Cập nhật: 21/10/2010 14:30:56 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đặt kế hoạch quay trở lại thị trường VN trong thời gian sớm nhất, điện ảnh Pháp đã mang tới LHP quốc tế Việt Nam lần thứ nhất 6 bộ phim đắt khách không chỉ ở nước Pháp mà còn được đón nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Cùng với Arthur3, cuộc chiến giữa hai thế giới- bộ phim chiếu trong lễ khai mạc LHP, chương trình Điện ảnh khách mời với 5 bộ phim mới sản xuất và công chiếu tại Pháp đã khẳng định sức hấp dẫn của một nền điện ảnh vốn được xem là “cái nôi” của điện ảnh thế giới.

 

Chuyện của các nhà làm phim Pháp

 

Trong số 5 phim của Điện ảnh khách mời, Những đứa bé (80 phút) và Đại dương (100 phút) là phim tài liệu được làm theo phong cách phim truyện. Đây cũng là hai bộ phim thu được thành công vang dội, không chỉ ở Pháp.  Jacques Cluzaud, đạo diễn bộ phim Đại dương  cho biết: “  Khởi chiếu vào tháng 1.2010, Đại dương đã thu hút  hơn 3 triệu lượt khán giả Pháp và hơn 6 triệu lượt khán giả nước ngoài  đến rạp. Tại Nhật có khoảng  2 triệu lượt khán giả mua vé xem Đại Dương và Hàn Quốc là khoảng 75 ngàn lượt người. Tuy là phim Pháp, nhưng chỉ có vài người Pháp tham gia làm bộ phim này, còn lại là các thành viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Chỉ riêng  bộ phận quay phim đã thể hiện rõ tính đa quốc tịch:  Nhật, Canada, Mỹ, Thụy Điển... Được làm bởi  những tài năng mang những sắc thái văn hóa khác nhau, nên bộ phim đã đưa đến cho người xem những góc nhìn đa dạng và thật sự thú vị chỉ với một chủ đề - đại dương.

 

Tương tự khi nói về hiệu quả của tính đa sắc thái văn hóa trong phim, đạo diễn   phim Những đứa bé - Thomas Balmès cho biết : “ Chúng tôi đã quay Những đứa bé ở Mỹ, Nhật Bản, Mông Cổ và Namibia với những thành viên tham gia mang nhiều quốc tịch khác nhau. Đây là một dự án phim được làm với kinh phí thấp nhưng hiệu quả lại rất “khủng”. Phim được đón nhận nồng nhiệt tại Pháp và được trình chiếu ở hơn 60 quốc gia khác. Riêng Mỹ, 500 rạp đã chiếu bộ phim này. Điều gì đã làm nên thành công của bộ phim? Câu trả lời là sự hết mình của những người làm phim với tác phẩm. Chính sự hết mình đó của các nhà làm phim đa quốc tịch đã khiến cho bộ phim mang được những màu sắc lung linh khác nhau. Và điều này đã hấp dẫn được khán giả ở các nước có nền văn hóa khác nhau”.

 

Đồng quan điểm về sự gắn bó hết mình với tác phẩm- nói cách khác là phải tha thiết, nhiệt huyết, yêu đến say mê đứa con tinh thần của mình, ắt có được tác phẩm được người xem đón nhận, đạo diễn phim Phỉnh tình chia sẻ: “ Ngôn ngữ của điện ảnh là thứ ngôn ngữ toàn cầu. Các đạo diễn trên thế giới đều sử dụng loại ngôn ngữ chung đó để làm phim. Phim hay, hoặc dở phụ thuộc vào tài năng cá nhân. Nhưng cũng không thể thiếu một lực tác động – đó là sự hỗ trợ của Nhà nước ở những phương diện khác nhau như: kinh phí, môi trường pháp lý, kiểm duyệt... Phỉnh tình là bộ phim mang đặc trưng của điện ảnh Pháp- hài hước, lãng mạn; đi sâu khai thác nội tâm thầm kín của con người...”.

 

Pháp đã làm gì để hỗ trợ nền điện ảnh?

