Cập nhật: 02/02/2010 22:23:10 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thực tế của những chuyển dịch phức tạp trong văn hóa dân tộc, và sự xuất hiện của một số hiện tượng như là kết quả của quan hệ giao lưu văn hóa với thế giới đang đặt ra trước văn hóa Việt Nam nhiều vấn đề cần giải quyết. Một trong các vấn đề ấy là việc nhận thức và xử lý một cách khoa học quan hệ giữa truyền thống văn hóa và tính hiện đại của văn hóa, bởi giải quyết đúng đắn mối quan hệ này là một tiền đề quan trọng làm nên tính liên tục của văn hóa.

Về lý luận và thực tiễn, truyền thống văn hóa là hệ thống giá trị văn hóa đã hình thành và luôn được bổ sung để trở thành phẩm chất văn hóa một dân tộc, và tự thân đã là một khái niệm có tính biện chứng, chuyển tải trong đó nội hàm là hành vi sáng tạo văn hóa của cộng đồng. Truyền thống văn hóa là bộ mặt vật chất, tinh thần của một xã hội trong những thời kỳ lịch sử nhất định. Căn cứ vào truyền thống văn hóa, có thể nhận biết các giá trị, phẩm chất các giá trị của một dân tộc. Nhưng, phải thừa nhận rằng, truyền thống văn hóa thường có xu hướng bảo thủ, níu kéo văn hóa trở về với quá khứ, làm cho văn hóa khó thích nghi khi thời đại lịch sử đã có sự thay đổi. Phần nào đó có thể nói, xu hướng bảo thủ của truyền thống văn hóa có mặt tích cực nhất định khi tạo ra khả năng tự vệ có hiệu quả trước mọi cuộc xâm lăng văn hóa; và phần tiêu cực biểu hiện ở chỗ dễ làm cộng đồng dị ứng với các tác động văn hóa từ bên ngoài, dù là tác động tích cực. Chúng ta coi văn hóa là một dòng chảy liên tục, vì nguồn gốc sâu xa của động thái này là việc cộng đồng phải đáp ứng tình trạng không ngừng gia tăng về chất lượng và số lượng của nhu cầu văn hóa. Ðặc tính phát triển không ngừng của nhu cầu văn hóa quy định bản chất của tính hiện đại, nghĩa là trên cơ sở truyền thống văn hóa, phải thường xuyên bổ sung các yếu tố mới, để truyền thống văn hóa phù hợp với sự phát triển của thời đại. Do đó, tính hiện đại của văn hóa có hai nguồn gốc: từ hoạt động sáng tạo của chủ thể văn hóa dân tộc và từ việc tiếp thu qua các giao lưu văn hóa ngoài dân tộc. Tính hiện đại không chỉ giúp truyền thống văn hóa thích nghi với phát triển mà còn giúp văn hóa dân tộc có khả năng thỏa mãn tốt nhất những nhu cầu văn hóa mới nảy sinh trong sinh hoạt xã hội.

 

Tuy nhiên, giá trị văn hóa hiện đại chỉ thích hợp với truyền thống văn hóa khi đáp ứng được nhu cầu văn hóa chân chính, được thừa nhận của số đông, trở thành thói quen trong tư duy và trong hành vi sáng tạo của mọi chủ thể văn hóa. Mặt khác, không phải bất cứ giá trị văn hóa nào nảy sinh trong thời đại cũng có thể tiếp thu, đây là tiếp thu có chọn lọc để giá trị tích cực có thể cộng sinh cùng truyền thống văn hóa. Cho nên, truyền thống văn hóa chỉ có thể phát triển khi nó không ngừng được bổ sung các giá trị tiên tiến của thời đại, cũng tức là truyền thống văn hóa và tính hiện đại không tách rời nhau. Chúng thống nhất hữu cơ trong một chỉnh thể, ở đó, truyền thống văn hóa là nền tảng, tính hiện đại là sự bổ sung cho nền tảng ấy ngày càng bền vững, và sự thống nhất phải đạt đến mức tính hiện đại gia nhập, trở thành yếu tố của truyền thống văn hóa. Chính vì thế, phát triển văn hóa trong thời đại mới, chúng ta cần phải dựa trên nền tảng của truyền thống văn hóa, và truyền thống ấy luôn phải được củng cố, bổ sung phù hợp với yêu cầu của sự phát triển.

 

 

Theo NhanDan Online

Tệp đính kèm