Cập nhật: 18/03/2010 14:41:50 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một di sản văn hóa vô cùng đặc sắc của Việt Nam vừa được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới: "Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779)" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Vậy là, tiếp sau Mộc bản triều Nguyễn (được công nhận năm 2009), Việt Nam đã có hai di sản được ghi danh vào chương trình Ký ức thế giới- tôn vinh những di sản có giá trị về mặt tư liệu. Nhân dịp này, Nhân Dân cuối tuần đã phỏng vấn PGS,TS Ðặng Văn Bài về những giá trị đặc sắc của 82 tấm bia đá tại Văn Miếu, Hà Nội, cũng như những việc cần làm để giới thiệu, quảng bá các Di sản tư liệu thế giới của Việt Nam rộng rãi trong xã hội.

 

PV: Thưa ông, là thành viên hội đồng soạn thảo hồ sơ "Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779)" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, ông có thể giới thiệu những giá trị đặc sắc của di sản này?

 

PGS,TS Ðặng Văn Bài: 82 tấm bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội được dựng trong thời gian khoảng từ năm 1484 đến 1780, ghi lại lịch sử các khoa thi tiến sĩ được tổ chức từ năm 1442 đến 1779. Dựa trên nội dung được lưu lại trên bia đá, hậu thế đã biết được trong hơn 300 năm ấy, đã có 82 khoa thi được tổ chức, và có 1.307 lượt người đỗ tiến sĩ. Trên mỗi tấm bia khắc một bài ký bằng chữ Hán, phản ánh tư tưởng, triết lý về giáo dục, đào tạo, lựa chọn nhân tài của người xưa. Mỗi tấm bia đồng thời là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có giá trị về mặt thư pháp, điêu khắc, là nguồn tư liệu phong phú để so sánh, đối chiếu về mặt niên đại. Ðiểm độc đáo nữa là bia Văn Miếu được đặt trong một không gian văn hóa rất tiêu biểu của Hà Nội, trong phức hợp kiến trúc của quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thuộc khu vực trung tâm nên khả năng tiếp cận với di sản rất rộng mở. Ðây là điểm đến đầu tiên của phần lớn du khách trong và ngoài nước khi ghé thăm Hà Nội. Xét trong mặt bằng quy hoạch tổng thể của Thủ đô, Văn Miếu - Quốc Tử Giám chiếm một vị trí quan trọng.

 

PV: Ðó chính là lý do để UNESCO bỏ phiếu cho bia đá Văn Miếu, trong khi, ở một số nước trong khu vực cũng đang còn lưu giữ được bia tiến sĩ?

 

PGS,TS Ðặng Văn Bài: Nếu tính ở trong nước, thì cũng có một số địa phương còn lưu giữ bia tiến sĩ, như Văn Miếu Mao Ðiền ở Hải Dương, Văn Miếu Xích Ðằng ở Hưng Yên... nhưng không ở đâu tập trung được đến 82 tấm bia, ghi danh những người đỗ đạt của cả đất nước như ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Còn nhìn ra bên ngoài, cũng có một số nước trong khu vực có truyền thống dựng bia tiến sĩ, như ở Trung Quốc, Nhật Bản... nhưng bia của họ chỉ để ghi danh thôi. Tiêu chí lựa chọn của chương trình Ký ức thế giới chú ý vào một số điểm: tính xác thực, độc đáo và duy nhất và một số yếu tố khác như thời gian, địa điểm, ngữ cảnh văn hóa... Xét trên tổng thể, 82 tấm bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội hội đủ những yếu tố làm nên sự đặc sắc, độc đáo nhất.

 

PV: Ðã có hai di sản được công nhận, nhưng dường như chúng ta  chưa quan tâm đúng mức những chương trình để giới thiệu, quảng bá giá trị của các Di sản tư liệu thế giới này đến cộng đồng?