 

Theo bà Régine Hatchondo, Tổng giám đốc UniFrance, mỗi năm  điện ảnh Pháp sản xuất khoảng 210 bộ phim truyện nhựa. Hiện tại có khoảng 45 phim đang được công chiếu tại các rạp trên toàn nước Pháp. Phần lớn phim trong số này được khán giả quốc nội đón nhận. Để khuyến khích các nhà làm phim sáng tạo nên những bộ phim hay, Pháp có nhiều quỹ hỗ trợ cho điện ảnh. Đặc biệt, Pháp “đánh thuế” trên mỗi vé xem phim tại rạp và số tiền này được chuyển về một quỹ để hỗ trợ cho các dự án phim. Cứ một phim thành công tại rạp sẽ là cơ hội để có 2 phim mới ra đời và tiếp tục gặt hái thành công.  Bên cạnh đó, Chính phủ Pháp cũng  đưa ra những quy định chặt chẽ, buộc các kênh truyền hình Pháp phải dành thời lượng cho phim nội địa. Đơn cử như Kênh 5 ( hay còn gọi là K+) phải chiếu 40 % phim Pháp và phim của châu Âu sản xuất; các kênh truyền hình của Nhà nước thời lượng  phát sóng phim Pháp và châu Âu là 20-30%; kênh truyền hình của tư nhân cũng bị “cột” vào quy định phát sóng 15% phim Pháp. Cũng theo bà Régine Hatchondo, công tác kiểm duyệt phim tại Pháp không phải là một rào cản đối với sáng tạo của nghệ sĩ, ngược lại, kích thích, khuyến khích tự do sáng tạo của người nghệ sĩ để đạt được những tác  phẩm chất lượng. Tất nhiên, Pháp cũng có những quy định chặt chẽ đối với những loại đề tài nhạy cảm như phim về các nhân vật quan trọng;  đề tài phân biệt chủng tộc, ma túy, bạo lực, sex. Những phim về loại này sẽ được thẩm định bởi một Hội đồng duyệt để phân loại đối tượng khán giả cho từng phim. Chính nhờ sự hỗ trợ có tính chiến lược của Chính phủ Pháp nên nền điện ảnh Pháp đã  bước qua sự khủng hoảng của nền kinh tế thế giới một cách tự tin.

 

4 ngày để thiết lập các quan hệ quay trở lại thị trường VN

 

Điện ảnh Pháp đã 2 lần tổ chức chương trình Toàn cảnh điện ảnh Pháp tại VN và lần nào cũng “cháy vé”. Tại LHP lần này, các phim của Pháp được đón nhận nồng nhiệt. Chính điều này đã khiến Pháp nghĩ đến việc quay trở lại thị trường VN trong thời gian không xa. Bà Régine Hatchondo cho biết, trong thời gian  tham dự LHP quốc tế Việt Nam, bà và đoàn điện ảnh Pháp đã gặp gỡ 3 nhà phát hành phim lớn của VN là Megastar, BHD, Galaxy để trao đổi và bàn bạc các kế hoạch đưa phim Pháp vào VN.  Để quảng bá phim Pháp ra nước ngoài, Chính phủ nước này có những quỹ hỗ trợ công tác phát hành. Tại LHP này, kênh K + và UniFrance với sự hỗ  trợ của Đại sứ quán Pháp tại VN sẽ trao giải thưởng 10.000 USD cho bộ phim Pháp hay nhất  dựa trên kết quả bình chọn của khán giả trong chương trình Điện ảnh khách mời. Số tiền này sẽ được trao cho đơn vị phát hành phim VN nào nhận phát hành bộ phim này tại VN. Thực chất, đây là sự hỗ trợ phát hành, tạo một bước đệm “đầu xuôi, đuôi lọt” để phim Pháp quay trở lại rạp Việt. Bên cạnh đó, phía Pháp cũng đang lập kế hoạch chi tiết cho việc đưa phim Pháp vào VN và việc này theo bà Régine Hatchondo là rất khẩn trương.

 

Là đại sứ của điện ảnh Pháp đến LHP lần này, Anna Mouglalis (diễn viên chính trong phim Coco Chanel & Igor Stravinsky) là một diễn viên trẻ đang rất nổi tiếng ở Pháp. Nữ diễn viên xinh đẹp này cho biết, khi tới VN dự LHP, cô thấy nhiều người nhắc đến tên của hai diễn viên Trung Quốc  Ngô Ngạn Tổ, Trương Gia Huy... Cô mong muốn, một lúc nào đó khán giả VN cũng sẽ nhớ tên cô và những diễn viên mới khác của Pháp. Và điều này, trông chờ vào việc những bộ phim Pháp sẽ được quảng bá thế nào tại VN tới đây.           

 

 

Theo Báo Vanhoa Online

Tệp đính kèm