Cập nhật: 22/12/2009 22:01:46 Article Rating
Xem cỡ chữ

 “Văn hóa quân sự” là một cụm từ xuất hiện khá nhiều trong mấy năm trở lại đây. Hiểu đúng bản chất văn hóa quân sự cũng như vận dụng, phát huy vai trò của văn hóa quân sự trong việc bồi dưỡng, xây dựng và nâng cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình hiện nay.

Trong cuộc tọa đàm “Văn hóa quân sự Việt Nam” được tổ chức mới đây tại Thư viện Quân đội, các nhà nghiên cứu đã làm sáng tỏ hơn về vấn đề này.

 

Một biểu hiện độc đáo của văn hóa Việt Nam

 

Văn hóa quân sự Việt Nam đã được một số nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu trong hơn chục năm trở lại đây. Một trong số đó có nhà nghiên cứu Dương Xuân Đống. 15 năm qua, ông đã dày công sưu tầm tư liệu, tìm hiểu, nghiên cứu và viết hàng trăm bài báo có nội dung liên quan đến văn hóa quân sự. Vốn là giảng viên bộ môn Lịch sử quân sự của Học viện quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng), lại là người rất tâm huyết với đề tài này nên những nhận định của ông về văn hóa quân sự khá toàn diện với những dẫn chứng cụ thể, sắc sảo. Ông khẳng định: “Không phải nước nào cũng có văn hóa quân sự như ở Việt Nam. Do điều kiện lịch sử mà dân tộc ta phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm để giành lại độc lập dân tộc. Theo tôi, văn hóa quân sự Việt Nam thực chất là văn hóa giữ nước Việt Nam”.

 

Mặc dù chiến tranh và hoạt động quân sự luôn có sự biến đổi, nhưng muốn hiểu được văn hóa quân sự phải tìm ra được yếu tố “tĩnh nhất”, cốt lõi nhất trong sự vận động không ngừng đó trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta. Tại sao quân sự vốn khô khan và chiến tranh vốn đối lập với văn hóa, mà chúng ta vẫn gọi là “văn hóa quân sự”? Lý giải về vấn đề này, nhà nghiên cứu Dương Xuân Đống cho biết: Vì các cuộc chiến tranh của dân tộc ta đều là chính nghĩa, hoạt động quân sự của ta không ngoài mục đích tự vệ đất nước. Nếu coi những chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ... là những biểu tượng cao đẹp nhất thì điều đó cũng có thể hiểu là giá trị văn hóa cao cả nhất-văn hóa giải phóng con người khỏi ách áp bức, nô lệ. Vì vậy, văn hóa quân sự Việt Nam có tính nhân văn rất sâu sắc.

 

Trên cơ sở quan điểm đó, PGS.TS- Đại tá Văn Đức Thanh (Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự) phân tích thêm: Bản thân hoạt động quân sự phải toát lên những giá trị chân-thiện-mỹ mới là văn hóa quân sự đích thực. “Soi” vào lịch sử đấu tranh giữ nước của Việt Nam trong mấy ngàn năm qua, có thể khẳng định rõ ràng là nước ta có văn hóa quân sự-một biểu hiện độc đáo của văn hóa Việt Nam. Sau khi nghiên cứu, PGS.TS Văn Đức Thanh chỉ ra có “4 điểm tựa” làm nên văn hóa quân sự Việt Nam mà đồng chí đã “cô lại” ở 16 chữ là: “Quân sự-quốc phòng; nông binh bất phân; quân dân bất biệt; tác chiến bất cương”. Điều đó có nghĩa là: Dùng hoạt động quân sự chỉ với mục đích canh phòng, tự vệ đất nước chứ không đi xâm chiếm quốc gia khác; Vừa sản xuất vừa tham gia chiến đấu; Không có sự khác biệt giữa quân và dân (Quân có thể là dân và ngược lại); Không đánh giặc theo sách (những gì đã có) mà luôn thiên biến vạn hóa đầy sáng tạo. “Những điểm cốt tử này vừa tạo nền tảng, vừa là tiền đề, động lực thúc đẩy văn hóa quân sự Việt Nam ngày càng phát triển rực rỡ và là một bộ phận nổi bật khi nói tới nền văn hóa Việt Nam”- Đại tá Thanh nhấn mạnh.

 

Văn hóa quân sự và vai trò “dạy, dỗ, rèn, phản, phát”

 

Nhắc lại câu nói nổi tiếng của đại thi hào Gớt (Đức): “Mọi lý thuyết chỉ là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi”, GS.TS- Đại tá Lê Văn Quang, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị (Học viện Chính trị) đã lập luận rất xác đáng khi cho rằng: Văn hóa quân sự Việt Nam chỉ tỏa sáng khi được hiện thực hóa trong cuộc sống, môi trường và hoạt động quân sự ở nước ta hiện nay. GS.TS Lê Văn Quang nói: “Giá trị và tinh hoa văn hóa quân sự không chung chung, trừu tượng, khó hiểu, mà nó được biểu hiện cụ thể ở mỗi quân nhân, mỗi đơn vị và trong mọi hoạt động quân sự như: Huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỉ luật, xây dựng chính quy, tăng gia sản xuất, xây dựng cảnh quan môi trường, làm công tác dân vận... Mặt khác, muốn nâng cao những giá trị khoa học và thực tiễn của văn hóa quân sự thì phải tích cực chăm lo mọi mặt cho sự phát triển toàn diện của quân đội và mỗi quân nhân; đồng thời chủ động đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực làm xói mòn những giá trị đích thực của văn hóa quân sự Việt Nam”.

 

Cụ thể hơn, nhà nghiên cứu Dương Xuân Đống cho rằng, Bộ đội Cụ Hồ tập trung những giá trị tiêu biểu nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những giá trị như: Lòng trung thành, đức hi sinh, ý thức tổ chức kỉ luật, sự chịu đựng vượt khó, dũng cảm, thông minh, quý trọng nhân dân, tinh thần quốc tế vô sản... chính là những giá trị văn hóa đặc sắc nhất của Quân đội ta. Từ khi Quân đội ta ra đời đến nay, nói đến văn hóa quân sự phải lấy hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ làm tiêu điểm để quy chiếu mọi giá trị cao cả nhất của văn hóa quân sự trong thời đại Hồ Chí Minh.

 

Để văn hóa thấm sâu vào mỗi quân nhân và tạo điều kiện cho những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ tiếp tục nảy nở và tỏa sáng, theo PGS.TS Văn Đức Thanh, chúng ta cần khai thác và phát huy triệt để “công thức D2RP2” (hay còn gọi là vai trò “thẩm thấu” chủ yếu của văn hóa quân sự) là “Dạy, dỗ, rèn, phản, phát”. Nghe “công thức hóa” đó có vẻ khó hiểu, nhưng điều này có nghĩa là: Muốn cho một quân nhân có văn hóa, chúng ta phải kết hợp vừa dạy (giáo dục), vừa dỗ (thuyết phục, cảm hóa), vừa rèn (huấn luyện, rèn luyện), vừa phản (biết uốn nắn, chấn chỉnh những sai trái) và vừa phát huy được vai trò tự tu dưỡng của mỗi người.

 

 

Theo  Báo QĐND

Tệp đính kèm