Cập nhật: 25/01/2010 21:35:54 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2010, VN long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Văn Hóa đã có cuộc phỏng vấn bà Katherine Muller-Marin (ảnh), Trưởng đại diện UNESCO tại VN.

Thưa bà, lý do nào để UNESCO ra nghị quyết công nhận 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là sự kiện quốc tế?

- Bà Katherine Muller-Marin: Phiên họp Đại hội đồng lần thứ 35 của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã thông qua nghị quyết công nhận Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là một sự kiện quan trọng để thúc đẩy công tác bảo tồn văn hóa và nghệ thuật truyền thống, đồng thời nâng cao nhận thức của giới trẻ về tầm quan trọng của việc bảo vệ những sáng kiến Văn hóa Hòa bình, hòa hợp và đối thoại giữa các nền văn hóa. UNESCO hỗ trợ Đại lễ kỷ niệm này để bày tỏ sự tôn vinh giá trị văn hóa đa dạng của VN, và hơn thế nữa về vẻ đẹp của thành phố Hà Nội.

 

Đây là một quyết định có ý nghĩa vô cùng to lớn vì chỉ có hai thành phố khác trên thế giới cũng được phối hợp với UNESCO để  tổ chức Đại lễ nghìn năm, đó là thành phố Yaroslav ở Nga và thành phố Nara Heijo-kyo ở Nhật Bản.

 

VN đã tham gia rất tích cực vào các hoạt động của UNESCO kể từ khi gia nhập tổ chức vào năm 1951 và vừa được bầu vào Ban điều hành của UNESCO cho nhiệm kỳ 2009-2013. Các quốc gia thành viên đã sẵn sàng chào mừng nền văn hóa của một quốc gia với 5 khu Di sản thế giới cũng như rất nhiều giá trị văn hóa phi vật thể.

 

Việc Hà Nội được công nhận là “Thành phố vì Hòa bình” cũng đóng một vai trò quan trọng để UNESCO quyết định công nhận Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là một sự kiện quốc tế. Năm 1999, Hà Nội là một trong 5 thành phố trên thế giới được trao tặng danh hiệu của UNESCO “Thành phố vì Hòa bình”, công nhận những đóng góp của thành phố cho hòa bình và những nỗ lực để củng cố sự gắn kết trong xã hội, nâng cao điều kiện sống ở những khu vực thiếu thốn, và xây dựng một môi trường đô thị hòa bình.

 

Hà Nội là thành phố Hòa Bình bởi vì nó đã trở thành biểu tượng của một đất nước đã trải qua nhiều năm chiến tranh nhưng vẫn kiên cường xây dựng một nền hòa bình vĩnh cửu và xây dựng những mối quan hệ hòa hảo với các nước trước đây đã từng tham chiến với mình. Được tham gia vào Đại lễ kỷ niệm này cũng là một cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh thành phố này tới toàn thể thế giới.

 

Nhân dịp Tết cổ truyền Canh Dần 2010, tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến độc giả Báo Văn Hóa.  Năm 2010 có ý nghĩa rất đặc biệt đối với tôi và gia đình vì đây là lần đầu tiên gia đình tôi được thưởng thức không khí Tết ở VN. Cũng như các bạn, chúng tôi rất mong chờ các sự kiện văn hóa kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cũng như những thành công trong lĩnh vực văn hóa của VN năm nay.

 

Sự kiện 1000 năm Thăng Long- Hà Nội  mang nhiều ý nghĩa đối với VN. Trong khả năng của mình, văn phòng UNESCO sẽ góp sức như thế nào để góp phần cho sự kiện này đi đến thành công?

 

- Văn phòng UNESCO Hà Nội và Ủy ban Quốc gia UNESCO VN sẽ cùng nỗ lực tích cực tham gia vào sự kiện trọng đại này và thực thi nghị quyết của UNESCO. Chúng tôi sẽ chú trọng vào các hoạt động thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng.

 

Chúng tôi sẽ thực hiện các hoạt động trong một số lĩnh vực cụ thể như sau: 

 

Thứ nhất, trong khuôn khổ quan hệ hợp tác với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, hiện nay UNESCO Hà Nội đang thực hiện việc bảo tồn khu Thành cổ Thăng Long thông qua dự án “Bảo tồn Khu Di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội” với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản. Dự án hỗ trợ các biện pháp bảo tồn các khu vực đã phát lộ dựa trên các nghiên cứu khảo cổ, kiến trúc và kinh tế - xã hội. Sau ba năm thực hiện, dự án sẽ hoàn thành một hệ thống quản lý nhằm bảo đảm việc bảo tồn lâu dài và đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng.

