Xếp hàng thứ ba trong mười hai chi, cọp (Dần) là một hình tượng đa nghĩa, phức tạp trong tâm linh người Việt: vừa là ác thú, vừa là thần hộ mệnh.
Từ thờ thần Hổ
Cọp - ác thú được người kinh sợ đến độ lập đền thờ, hy sinh nhân mạng để tế lễ mỗi cuối năm, như tục thờ thần Hổ ở làng Ngọc Cục (huyện Đường An, tỉnh Hải Dương) mà Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) đã kể lại kỹ càng trong Vũ Trung tùy bút. Đến năm 1800, tục này mới chấm dứt. Mặt khác, cọp lại là phúc thần được vẽ tranh thờ để trừ tà yểm quái. Tranh Hổ còn được bày ở nhiều đền chùa, nhất là đền thờ Thánh Mẫu, như tranh Bạch Hổ Thần tượng đặt ở đền Quan Thánh, Hà Nội. Ngày nay, tại miền Bắc Việt Nam, nhiều nhà còn sùng tín tranh Hổ.
Ở nước ta, tùy địa phương, tùy sinh hoạt, quan hệ giữa người và cọp không đồng nhất. Tuy rằng ở đâu cũng sợ cọp, kiêng dè gọi bằng ông cọp, ông ba mươi, ông thầy, ông kễnh, ông cả..., nhưng dường như người dân đồng bằng sông Cửu Long ít kinh sợ cọp hơn có lẽ vì lịch sử mở cõi.
Cọp cùng với beo, sư tử, mèo... đều thuộc họ mèo (felin); giống cọp châu Á sống từ Ấn Độ sang Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc. Cọp sống lẩn khuất trong rừng rậm, có thể bơi qua sông, sống bằng săn mồi: hươu nai, chồn cáo và nhất là heo rừng. Cọp săn mồi về đêm. Như vậy cọp còn giúp con người trong việc loại bớt những thú rừng phá hoại mùa màng hay chăn nuôi. Khi cạn kiệt nguồn thịt rừng hay khi về già, không còn đủ nhanh nhẹn để vồ mồi, cọp mới lân la về các làng mạc. Con người không phải là nguồn lương thực ưu tiên của cọp: nhiều câu chuyện đã kể về việc gặp cọp giữa đường và được... làm lơ.
Đến cọp trong Lục Vân Tiên
Trong truyện Lục Vân Tiên, cọp xuất hiện ba lần: một lần cởi trói cho tiểu đồng và đưa ra đường cái; một lần đưa Vân Tiên ra khỏi hang Thương Tòng, nơi Vân Tiên bị gia đình Thể Loan hãm hại; lần cuối, cọp bắt hai mẹ con Thể Loan bỏ lại trong hang Thương Tòng để “trả báo”, nhưng không... ăn thịt. Về cơ bản, cọp vẫn là ác thú ăn thịt người. Vì vậy, trong truyện, Trịnh Hâm mới bắt tiểu đồng trói vào gốc cây: Trước cho hùm cọp ăn mày/Hại Tiên phải dụng mưu này mới xong/Vân Tiên ngồi những đợi trông/Trịnh Hâm về nói tiểu đồng cọp ăn. (câu 875 - 878).
Trong truyện, Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) đã trình bày cọp dưới hai diện mạo: khuôn mặt tự nhiên là ác thú, nhưng lại không xuất hiện; khuôn mặt xuất hiện, cứu tinh, lại là một nhân vật hư cấu có suy tính khi hành động: Sơn quân ghé lại một bên/Cắn dây mở trói cõng lên ra đàng.
Nhưng đây chỉ là một mặt trong tâm linh người Việt, khi đã chế ngự được thiên nhiên và ác thú. Những truyện dân gian kể trên có lẽ đã thành hình khá muộn, đồng thời với Lục Vân Tiên, khi người đã bớt sợ cọp và ý thức vai trò của cọp trong việc bảo vệ mùa màng và gia súc.
Những câu chuyện vượt thời gian
Đọc Sơn Nam (1926 - 2008), chúng ta thấy người dân Nam Bộ không những không sợ, mà có khi còn tỏ ra thân thiện. Ông trích dẫn trong Gia Định thành Nhất Thống Chí của Trịnh Hoài Đức: “Hồi thế kỷ XVIII, trẻ con, đàn bà cầm liềm cắt cỏ, cầm đòn xóc, cũng chống cự và đuổi được cọp. Thái độ của người dân đối với cọp cũng lạ: vừa kính nể, coi như vị thần nhưng cũng coi thường, nếu cần thì rủ nhau đi săn bắt, giết không nương tay”.
Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung tùy bút qua tục giết người tế thần Hổ, còn nhắc đến thần Xương Cuồng có ghi vào sử sách như Mộc Tinh trong Lĩnh Nam Chích Quái. Tục tế thần Hổ này có từ thời xa xưa trước Tây lịch (trước Công nguyên), khi quân nhà Tần của Nhâm Ngao và Triệu Đà mới lấn chiếm và đô hộ đất Văn Lang. Nhưng đây là một đề tài gai góc, đòi hỏi nghiên cứu chính xác. Chúng tôi sẽ đề cập trong một dịp khác.
