Cập nhật: 13/12/2009 15:33:13 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tiếp theo Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ nhất năm 2004, triển lãm lần thứ hai do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội nhằm đánh giá sự phát triển của mỹ thuật ứng dụng, đồng thời giới thiệu những tìm tòi, sáng tạo mới; tôn vinh các tác giả mỹ thuật ứng dụng, các nghệ nhân và làng nghề Việt Nam.

Qua chặng đường năm năm phát triển, cùng với nhịp sống thời đại, các tác giả tham gia triển lãm đã phát huy tính sáng tạo, đưa những tác phẩm, sản phẩm trong đời sống thường nhật trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tinh tế và có tính ứng dụng cao. Triển lãm đánh dấu sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, ghi nhận những dấu ấn mới độc đáo, đầy tính sáng tạo. Ban tổ chức triển lãm đã nhận được 1.257 tác phẩm của 336 tác giả cả nước gửi tham dự, ở các lĩnh vực: thiết kế đồ họa, thời trang, tạo dáng công nghiệp, mây tre đan, sơn mài, gốm, chạm khắc bạc, đồng... 472 tác phẩm của 238 tác giả được Hội đồng nghệ thuật chọn trưng bày đại diện cho 20 tỉnh, thành phố trong cả nước, với các làng nghề tiêu biểu như gốm Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh), Thổ Hà (Bắc Giang), Hương Canh (Vĩnh Phúc)... Nhiều công ty, doanh nghiệp; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học nghệ thuật, Trường đại học nghệ thuật, cao đẳng trang trí... các tỉnh, thành phố nhiệt tình ủng hộ, tham gia. Theo đánh giá của Ban tổ chức, triển lãm lần này đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng đội ngũ những người làm mỹ thuật ứng dụng. Họ đã trở thành một lực lượng đông đảo với hàng nghìn người đang lao động, sáng tạo tại nhiều cơ quan, xí nghiệp, công ty, làng nghề, hợp tác xã..., tạo ra nhiều tác phẩm mới phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, với chất lượng kỹ thuật và nghệ thuật ngày càng cao, đáp ứng cuộc sống hiện đại. Ðến với triển lãm, người xem được thưởng thức sự phong phú, đa dạng của các sản phẩm, tác phẩm ở nhiều lĩnh vực đời sống qua sự thể hiện giàu cá tính, sáng tạo. Từ chất liệu thô mộc được cách điệu trở nên sinh động tươi mới của các sản phẩm gốm sứ; đến vẻ tinh xảo, mềm mại của các tác phẩm chạm khắc bạc, đồng; vẻ đẹp gợi cảm giàu truyền thống của chất liệu và họa tiết trên các trang phục áo dài bằng chất liệu lụa, đũi, thổ cẩm... Nét hiện đại, xu thế cập nhật nhịp điệu phát triển của đời sống xã hội ở đề tài và phong cách sáng tác trên những tác phẩm thiết kế, tranh in, lô-gô, áp-phích, cổ động giới thiệu, quảng bá các công ty, doanh nghiệp, sự kiện văn hóa xã hội phong phú như phòng, chống nạn cúm gia cầm, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, bảo vệ môi trường... Có hai hệ thống giải thưởng với 32 giải dành cho các nghệ sĩ và các nghệ nhân có tay nghề cao ở hai mảng mỹ thuật sản phẩm và đồ họa ứng dụng.

 

Trong số tác phẩm đoạt giải, nhiều tác phẩm đã khơi gợi ở người xem niềm yêu mến, trân trọng bàn tay, trí óc tài hoa của người lao động nghệ thuật như Hộp quạt xuân hương hoa đậu bạc (chạm bạc của Quách Văn Hiểu, Huy chương vàng); Bộ nhãn rượu Viorigin (thiết kế của Ngô Anh Cơ, Huy chương vàng); Lý Thái Tổ dời đô (chạm đồng của Ngô Viết Lâm, Huy chương đồng); Sách thơ Hồng nước (CTCP Ðầu tư phát triển Thống Nhất, Huy chương đồng)... Tuy nhiên, theo nhận xét của họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật triển lãm vẫn còn thiếu mảng mỹ thuật ứng dụng trong lĩnh vực nội - ngoại thất và sân khấu - điện ảnh.

 

 

Theo NhanDan Online

Tệp đính kèm