Cập nhật: 23/09/2010 14:56:41 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm mươi tập phim “Bí thư Tỉnh ủy” do Trung tâm sản xuất phim Đài truyền hình Việt Nam thực hiện đã tái hiện giai đoạn lịch sử cách đây nửa thế kỷ.

 

Bộ phim kể về cuộc đời thật của Bí thư Kim Ngọc – Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc – với câu chuyện khoán 10 đã làm thay đổi vận mệnh của cả đất nước. Phim “Bí thư tỉnh ủy” sẽ được phát sóng trên VTV1 bắt đầu từ 27/9.

 

Kể lại gian nan của người “đi trước thời đại”

 

Bộ phim đưa người xem trở về một giai đoạn lịch sử những năm 60 của thế kỷ trước. Trong bối cảnh thời đó, ông Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) đã đưa ra chủ trương khoán hộ cho nông dân, giúp nâng năng suất lúa lên gấp đôi.

 

Ông được nhắc đến như một hiện tượng gây chấn động xã hội vì trái với đường lối chung khi đó là hợp tác hóa. Vì thế, chỉ sau 3-4 vụ, chỉ thị của Ban bí thư tỉnh yêu cầu ngừng ngay chương trình này. Lúc đó, bản thân Kim Ngọc cũng phải làm kiểm điểm.

 

Tuy nhiên, người nông dân đã kịp thời nhìn thấy lợi ích của chương trình này nên nhiều hợp tác xã vẫn tiếp tục làm dưới nhiều hình thức. Từ Vĩnh Phúc đã lan ra một số tỉnh miền Bắc như Hải Phòng, Hải Dương… với hình thức “khoán chui.”

 

Hai mươi hai năm sau, một lần nữa dư luận lại rộ lên khi Nghị quyết X của Bộ Chính trị đưa ra có nhiều điểm trùng khớp với tư duy của ông Kim Ngọc trước đó: công nhận hộ xã viên là đơn vị kinh tế độc lập. Lần này, công lao của ông Kim Ngọc được nhìn nhận và đánh giá lại.

 

Không phải là bức tượng được “tô hồng”

 

Phim tập trung khắc họa “con người lớn” nhưng không phải là bức tượng được “tô hồng” mà nhân vật hiện lên sinh động, chân thực với tư cách là con người với đầy đủ những cung bậc của nó. Phim mang tính chính luận nhưng không sa đà vào các nghị quyết, chính sách..., mà bằng hành động đan cài cuộc sống đời thường của xã viên và đời sống riêng tư của nhân vật.

 

Là nhà biên kịch bộ phim, ông Vân Thảo cũng lăn lộn hơn ba tháng tại địa bàn, tìm hiểu, gặp gỡ gia đình và những “nhân chứng sống” cùng thời với ông Kim Ngọc nên đã phản ánh chân thực tình cảm của người dân đã yêu quý coi ông là “con người huyền thoại.”

 

Phim đã khai thác những việc làm của Bí thư Hoàng Kim (nhân vật chính của phim, nguyên mẫu là ông Kim Ngọc) và nông dân tỉnh Phước Vĩnh đã gây xôn xao và vang đến tận Trung ương với nhiều dư luận trái chiều, phần lớn không đồng tình vì cho đó là đi ngược với đường lối của Đảng và Nhà nước trên con đường tập thể hóa. Ngoài ra, phim còn khai thác thêm nhiều chi tiết hài hước, châm biếm...

 

Những việc làm tận tâm với bà con nông dân của Bí thư Hoàng Kim đã khiến ông phải trả giá bằng sức khỏe luôn đau yếu và một bản kiểm điểm vì làm sai đường lối của Đảng nhưng điều đó không làm ông nhụt chí.

 

Hai năm sau ngày về hưu, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Kim đã mất trong một cơn bạo bệnh. Bộ phim là một khúc tráng ca về con người và lẽ phải nhưng lại mang đầy hơi thở cuộc sống chứ không phải việc anh hùng hóa nhân vật một cách cứng nhắc.

