nội như Nguyễn Văn Cừ, Tiền Phong hay ở các phố Tràng Tiền, Nguyễn Xí, Đinh Lễ... lịch đã ngập tràn sắc đỏ, người ra vào nhộn nhịp, song khách tham quan, tham khảo là chủ yếu. Theo nhận định của một đơn vị kinh doanh lịch trong Nam, chưa năm nào khối đơn vị, doanh nghiệp lại "tiết kiệm" mua sắm lịch để biếu, tặng như năm nay.

 

Lịch là mặt hàng có tính mùa vụ, thị trường chỉ thật sự nóng vào thời điểm "năm hết tết đến". Năm nay có thể sẽ không có nhiều đơn vị kinh doanh lịch thắng lớn, nhưng cũng khó xảy ra tình cảnh ế lịch, phải bán phá giá như vài năm trước đây. Có thể nhận thấy, thị trường lịch đã định hình và các doanh nghiệp làm lịch đã chuyên nghiệp hơn.

 

 

Theo HNM Online

 

Tệp đính kèm