 

PGS,TS Ðặng Văn Bài: Việc bảo vệ, kéo dài tuổi thọ của các di sản để đồng hành trong cuộc sống và trao truyền cho thế hệ mai sau cần được ưu tiên, quan tâm hàng đầu. Song cũng cần xây dựng những chương trình, kế hoạch để giới thiệu các giá trị đặc sắc này đến đông đảo người dân. Về góc độ quảng bá, tiếp cận, bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám có lợi thế là đã được dập và dịch hết rồi. Tới đây, có thể tiến hành số hóa, in thành tuyển tập, thành sách để phát hành rộng rãi. Các dòng họ có người được ghi danh trong bia cũng có thể dập một bản để tôn vinh phát huy truyền thống hiếu học trong cộng đồng, địa phương. Mộc bản triều Nguyễn, bằng gỗ - dễ bị hư hại, tác động nên việc bảo quản phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng cũng cần được in, dịch thuật, phân loại, số hóa để phục vụ công tác tra cứu, tiến tới đưa được lên một trang web riêng thì quá tốt, để mọi người dân đều có thể tiếp cận được. Tiền của, công sức để phục vụ hoạt động này không nhỏ, nhưng đấy là tài sản quý giá do cha ông để lại, đã được cả thế giới vinh danh thì phải chung tay gìn giữ, phải quảng bá rộng rãi để mỗi người dân đều nhận biết và ý thức được, làm giàu thêm truyền thống và niềm tự hào dân tộc.

 

PV: Liên tiếp các di sản được công nhận, niềm vui dồn dập nhưng cũng có ý kiến cho rằng, dường như có quá nhiều danh hiệu?

 

PGS,TS Ðặng Văn Bài: Vấn đề này, theo tôi, cần được nhìn nhận một cách khách quan. Tại sao một số nước đã có đến hàng chục di sản được công nhận rồi, mà họ vẫn ra sức đề nghị công nhận thêm? Như hiện nay, UNESCO đã phải lên tiếng cảnh báo, và có ý hạn chế những nước đã có nhiều danh hiệu, để dành ưu tiên cho các nước, khu vực chưa được công nhận nhiều. Việt Nam vẫn đang trong diện được khuyến khích, và thật ra, hiện chúng ta mới chỉ có được bốn di sản phi vật thể, ba di sản vật thể và hai di sản tư liệu, vậy thì tại sao chúng ta đã phải rụt rè? Cần nhìn nhận, danh hiệu cũng là sự khẳng định danh dự quốc gia nữa, chứ không phải chỉ thuần túy là việc chạy đua danh hiệu. Cần phải tự hào thấy rằng, khi di sản được công nhận, tức là chúng ta đã có cái để trao lại với thế giới, chứ không phải chỉ thụ động tiếp nhận. Và cũng cần thấy rằng, cơ hội đang trong tầm tay, nên chúng ta phải khẩn trương chuẩn bị hồ sơ. Bởi hiện có những giá trị văn hóa tương đồng giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực, nên nếu ta không khẩn trương, thì nước khác sẽ đăng ký, khi ấy, dù của ta có đặc sắc hơn cũng không kịp nữa. Như Tết cổ truyền chẳng hạn, đã có nước đăng ký rồi, nên bây giờ Việt Nam có muốn cũng không được nữa. Theo quan điểm của tôi, trong chừng mực nào đó, chúng ta đang chậm, còn có thể làm được nhiều hơn nữa, song năng lực lập hồ sơ của các viện nghiên cứu hiện nay chưa đáp ứng được, nên ta đành phải chấp nhận. Chúng ta chưa tiến hành tổng kiểm kê di sản, nên còn nhiều di sản quý giá nữa có thể chưa được nhận diện. Tất nhiên, cũng không phải vì còn ít danh hiệu mà ta làm ồ ạt, để ảnh hưởng đến chất lượng hồ sơ. Cho đến nay, chưa có hồ sơ nào của chúng ta đưa đi mà bị trả về, hay không được công nhận. Ðiều đó chứng tỏ công tác xây dựng hồ sơ của ta rất được chú trọng về chất lượng. Di sản đang ngày càng được quan tâm, tôn vinh và bảo vệ một cách toàn diện và hiệu quả hơn. Ðó là điều đáng mừng.

 

PV: Xin cảm ơn ông.

 

Theo Nhândân Online

Tệp đính kèm