 

Quy tụ được tâm huyết của nhiều người

Theo đạo diễn Quốc Trọng, đây là một  trong những bộ phim vất vả nhất của anh. Tuy nhiên, anh nhấn mạnh: “Tất cả chúng tôi lại đạt được một điều quan trọng là các nhà làm phim và diễn viên đều chung một lòng ngưỡng mộ với nhân vật huyền thoại Kim Ngọc. Có sự tâm huyết nên mọi vấn đề gặp phải suốt hành trình đều là… chuyện nhỏ.”

 

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, NSƯT Lan Hương tâm sự: “Tôi thấy thực sự áp lực khi vào vai bà Kim Ngọc. Vì đây là một nhân vật có thật ngoài đời mà bà vẫn đang còn sống và minh mẫn. Tôi đã cùng đoàn làm phim lên thăm gia đình bà. Và tôi biết mình phải vào một vai rất đặc biệt. Bà Kim Ngọc là người phụ nữ đảm đang quán xuyến một hậu phương vững chắc để cho ông làm được những điều phi thường làm vậy.”

 

“Tôi đã thưa với bà rằng: 'Con không dám nói rằng con sẽ thể hiện thành công về bà ở ngoài đời. Con chỉ làm được một phần được phần nào thôi, bà thông cảm cho con nhé!' Đó là chưa kể thời con gái bà từng là người đẹp nổi tiếng vùng sơn cước, lại xuất thân trong một gia đình khá giả… Chắc hình thức của mình không thể sánh với bà rồi," Lan Hương chia sẻ.

 

Nhà văn Thùy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất phim Đài Truyền hình Việt Nam, người trực tiếp lên kế hoạch sản xuất và biên tập bộ phim này cho biết: “Càng tìm hiểu tài liệu, càng gặp gỡ nhân chứng, chúng tôi càng khâm phục, kính yêu và ngưỡng mộ ông Kim Ngọc.

 

Chính vì thế, chúng tôi quyết tâm làm cho được bộ phim về ông. Bí thư Tỉnh ủy không chỉ là một chức danh mà là một trách nhiệm, một nghĩa vụ và danh dự của một con người đi trước thời đại,”  bà Thùy Linh nói.

 

Các thành viên trong đoàn phim “Bí thư Tỉnh ủy” đều thừa nhận đây là một trong những bộ phim “cơ khổ” cho cả đoàn. Từ khâu viết kịch bản, tới xây dựng hiện trường, tới quay phim… đều tốn kém và vất vả. Đoàn đã phải dựng lại 24 bối cảnh chính, đào 300 hầm chữ A, chuẩn bị hơn 1 tấn vũ khí, hơn 2 tấn lúa để thực hiện các cảnh quay.

 

Kịch bản phim dày hơn 1000 trang, với hơn 500 ngày quay mới hoàn thành phim (bắt đầu từ tháng 3/2009). Có thể hy vọng phim sẽ được khán giả đón nhận nhiệt tình. Bộ phim đánh dấu sự trở lại của dòng phim chính luận vốn là sở trường của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam trên sóng giờ vàng phim Việt./.

 

- Kịch bản phim “Bí thư tỉnh ủy” của tác giả Vân Thảo.

- Đạo diễn: Quốc Trọng, Trần Trọng Khôi;

- Biên tập phim gồm các nhà văn: Thùy Linh, Phạm Ngọc Tiến, Trần Hoài Văn

- Phim quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng như: Dũng Nhi trong vai Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Kim, NSƯT Minh Châu vai bà Thường, NSƯT Mai Hoa trong vai Chi - Bí thư Huyện ủy, NSƯT Đức Trung vai ông Ẩn, NSƯT Nguyễn Lan Hương vai bà Lê...

 

 

Theo  TTXVN/Vietnam+

Tệp đính kèm