Cập nhật: 16/04/2010 14:53:03 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giỗ tổ Hùng Vương từ ngàn xưa đã là ngày lễ trọng đại, mang ý nghĩa lớn lao trong đời sống văn hoá, tín ngưỡng của người dân Việt Nam.

Dù là sinh sống, làm ăn ở đâu cứ đến ngày 10/3 âm lịch, con cháu Lạc Hồng lại một lòng hướng về đền Hùng, hành hương về miền đất tổ Phong Châu linh thiêng, thắp nén tâm hương bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức các vua Hùng đã có công khởi dựng nước Văn Lang, để có Đại Việt, Việt Nam như ngày nay. Dấu ấn ngàn xưa của đất nước Văn Lang còn hiển hiện đến tận ngày nay tại Khu di tích đền Hùng.

 

Khu di tích đền Hùng- nơi lưu giữ dấu tích ngàn xưa của dân tộc hiện toạ lạc trên núi Nghĩa Lĩnh hay còn gọi là núi Hùng, thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Núi cao 175 mét so với mực nước biển, tương truyền núi Hùng là chiếc đầu rồng lớn hướng về phía Nam, mình rồng uốn khúc thành dãy núi Trọc, núi Vặn, núi Pheo ở phía sau. Mỗi công trình, kiến trúc còn lại của di tích đền Hùng ngày nay đều chứa đựng trong đó giá trị lịch sử cùng những truyền thuyết ngàn xưa còn sống mãi. Kiến trúc ngàn xưa qua thời gian đã bị hư hại gần hết, chỉ còn lại một số di vật thời đó còn lại, còn kiến trúc như ngày nay được xây dựng từ thời hậu Lê và thời Nguyễn.

 

Từ cổng lớn của khu di tích, vượt qua 225 bậc đá sẽ lên tới đền Hạ, tương truyền đây là nơi Tổ mẫu Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai để rồi sau đó 50 người con theo Quốc tổ Lạc Long Quân xuống biển, 49 người theo mẹ lên non, một người con cả ở lại lập nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, xưng là Hùng Vương. Từ truyền thuyết này mà nhân dân lập ra đền Hạ để thờ các vua Hùng. Trong khuôn viên đền Hạ còn có nhà bia công đức, một ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý gọi là Sơn Cảnh Thừa Long tự, sau đó vào thời Lê được làm lại lấy tên Thiên Quang thiền tự, phía trước chùa còn có tháp và gác chuông. Đền Hạ cũng là nơi năm xưa Bác Hồ căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

 

Từ đền Hạ, tiếp tục đi lên không xa là đền Trung, là nơi nghỉ ngơi của các vua Hùng, đôi khi là nơi Hùng Vương bàn việc nước với các Lạc hầu, Lạc tướng. Nơi đây cũng là nơi hoàng tử Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh dày lên cho vua cha. Sau này, nhân dân làm miếu thờ các vua Hùng, gọi là Hùng Vương tổ miếu. Đền Thượng nằm trên đỉnh núi Hùng. Thời các Vua Hùng, trên đỉnh núi này có điện Kính thiên – nơi Vua làm lễ tế trời, đất và thờ thần núi, thần lúa, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, nhân dân no ấm. Sau sự kiện vua Hùng thứ 18 nhường ngôi cho Thục Phán An Dương Vương, đền Thượng được xây dựng để thờ các đời Vua Hùng, cột đá thề đã được dựng lên để khắc ghi lời thề đời đời gìn giữ cơ nghiệp các vua Hùng đã tạo dựng. Thục Phán An Dương Vương còn mời dòng tộc Vua Hùng tới chân núi Hùng sinh sống, chuyên lo việc thờ cúng tại đây. Trên khu vực đền Thượng còn có lăng vua Hùng, chính là mộ của vua Hùng thứ 6. Trong quần thể di tích đền Hùng còn có đền Giếng, nơi đây có giếng ngọc của 2 công chúa Tiên Dung- Ngọc Hoa là con Vua Hùng thứ 18 thường tới soi gương, rửa mặt, chít khăn…

 

