Cập nhật: 22/03/2010 14:34:11 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lễ hội truyền thống là nét đẹp văn hóa đã có từ lâu đời của dân tộc, và trở thành nhu cầu không thể thiếu của nhân dân, nhằm thỏa mãn khát vọng hướng về cội nguồn, tăng cường mối giao lưu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Trong cuộc sống hiện đại, lễ hội phát triển, với hình thức đa dạng nhưng cũng phát sinh những hiện tượng tiêu cực, đòi hỏi công tác tổ chức và quản lý lễ hội đổi mới và có hiệu quả...

Trong cuộc sống hiện đại, lễ hội phát triển, với hình thức đa dạng nhưng cũng phát sinh những hiện tượng tiêu cực, đòi hỏi công tác tổ chức và quản lý lễ hội đổi mới và có hiệu quả...

        

Mùa xuân là mùa của lễ hội, và cũng như mọi năm, nhân dân trong cả nước lại nô nức trẩy hội. Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì cả nước có hơn 7.966 lễ hội trong đó chủ yếu là lễ hội truyền thống. Và thống kê bước đầu thì từ sau Tết Canh Dần đến nay, lễ hội Chùa Hương đã đón hơn 800.000 luợt khách, Yên Tử đón gần 700.000 lượt khách, Cửa Ông đón hơn 200.000 lượt khách, ở Côn Sơn - Kiếp Bạc đón hơn 250.000 lượt khách, ở Ðền Trần - Nam Ðịnh hơn 200.000 lượt khách, các lễ hội tại Thái Bình đã đón hơn 150.000 lượt khách, Ðền Hùng - Ðền Mẫu Âu Cơ đón hơn một triệu lượt khách, Chợ Viềng và Phủ Giày - Nam Ðịnh hơn 500.000 lượt khách... Thực tế đó cho thấy lượng khách tham gia lễ hội quá đông trong khi do điều kiện lịch sử - tự nhiên để lại khuôn viên của các di tích, danh thắng, không gian tổ chức lễ hội có giới hạn dẫn đến tình trạng quá tải, lộn xộn, ùn tắc giao thông, giá dịch vụ tăng cao, mất vệ sinh, ảnh hưởng cảnh quan môi trường. Những năm gần đây, các địa phương đã có nhiều cố gắng khắc phục tình trạng quá tải, đã có một số phương án bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường, chống ùn tắc giao thông, xây dựng bãi để xe, trông giữ xe, phòng cháy, chữa cháy...

 

Tuy nhiên, công tác tổ chức và quản lý lễ hội còn bộc lộ nhiều bất cập. Việc tổ chức lễ hội, quản lý di tích, thắng cảnh ở nhiều nơi không thống nhất, một di tích lại có nhiều chủ thể cùng tham gia quản lý (như UBND xã, phường, ban quản lý di tích, nhà chùa, nhà đền, công ty khai thác dịch vụ). Ngay việc phân cấp quản lý lễ hội, di tích của từng địa phương cũng có khác nhau, nơi do UBND huyện, thị xã tổ chức và quản lý; nơi lại do ban quản lý di tích quản lý về chuyên môn, công ty kinh doanh khai thác các hoạt động vận chuyển và dịch vụ; nguồn thu công đức ở đền, phủ do chủ nhang quản lý, tiền công đức ở các chùa do các nhà chùa quản lý, tiền cho thuê mặt bằng kinh doanh dịch vụ do UBND xã, phường quản lý, dẫn đến làm giảm tính trách nhiệm trong quản lý, bảo tồn phát huy hiệu qủa của di tích, lễ hội. Ðã đến lúc phải tiến hành quy hoạch lễ hội, phân cấp quản lý rõ ràng. Ban tổ chức lễ hội các địa phương phải chủ động bảo vệ di tích, hiện vật trong di tích, cảnh quan môi trường, phòng cháy, chữa cháy, có kế hoạch cụ thể trình các cấp có thẩm quyền để có sự chỉ đạo, tổ chức, kiểm tra chặt chẽ... Bên cạnh đó, một số địa phương lại coi lễ hội là nguồn lợi của địa phương, chỉ tập trung khai thác giá trị kinh tế dẫn đến tình trạng thương mại hóa lễ hội.

 

Công tác tổ chức và quản lý lễ hội phải có tác động tích cực đến ý thức người tham gia lễ hội. Các hiện tượng ách tắc giao thông, đi lại lộn xộn, xả rác bừa bãi, hiện tượng mê tín dị đoan như cúng lễ, mâm cao cỗ đầy, đốt vàng mã vô tội vạ, xóc thẻ, bói toán, hầu đồng, rải tiền nơi thờ tự,... rồi cờ bạc, rượu chè, chèo kéo ép khách, ăn xin dọc đường,... vẫn xảy ra ở nhiều lễ hội từ năm này qua năm khác, khiến cho lễ hội trở nên xô bồ, nhếch nhác. Ðể ngăn chặn tình trạng tiêu cực này, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục. Mặt tích cực cốt lõi của mỗi lễ hội truyền thống là tôn vinh và nhớ ơn các anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước, tôn vinh văn hóa dân tộc phải được làm nổi bật và ngấm sâu vào ý thức của mỗi người tham gia lễ hội. Gần đây, công tác tuyên truyền, giáo dục đã được một số địa phương chú trọng ngay từ khâu chuẩn bị. Giới thiệu về công đức của các danh nhân, giá trị kiến trúc, mỹ thuật của di tích, truyền thống lịch sử lễ hội, khơi dậy nét đẹp văn hóa, tôn vinh các bậc tiền nhân có công với dân, với nước, phát huy tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân. Hình thức tuyên truyền phong phú đa dạng như: xây dựng trang website đưa thông tin về lễ hội và di tích; tổ chức tập huấn, triển lãm quảng cáo bằng pa-nô, áp phích; in tờ rơi, sách giới thiệu về di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh; tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, gắn lễ hội với việc quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm, sản vật của địa phương; phổ biến quy chế lễ hội và nội quy bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường thiên nhiên, nội quy phòng, chữa cháy qua hệ thống đài phát thanh, truyền thanh, niêm yết trên bảng tin để nhân dân địa phương và du khách biết thực hiện. Các địa phương cần thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Chính trị và Chính phủ về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

 

Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục là xây dựng những quy chế tổ chức một cách cụ thể phù hợp với quy mô lễ hội đã được quy hoạch và đặc thù địa phương từ quy định nơi bán hàng, dịch vụ đến bãi đỗ xe, đường đi lối lại,... đặc biệt là các quy định chống mê tín dị đoan và tệ nạn xã hội. Và quan trọng hơn, phải có những biện pháp chế tài, bắt buộc người tham gia lễ hội thực hiện một cách nghiêm túc những quy định đề ra. Hơn nữa, là quản lý minh bạch và sử dụng có hiệu qủa nguồn kinh phí từ xã hội hóa bảo vệ di tích, tiền công đức, tiền đặt lễ (tiền giọt dầu) để tôn tạo, tu bổ nâng cấp địa điểm, không gian tổ chức lễ hội. Nằm trong tổng thể tiến trình phát triển văn hóa của đất nước, tăng cường và đổi mới công tác tổ chức, quản lý lễ hội là góp phần tôn vinh giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống trong cuộc sống hiện đại, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân, đồng thời góp phần thúc đẩy sự nghiệp du lịch của nước nhà, giới thiệu với bạn bè quốc tế những hình ảnh đẹp của đất nước Việt Nam./.

 

 

 

 

Theo Nhândân Online

Tệp đính kèm