Vào buổi sáng ngày Đại lễ 10/10, sau chương trình diễu binh, diễu hành tại quảng trường Ba Đình sẽ là các màn trình diễn nghệ thuật thật quy mô. Kịch bản phần diễu hành nghệ thuật này vừa hé lộ đã thấy rõ sự hoành tráng, tưng bừng.
"Sân khấu lớn chưa từng có ở Việt Nam!"
Vì là “kết” cho cả một chương trình 1.000 năm nên đây là phần cần tạo thành dư âm thật đẹp, thật ấn tượng. Những người nhận trọng trách đang rất tích cực và khẩn trương thực hiện. Chỉ đạo nội dung chương trình diễu hành nghệ thuật là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chỉ đạo thực hiện là Cục Nghệ thuật biểu diễn. Xây dựng kịch bản chương trình này là nhóm tác giả Lê Chức, Chu Thơm và Khánh Toàn.
Ông Vương Duy Biên, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nghệ thuật biểu diễn đã trao đổi với phóng viên Vietnam+: “Đây là lần đầu tiên có một sân khấu nghệ thuật lớn đến thế. Chúng tôi vừa đi đo khảo sát tại Quảng trường Ba Đình thì sân khấu rộng hơn 2.000m2 là lớn chưa từng có ở Việt Nam. Nếu chỉ sơ tính nửa mét vuông phải có một người khi trình diễn thì phải có 4.000 người tham dự.”
Đặc biệt, cuộc biểu diễn lại diễn vào ban ngày nên không sử dụng được thủ pháp ánh sáng và cũng không “giấu” được những phần chưa cần xuất hiện. Giữa quảng trường không cánh gà, không phông đèn sẽ là thách thức cho việc tổ chức chương trình.
Tái hiện các trang sử vàng bằng nghệ thuật
Theo ông Chu Thơm, chủ đề tư tưởng bắt đầu từ thuở các vua Hùng dựng nước, lịch sử hình thành và phát triển của Tổ quốc và dân tộc ta đã trải qua hơn 4.000 năm văn hiến.
Kịch bản gồm 3 chương. Chương I có tên Cờ lau trắng diễn tả kinh đô Hoa Hoa Lư thời Đinh, Tiền Lê;.Chương II là Cờ Ngũ sắc sẽ phác thảo lịch sử về kinh đô Thăng Long thời Lý, Trần, Lê, Quang Trung. Chương III mang chủ đề Cờ Đỏ tái hiện thời đại Thăng Long-Hà Nội và thời đại Hồ Chí Minh
Chương trình diễn ra với 200 môđun được thiết kế đồng hạng để có thể thay đổi thành những tông màu khác nhau khi thay cảnh nhằm tạo nên những điểm diễn, những không gian mới, đồng thời có thể ghép lại, tách rời biến ảo tạo nên những hình khối khác nhau như hình bản đồ Việt Nam với hình thế núi sông và hải đảo; bãi cọc Bạch Đằng Giang hay đoàn thuyền Rồng từ Hoa Lư về Thăng Long...
Theo kịch bản, sẽ có hàng nghìn nghệ sĩ chuyên nghiệp của các Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương, Hà Nội, Quân đội cùng sinh viên các trường nghệ thuật tham gia biểu diễn trong chương trình.
Các nghệ sĩ, diễn viên sẽ được chia làm ba tốp gồm 200 diễn viên múa chính, 600 diễn viên múa phụ và 400 diễn viên sân khấu thay đổi nhau để đảm nhiệm vai những nhân vật lịch sử chính, các cận thần văn võ và làm dàn phụ họa che chắn những khi thay cảnh./.
Theo TTXVN/Vietnam+