 

Thứ hai, chúng tôi đang theo sát quá trình ba hồ sơ đề cử mà VN đã gửi cho UNESCO. Ba hồ sơ đề cử đó là: Hoàng thành Thăng Long, Bia Văn Miếu và Lễ hội Gióng. Chúng tôi hy vọng có thể sớm cập nhật cho các đối tác VN những thông tin về những hồ sơ đề cử này.

 

Các nỗ lực khác mà chúng tôi sẽ thực hiện bao gồm việc tăng cường hoạt động với các trường phổ thông và đại học, tham gia các diễn đàn, hội nghị. Chúng tôi cũng sẽ làm việc với thành phố Hà Nội để xác định các di sản văn hóa giàu truyền thống và bản sắc và đưa ra những biện pháp bảo tồn hiệu quả những giá trị văn hóa này cho các thế hệ tương lai.

 

Với ý nghĩa là một sự kiện mang tầm quốc tế, theo bà ở góc độ chuyên môn và kinh nghiệm của mình, VN cần phải làm gì để tổ chức thành công sự kiện này?

 

-  Tôi nghĩ việc đầu tiên là làm cho người dân cảm thấy họ là một phần rất quan trọng của Đại lễ này, cảm thấy tự hào được sống ở thành phố Hà Nội và được cùng chung sức để làm cho thành phố ngày càng đẹp hơn.

Thứ hai, Hà Nội có thể đẩy mạnh công tác bảo tồn di sản văn hóa bằng cách khuyến khích việc làm cho thành phố sạch đẹp và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường đối với việc bảo tồn các địa điểm và di tích văn hóa.

 

Đại lễ sẽ là một dịp tốt để nâng cao lòng tự hào của tất cả mọi người thông qua việc giới thiệu với thế giới một Hà Nội không chỉ đẹp về các giá trị văn hóa lịch sử, mà còn là một thành phố có môi trường sống trong sạch và lành mạnh.

 

Việc làm sạch các hồ ở Hà Nội sẽ có ý nghĩa hết sức đặc biệt vì đây là những  hòn ngọc xanh của thành phố.  Việc tuyên truyền văn hóa giao thông đô thị cũng sẽ góp phần tạo ra một môi trường sống lý tưởng cho người dân Hà Nội.

 

Lĩnh vực thứ ba VN nên quan tâm là bảo tàng. Chúng ta cần khuyến khích người dân tham quan các bảo tàng. Hà Nội có rất nhiều bảo tàng tuyệt vời và đây là một nguồn tài nguyên giáo dục vô cùng quý giá. Đồng thời, các bảo tàng cũng cần tìm cách gắn kết các trưng bày của mình với những vấn đề đương đại như thay đổi khí hậu, di cư, đô thị hóa và bình đẳng giới.

 

Thứ tư, việc bảo tồn di sản cũng cần phải được lưu ý. Trong những năm qua, kinh tế VN tăng trưởng rất nhanh, và việc đô thị hóa, phát triển công nghiệp và du lịch cũng tạo ra nhiều sức ép đối với các di sản văn hóa. Năm 2009, Luật Di sản văn hóa đã được sửa đổi để phù hợp với những thay đổi kinh tế, xã hội gần đây của VN và phù hợp với những Công ước quốc tế mới được thông qua. Để thực hiện tốt công tác bảo tồn di sản, những người quản lý cần cập nhật và thực hiện những biện pháp mới trong Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Ngoài ra, công tác bảo tồn di sản không chỉ là việc trùng tu, tôn tạo, mà còn liên quan tới các kế hoạch phát triển của địa phương và cuộc sống của người dân. Vì vậy, mỗi di sản cần có một phương án quản lý tổng thể, trong đó gắn kết việc bảo tồn di sản đối với tác động của mội trường, kế hoạch phát triển hạ tầng cơ sở, phát triển nông thôn, công nghiệp sáng tạo và nghề thủ công, phát triển du lịch, cũng như quyền sử dụng đất và tập quán sử dụng tài nguyên thiên nhiên của người dân địa phương.

 

Cuối cùng, VN cần tiếp tục những nỗ lực trong việc phát huy giá trị của các giá trị văn hóa phi vật thể, bao gồm cả những truyền thống và các hình thức biểu đạt được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là các hình thức truyền khẩu, các nghệ thuật biểu diễn, các phong tục tập quán, các lễ hội, các tri thức và kỹ năng truyền thống. Đây là di sản văn hóa phi vật thể, và VN đã có 4 di sản được thế giới công nhận: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh và Ca trù.  Những di sản văn hóa phi vật thể rất dễ bị mai một. Vì vậy, VN cần có những biện pháp thúc đẩy việc truyền dạy di sản cho các thế hệ trẻ. Những biện pháp này phải lấy cộng đồng làm trung tâm, vì đây là chủ nhân của các di sản này.

 

 

 

Theo Báo Vănhoa Online

Tệp đính kèm