Và cũng với sức mạnh ấy, hình như Tết cũng ngầm bắt mỗi con người phải tự làm đẹp cho mình, làm vui lòng người khác, đem hy vọng đến cùng xung quanh, nghĩa là cũng phải góp cái đẹp riêng của mình vào cái đẹp chung
Cái đẹp ấy không chỉ là cỗ bàn, cái ăn hớp uống, mà nó tỏa ra như sức nóng của ngọn lửa, chỉ nhìn thấy ngọn lửa chứ không thể nhìn thấy sức nóng, vậy mà vẫn cảm nhận được sức nóng lan vào từng tế bào, trên da thịt và sâu thẳm trong lòng. Ngày nay, ta gọi cái đẹp ấy là văn hóa.
Xưa nay hình như chưa bao giờ có ai đứng trước bàn thờ lại chỉ chắp tay suông mà không châm lên nén nhang tỏa khói thơm ngan ngát.
Tết là dịp con cháu nhớ đến tiền nhân, tiên tổ, ông bà đã có công mở ấp lập làng, đã có công truyền lại dòng giống thịt xương... Thì tuần trước ta đi tảo mộ, đắp lại vạt cỏ xanh, san chỗ đất lún rồi thắp tuần nhang... và hôm nay trong ấm cúng gia đình, nén nhang bảng lảng hồn xưa, con cháu tỏ lòng thành kính, biết ơn... là cái đẹp nghìn đời, là nét văn hóa được đắp bồi phồn thịnh.
Đã có một thời người ta quá trớn phá bỏ đình chùa, bàn thờ... nay tỉnh lại mới thấy đó là dại dột và ta đang phải trả giá cho những giá trị tinh thần (nghĩa là văn hóa) phải xây dựng lại, phải bồi trúc như đắp lại cái móng cái nền cho ngôi nhà nếu không muốn nó bị xiêu vẹo và có nguy cơ sụp đổ.
Tết là sum họp, bởi không có cuộc chia ly, người đi kẻ ở, kẻ khuất người mong mà vui vẻ được, chỉ có sum vầy đầm ấm mới thân thương ngọt lành tình cảm, mà tết chính là cần ngọt lành như thế, cho nên mẹ ta đã mỏi mắt chờ con từ đầu tháng chạp, nhắc đứa con xa từng ngày từng buổi, dõi theo bóng nắng bên thềm, nghe từng hồi còi tầu phía xa xa, đợi con chim khách về trên cành bưởi cành na... Nếu năm ấy ta là người khách lang thang như thơ Thế Lữ:
Rũ áo phong sương trên gác trọ
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang...
thì không hiểu kẻ xa nhà, vô thân tứ cố ấy buồn hơn hay mẹ già quê cũ mong mỏi thảm hơn?
Tết, có thể nào thiếu hoa tươi. Xưa nay hoa cũng như người con gái, mang cái đẹp đến cho đời. Trái đất không tồn tại nếu không có những người giới nữ đem niềm vui, hạnh phúc, hy vọng, phấn khích, say mê, hồi hộp, thì tết cũng không thành tết nếu thiếu một nhành hoa.
Nông thôn Việt Nam vốn nghèo nên tiết kiệm, hoa tươi không phải cho tất cả mọi người. Tết đến, cành hoa bằng giấy, có lấp lánh trang kim, cành hoa bằng lông gà nhuộm xanh nhuộm đỏ, cắm trên bàn thờ hết mùa xuân mới bạc đi vì bụi bặm, đã thành quen thuộc ở nhiều nơi.
Nhà khá giả, nhiều người quen, mới đi xin được một nhánh hải đường lóe sáng ngọn nến hồng trong kẽ lá, hoặc cành vạn thọ viền nhung hay dăm gốc huệ đơn sơ cắm trên bàn thờ mấy ngày năm sớm. Có lẽ chỉ thành phố mới có điều kiện chơi hoa tươi như một cái thú kỳ tình.
Miền Nam có loài mai vàng là thứ cây dại nguyên gốc rừng Trường Sơn, cánh mỏng lung linh như bướm vờn, hoa nhụy thơm như có như không đầy trêu cợt, ít có gia đình nào ở các thành thị phương Nam không có một mai vàng đón Tết.
Còn phía Bắc lại đông đúc sắc hoa đào, từ thứ đào ta trên biên giới chờ làm quả tháng 5, bây giờ hoa lấn cả màu sương, cho đến “dinh đào” Nhật Tân, Phú Thượng, hàng triệu gốc đào bích, đào phai mà Sài Gòn, Hồng Kông một thời phải đưa máy bay ra đón.
Không gia đình Hà Nội nào lại thiếu hoa đào chơi Tết. Đào bích mập mạp, hoa kép nhiều cánh thắm, đào phai lơ đãng hồng hồng, giấu cái nồng nàn vào bên trong, ẩn cái thắm thiết nơi sâu thẳm...
Đôi khi quý hiếm có một vài đào bạch lạc vào chợ hoa hàng Lược trần gian. Lại còn hoa Lý trắng ngần mà nhiều người gọi nhầm là cành mai. Thực ra, không có mai đang hoa đem bán bao giờ, vì nó quý, nó thanh, nó hiếm.
Lời nói đẹp làm đẹp lòng người nghe, làm vui lòng người nói. Bà mẹ chồng dịu ngọt thì cô con dâu chẳng thể lăng loàn. Ta nói lời chúc mừng với khách xông nhà thì chỉ có lời tốt tươi đáp lại.
Xưa có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Lời ngày tết còn cao gấp bội lời chào ngày thường, nó thiêng liêng, ấm áp, nó cởi mở chân tình, từ lời con cháu chúc tụng ông bà cha mẹ kính cẩn một niềm, đến lời ông bà cha mẹ chúc con cháu sang năm mới học hành tấn tới, thành đạt công danh... cho chí một kẻ không may bị lỡ độ đường không kịp về nhà, đến trước cửa nhà ta mong một niềm an ủi...
Từ một câu nói đến một thế ngồi, dáng đứng, một cách nâng chén đến bàn tay cầm đũa... hình như mùa xuân có phép lạ vô hình, uốn nắn cho mỗi con người phải mang chất văn hóa ẩn tàng trong đó, tránh xa cái xô bồ, bỗ bã, bỏ đi cái tục tằn cợt nhả nơi sân ga quán chợ ngày thường.
Không ai có thể cài cái cúc trên vào khuyết dưới để đi chúc tết. Không ai để nguyên đôi bàn tay dính đầy đất cát, dầu mỡ ngồi vào mâm cỗ tết và say nhè bí tỉ ngã lăn xuống nền nhà.
Dù là cái nắng chang chang Nam Bộ hay cái rét ngọt sông Hồng, mùa đông đã qua, xuân sớm đang về đều chung một cội nguồn văn hiến bốn nghìn năm, vẫn lâng lâng nâng ta lên trong cái đẹp, nay gọi là văn hóa.
Theo Nhà văn Băng Sơn(Báo Văn hóa)