Cập nhật: 15/11/2010 14:51:30 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ bao đời nay, đối với làng quê Việt Nam cùng với "cây đa, bến nước, sân đình", chiếc cổng làng đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc và độc đáo tồn tại như một biểu tượng của văn hóa cộng đồng. Trước khi phải tạm biệt làng đi xa, mọi người đều muốn nhìn lại cổng làng.

Rồi ngày trở về, nhìn thấy cổng làng xa xa, trong lòng dậy lên bao nỗi bồi hồi. Bởi, sau cổng làng rêu phong cổ kính, là quê hương, là tổ tiên, ông bà, là cha mẹ, là tuổi thơ... Như trong câu lục bát: 'Lũy tre thấp thoáng đàng xa/ Mấy mươi bước nữa về qua cổng làng/ Trong lòng bỗng thấy xốn xang/ Quê hương hai tiếng nặng mang suốt đời'. Hoặc như câu thơ của Bàng Bá Lân: 'Ngày nay dù ở nơi xa/ Nhưng khi về đến cây đa đầu làng/ Thì bao nhiêu cảnh mơ màng/ Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre'.

 

Cuộc sống phát triển, làng quê Việt Nam ngày nay đã đổi khác. Người nông dân được làm chủ cuộc sống của mình, và cái khung cảnh 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời' hầu như chỉ còn là quá vãng. Hơn thế nữa, lớp con cháu nay được học hành đến nơi đến chốn, rồi được chắp cánh để bay đi khắp phương trời Tổ quốc. Họ sinh cơ lập nghiệp ở muôn nơi. Họ làm giàu cho bản thân mình và góp phần làm giàu đất nước. Dù ở nơi xa, họ vẫn gắn bó với quê hương, hình bóng của cổng làng vẫn in đậm trong tâm trí mỗi người.

 

Tuy nhiên, với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, rồi nơi định cư của làng đã mở rộng, mà cổng làng cũng có nhiều đổi thay. Một số cổng làng được tôn tạo, giữ nguyên quy mô, đường nét cổ truyền. Một số cổng làng được xây mới, hiện đại hơn, bề thế hơn. Nhưng cũng có những cổng làng đổ nát, phó mặc cho nắng mưa, thậm chí có cổng làng không còn dấu vết; và người làng như thiếu đi một mắt xích trên chiếc cầu nối với quá khứ, với nét văn hóa riêng của cộng đồng.

 

Văn hóa là dòng chảy không ngừng nghỉ. Trên dòng chảy đó, có giá trị luôn luôn được bồi đắp, phát triển để có thể trường tồn cùng thời gian. Lại có giá trị mang ý nghĩa lịch sử, khi điều kiện khai sinh ra các giá trị đó không còn hoặc đã thay đổi, thì tự thân giá trị sẽ suy giảm ý nghĩa xã hội - văn hóa, rồi dần dà phai nhạt. Thiết nghĩ, cổng làng không phải là giá trị mang ý nghĩa lịch sử, vì đó là một biểu tượng của làng quê Việt Nam, là nét văn hóa không dễ có được. Vì không ngẫu nhiên, ở nhiều làng quê, việc tôn tạo hay xây mới cổng làng vẫn là một nhu cầu của cả cộng đồng. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn cũng nên quan tâm đến vấn đề này. Ðể mỗi làng quê, để mọi người nông dân Việt Nam ngày càng có cuộc sống khấm khá, nhưng vẫn giữ được nét độc đáo riêng của mình, và chính điều đó sẽ góp phần làm nên bản sắc văn hóa.

 

 

 

Theo Nhandan Online

 

Tệp đính kèm