Cho dù phong tục hy sinh nhân mạng để tế thần Hổ có là một ví dụ đơn lẻ, thì nỗi sợ cọp, kinh hãi hùm thiêng vẫn là một tâm trạng có thật, kèm theo tư tưởng mê tín, mà ngày xưa Tchya (Đái Đức Tuấn, 1908 - 1969) đã phản ánh trong tiểu thuyết Thần Hổ, 1937 và Ai hát giữa rừng khuya, 1942 mà Vũ Ngọc Phan (1902 - 1987) đã giới thiệu cặn kẽ. Ngoài ra, trong truyện Đường Rừng, 1940, Lan Khai (1906 - 1945) kể chuyện Người hóa hổ, người và súc vật có thể hóa kiếp cho nhau. Trong tuồng hát bội Hổ Thành Nhân, thế kỷ XIX cũng có chuyện hổ sinh ra người, nên nhân vật có tên như vậy.
Từ thời tiền thế chiến đến nay, bao nhiêu nước chảy qua cầu. Xã hội đổi thay, môi trường đổi thay. Cảnh núi rừng ma thiêng nước độc giảm đi nhiều. Cọp không còn là ác thú hăm dọa loài người và thần Hổ không còn là ám ảnh. Nhưng trong tâm lý, con người vẫn giữ một hình ảnh kỳ bí nào đó về chúa sơn lâm, về bộ lông tráng lệ, oai phong lẫm liệt, và hành tung bí ẩn. Vẫn còn một không khí hoang đường nào đó qua Trái tim hổ trong nhóm mười truyện Như những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp, đăng trên Báo Văn Nghệ năm 1987, xuất bản thành sách vào 1988 và được tái bản nhiều lần.
Hua Tát là một bản Mường nhỏ, miệt Lai Châu, có con hổ kỳ dị “người ta đồn có trái tim khác thường, chỉ nhỏ bằng hòn sỏi và trong suốt, là bùa hộ mệnh cùng là vị thuốc thần”. Dân bản nhiều người săn hổ, mong lấy trái tim làm thuốc chữa cho một cô gái trẻ đẹp, bị liệt đôi chân. Trong những người đi săn hổ, có chàng trai tên Khó, nghèo, xấu xí, dị dạng, cô độc: “Việc săn hổ kéo dài gần hết mùa đông. Nhưng như có phép lạ, con hổ tinh khôn biết tránh những nơi người ta phục nó. Những người đi săn bị nó săn lại. Hơn mười người chết vì con hổ dữ. Tiếng khóc than, lẫn với tiếng gió hú dài âm âm trong bản. Người ta nản chí dần, số người đi săn rụng nhanh như bứa chín cây, cuối cùng chỉ còn một người. Người ấy là Khó. Khó là trai bản Hua Tát. Chàng mồ côi cha mẹ, sống như con don, con dim. Con don, con dim sống thui thủi, đi con đường riêng, ăn uống thế nào không ai biết được. Người bản Hua Tát không biết Khó đi con đường nào tìm vết hổ. Đường của con don, con dim, hổ cũng không biết. Con hổ thấy sự nguy hiểm. Nó thay đổi chỗ ở, thay đổi đường đi. Khó và con hổ săn nhau từng giờ...”. Cuối cùng người và hổ cùng chết, trái tim hổ bị kẻ gian đánh cắp.
Đây là sáng tác mới, nhưng theo dạng truyện cổ, bắt đầu bằng: “Ngày ấy, ở Hua Tát có một cô gái...”. Đã đành là chuyện hư cấu, nhưng mang hơi hướng truyền thuyết dân gian. Và nghệ thuật kể chuyện, viết truyện của Nguyễn Huy Thiệp đã đạt tới đỉnh cao.
Nhân ngày Tết Canh Dần, chúng tôi nhắc đến một ít kỷ niệm văn học liên hệ đến cọp. Vấn đề sau là trong tâm lý người dân miền Bắc và miền Nam, cách tiếp cận với con cọp, hay thần Hổ, có phần khác nhau. Phía Bắc, từ đồng bằng lên mạn ngược, có nơi sùng bái hùm thiêng, thờ phụng đến mê tín. Người dân miền Nam cũng sợ cọp, nhưng chỉ là nỗi sợ hãi cụ thể, vật chất mà không sùng tín. Tương truyền ngày trước, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã tổ chức những trận đấu voi - cọp. Voi được xem như thú vật tuân phục và hữu ích, trái với cọp hung tợn và phá hoại. Do đó, trận đấu thiên vị và bất công, vì cọp bị nhổ nanh, tước vuốt, khớp mõm, và voi bao giờ cũng thắng. Khoảng năm 1750, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát cùng triều đình đi trên 12 thuyền lớn, xem trận ác chiến trên bãi đất Cồn, 40 con voi tận sát 18 con cọp. Tập tục này tiếp diễn đến các đời sau, Minh Mạng xây đấu trường Hổ Quyền năm 1830 dưới chân đồi Long Thọ. Mãi đến năm 1904 đời Thành Thái, tục lệ này mới chấm dứt.
Vua chúa không tạo nên được tâm lý quần chúng, nhưng gây ảnh hưởng và điều kiện hóa đời sống tinh thần người dân. Ngày nay, nghe đâu ở Việt Nam chỉ còn hơn nghìn con cọp. Cọp là loài thú đang và đáng được bảo vệ.
Cọp là tài sản thiên nhiên, uy dũng, hùng tráng.
Diễm lệ và kỳ ảo, cọp là vẻ đẹp của một trần thế đang phôi pha...
Theo Thanhnien Online