Đó chỉ là các di tích chính trong quần thể di tích Đền Hùng ở núi Hùng, còn theo thống kê của Cục Văn hoá Cơ sở, cả nước có gần 2000 điểm thờ vua Hùng và các nhân vật liên quan dến thời đại Hùng Vương trải khắp chiều dài đất nước. Là quê hương Đất tổ Hùng Vương, Phú Thọ vẫn là nơi có nhiều điểm, đền, miếu thờ các nhân vật nổi tiếng, vợ con, tướng lĩnh thời Hùng Vương nhất nước. Nhà nghiên cứu văn hoá Vũ Kim Biên, người chuyên nghiên cứu lịch sử vùng đất tổ trong hơn 30 năm qua cho biết: Phú Thọ có nhiều dấu tích liên quan tới thời đại Hùng Vương đều do nhân dân lập đền thờ tại những nơi vua đến tuần du, săn bắn, hoặc các nơi có hoàng tộc dừng chân nghỉ ngơi, ngắm cảnh, hay các tướng lĩnh Văn Lang đóng trại, chiến đấu, luyện tập…Phú Thọ cũng là vùng đất có nhiều di chỉ Hùng Vương nhất trong cả nước với hơn 60 trong hơn 200 di chỉ , tập trung xung quanh đền Hùng; bán kính 20 km có 47 di sản, đủ 4 giai đoạn; Phùng Nguyên (4.000 năm), Đồng Đậu (3.500 năm), Gò Mun (3.000 năm) và Đông Sơn cách ta từ 2.800 đến 2.000 năm trước Công nguyên…Nhiều truyền thuyết tiêu biểu về 18 đời Vua Hùng dựng nước, giữ nước vẫn còn tồn tại đến ngày nay, như truyền thuyết Thánh Gióng; Lang Liêu và bánh chưng, bánh dày; Mai An Tiêm và sự tích dưa hấu; Chử Đồng Tử và Tiên Dung; Sơn Tinh- Thuỷ Tinh…

 

Sau thời gian dài tồn tại cùng thời gian, trải qua nhiều biến cố lịch sử dân tộc, chiến tranh kéo dài, các công trình thuộc khu di tích từ xa xưa đã gần như mất đi, các kiến trúc xây dựng từ thời Lê, Nguyễn cũng đã xuống cấp. Việc tu bổ, tôn tạo các công trình tôn vinh, tưởng nhớ thời đại Hùng Vương luôn được quan tâm, tiến hành nhiều lần, ngay từ các triều đại phong kiến Việt Nam. Khu di tích lịch sử Đền Hùng của tỉnh Phú Thọ nhiều năm qua rất nỗ lực tiến hành việc tu bổ, tôn tạo các di tích, nhằm giữ gìn cho tốt các giá trị lịch dân tộc đã có từ hàng ngàn năm qua. Đền Trung, Đền Thượng đã được tôn tạo bề thế và khang trang hơn, lối đi lên các đền được mở rộng và lát gạch, các hàng quán đã được di dời sang khu vực khác để đảm bảo cảnh quan thoáng đãng, sạch đẹp, hoà hợp với thiên nhiên của Khu di tích ngay từ cổng vào. Hiện nay, từ cổng Đền Hùng đi vào, các cây bồ đề, bạch đàn xưa cũ đã được thay thế bằng các loại cây bản địa có tuổi thọ cao…

 

Ông Nguyễn Tiến Khôi, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Lượng khách về Giỗ tổ hàng năm ngày càng tăng nhanh, năm 2010, dự báo có khoảng hơn 5 triệu lượt khách sẽ về Đất tổ trong 10 ngày (1-10/3 âm lịch) diễn ra lễ hội. Để đáp ứng nhu cầu hành hương của đồng bào, bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, nhiều công trình thờ tự các bậc tiền nhân có công với nước đã được xây dựng mới. Đó là đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ được xây dựng trên núi Vặn, đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân được xây dựng tại núi Sim trong quần thể di tích lịch sử Đền Hùng. Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt đến năm 2015, Khu di tích lịch sử Đền Hùng sẽ được mở rộng tới gần 1.000ha, trong đó sẽ được phân chia thành nhiều khu chức năng. Hiện nay, Phú Thọ đang mở cuộc thi thiết kế Tháp Hùng Vương cao 100 mét để thực hiện di nguyện của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn năm xưa “Dựng tháp Vua Hùng để từ Đền Hùng nhìn ra cả nước và cả nước nhìn về Đền Hùng”. Khi lựa chọn được phương án thiết kế tốt nhất, tháp Hùng Vương sẽ được xây dựng trên đồi Mom Gà trong quần thể các công trình tôn vinh văn hoá mọi miền đất nước. Ban tổ chức mong muốn tháp Hùng Vương – nơi tôn vinh công lao dựng nước của các Vua Hùng cũng sẽ trở thành biểu tượng kiến trúc của Việt Nam , biểu tượng cho tình đoàn kết dân tộc bền vững…/.

 

 

 

Theo TTXVN

 

Tệp đính kèm