Cập nhật: 25/11/2010 16:06:22 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 24.11, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm bảo tồn, phát huy lễ hội và làng bản truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn khẳng định lễ hội truyền thống là bộ phận quan trọng cấu thành di sản văn hoá của dân tộc ta, là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hoá nhằm thoả mãn khát vọng trở về cội nguồn. Trong quá trình hội nhập, giao lưu văn hoá quốc tế, vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc ngày càng quan trọng, trong đó có sự góp phần không nhỏ của lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam.

 

Báo cáo đánh giá kết quả 10 năm bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số, Vụ Văn hoá dân tộc, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Lễ hội nói chung, lễ hội của các dân tộc thiểu số nói riêng là hình thức sinh hoạt văn hoá đặc biệt, mang tính cộng đồng, là “bảo tàng sống” chứa đựng các giá trị văn hoá-lịch sử phong phú, có sức hấp dẫn, lôi cuốn các tầng lớp nhân dân và trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hoá của đồng bào các dân tộc.

 

Trong những năm qua, công tác chỉ đạo, hướng dẫn được cơ quan quản lý nhà nước thống nhất triển khai, vừa đảm bảo tính trung thực của lễ hội, vừa loại bỏ một số hủ tục lạc hậu. Thông qua lễ hội, các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu được khơi dậy, giúp bà con dân tộc nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa, góp phần thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, từ đó đẩy mạnh, khuyến khích đồng bào các dân tộc chủ động sáng tạo, vươn lên xóa đói giảm nghèo, phấn đấu làm giàu.

 

Tuy vậy, trong thời gian qua, một số lễ hội vẫn chưa khai thác được nhiều, vẫn bị thất truyền và lực lượng nghệ nhân dân gian ngày một mai một. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng lễ hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm sút là do tiêu chí để khôi phục và tổ chức lễ hội dân gian chưa được xác định rõ ràng, cụ thể.

 

Các ý kiến tham luận tại Hội nghị cũng kiến nghị đề xuất với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trong thời gian tới cần tiếp tục đầu tư kinh phí nghiên cứu, phục dựng một số lễ hội đã bị mai một; tích cực tuyên truyền, quảng bá các lễ hội đặc sắc đến với đồng bào cả nước và du khách quốc tế; tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý sai phạm trong lĩnh vực tổ chức và quản lý lễ hội. Bên cạnh đó, Bộ cần xây dựng các chủ trương, chính sách để quản lý tổ chức lễ hội một cách nhất quán, trên cơ sở tôn trọng các giá trị truyền thống, đồng thời phải được khai thác các yếu tố văn hóa dân gian, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Buổi chiều cùng ngày, hội nghị đã tổng kết công tác bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số. Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá giai đoạn 2000-2005 và 2006-2010 do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, phối hợp với các Bộ, Ban, ngành và địa phương liên quan triển khai thực hiện, đến nay đã có 20 làng, bản, buôn của 15 dân tộc thuộc 20 tỉnh đại diện cho các vùng, miền trên cả nước được bảo tồn.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số vẫn còn một số trở ngại, khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án. Do vậy, để công tác bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số tiếp tục được thực hiện một cách có hiệu quả, thiết thực hơn, trong thời gian tới, cần có cơ chế, chính sách phù hợp đồng thời cho phép đồng bào các dân tộc thiểu số được tham gia thực hiện và hưởng lợi từ những kết quả do dự án mang lại, đảm bảo công tác bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống thực sự tạo ra sự phát triển một cách bền vững.

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm