Sau Tết Canh Dần, hàng loạt lễ hội đã được các địa phương trong cả nước tổ chức, thu hút hàng chục nghìn lượt người dân và du khách đến tham dự.
Nổi bật là các lễ hội ở các điểm di dích lịch sử - văn hóa, nơi thờ phụng các danh nhân có công với dân với nước. Ðây là những hoạt động, nét văn hóa mang đậm truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Với sự cố gắng và quan tâm của các cấp, các ngành, nhiều công trình di tích lịch sử - văn hóa ở các địa phương đã được trùng tu, nâng cấp, tạo thuận lợi cho khách thập phương tham gia các hoạt động của lễ hội trong không khí vui tươi, phấn khởi. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở các điểm lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tệ nạn xã hội được chú ý ngăn chặn. Tuy nhiên, ở một số điểm lễ hội vẫn còn tình trạng trộm cắp tài sản của khách, vệ sinh môi trường chưa được bảo đảm. Tình trạng cờ bạc, bói toán vẫn xảy ra; việc tự nâng giá các dịch vụ, "bắt chẹt" du khách chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) có rất nhiều kẻ rạch túi của du khách để lấy trộm ví, điện thoại. Bị phát hiện, chúng thản nhiên trợn mắt hăm dọa và kèm theo những câu chửi tục thô thiển. Hay tại đền Trần (Nam Ðịnh), lễ khai ấn có hàng chục nghìn lượt người tham dự, chen lấn, xô đẩy nhau để xin ấn làm vườn cảnh ở ngôi đền này, chỉ trong một đêm đã tan nát. Còn rất nhiều cảnh đáng buồn diễn ra ở các lễ hội đầu xuân, gây phản cảm, không vui cho du khách.
Mùa lễ hội diễn ra còn dài, vì vậy việc bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh ở các điểm lễ hội cần được các địa phương quan tâm hơn. Những vấn đề này không chỉ được bảo đảm trong ngày khai mạc, chính hội, mà phải được kiểm soát thường xuyên để tạo ấn tượng, tâm lý thoải mái, vui vẻ cho khách thập phương về dự lễ hội./.
Theo Báo Nhân Dân