Cùng với các hoạt động văn hoá diễn ra sôi nổi, năm 2010 cũng là năm điện ảnh VN có nhiều sự kiện nổi bật đáng nhớ: Lần đầu tiên tổ chức Liên hoan phim quốc tế Việt Nam, "Cánh diều vàng" trao giải với nhiều bất ngờ, hiện tượng "Cánh đồng bất tận"...
Cùng Laodong.com.vn điểm lại những sự kiện nổi bật nhất trong năm 2010 của điện ảnh VN:
1. LHP quốc tế VN lần thứ I (VNIFF)
LHP diễn ra trong 4 ngày từ ngày 17 đến ngày 21.10 với nhiều hoạt động như: chiếu phim, hội thảo, thảm đỏ giao lưu diễn viên, tôn vinh cố nghệ sỹ nhân dân Hồng Sến… LHP cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với việc phát triển một nền điện ảnh toàn diện và được biết đến nhiều hơn trên thế giới.
Tham dự LHP Quốc tế VN lần thứ I có hơn 60 bộ phim đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hai bộ phim tham gia tranh giải của VN trong LHP này là “Long thành cầm giả ca” của đạo diễn Đào Bá Sơn và “Trung Úy” của đạo diễn Hà Sơn.
VNIFF ghi nhận sự tham gia của một đội ngũ chuyên gia, giám khảo nổi tiếng trong nước và quốc tế. Đặc biệt, phải kể đến sự góp mặt của: đạo diễn Phillip Noyce – đạo diễn phim “Người Mỹ trầm lặng” và mới đây nhất là bộ phim đình đám “Salt”, nhà quay phim Francois Cantonné, Giám đốc LHP quốc tế Venice - Marco Mueller..
LHP kết thúc với các giải thưởng xứng đáng được trao. Giải thưởng quan trọng và được chờ đợi nhất là Giải phim truyện nhựa xuất sắc nhất đã thuộc về phim “Lâu đài cát” – một bộ phim Singapore. Chủ nhà VN giành giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho Nhật Kim Anh (vai Cầm trong “Long thành cầm giả ca” và phim tài liệu hay nhất dành cho phim “Luôn bên con” (đạo diễn Nguyễn Thị Kim Hải).
Đây là lần đầu tiên VN tổ chức một LHP Quốc tế. Dù chưa được tổ chức chuyên nghiệp như các LHP Quốc tế khác nhưng dẫu sao đây cũng là bước đi đầu tiên và đánh dấu một bước phát triển của điện ảnh VN.
2. Phim VN được chiếu ở Mỹ, đạo diễn Đặng Nhật Minh được Hollywood tôn vinh
Năm 2010 là năm trọn niền vui với NSND – đạo diễn Đặng Nhật Minh nói riêng và điện ảnh VN nói chung khi ông được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ tôn vinh. Lễ ghi nhận những đóng góp của đạo diễn Đặng Nhật Minh với điện ảnh VN đã được tổ chức vào tối ngày 10.11.2010 tại Mỹ. Bộ phim “Mùa ổi” của ông đã được chiếu giới thiệu ngay sau buổi lễ.
Cùng với buổi lễ tôn vinh NSND Đặng Nhật Minh, từ ngày 5 đến 14.11, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ còn phối hợp với Viện Tư liệu phim và Truyền hình UCLA tổ chức “Tuần lễ phim Việt Nam” mang tên “New Voices from Vietnam” (Những âm thanh mới đến từ Việt Nam).
|
NSND Đặng Nhật Minh chụp ảnh cùng diễn viên Kiều Trinh, diễn viên Đỗ Hải Yến trước đêm tôn vinh tại Mỹ |
Tuần lễ phim VN trình chiếu nhiều bộ phim thuộc các thể loại khác nhau. Trong đó, có một số bộ phim của các nhà làm phim trẻ VN như: “Bi, đừng sợ” của đạo diễn Phan Đăng Di, “Cánh đồng bất tận” của đạo diễn Nguyễn Quang Bình, “Trăng nơi đáy giếng” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, “Chơi vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên…
Đây là một dấu mốc đáng nhớ của điện ảnh VN bởi nó đã cho thấy, điện ảnh VN ít nhiều đã được thế giới ghi nhận và là tiền đề để những nhà làm phim Việt Nam tự tin bước vào quá trình hội nhập.
3. Tổ chức rầm rộ Ngày điện ảnh Việt Nam lần thứ I
Những ngày điện ảnh Việt Nam lần thứ I do Bộ VHTTDL, Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ và Hội Điện ảnh Việt Nam thực hiện sẽ diễn ra từ 12 – 15.3.2010.
Trong những ngày này, những bộ phim truyện, phim tài liệu Việt Nam tiêu biểu qua các thời kỳ như: “Chung một dòng sông”, “Cánh đồng hoang”, “Con chim vành khuyên”, “Lũy thép Vĩnh Linh”... được trình chiếu tại các rạp trên cả nước. Cùng với đó, các phim truyện nhựa và phim tài liệu nhựa tham gia giải Cánh diều vàng cũng được chiếu miễn phí tại rạp Ngọc Khánh, Trung tâm Chiếu phim quốc gia và Hội Điện ảnh Việt Nam.
|
Họp báo ra mắt Ngày điện ảnh Việt Nam 15.3 |
Hoạt động lớn tiếp theo là các hội thảo về điện ảnh được tổ chức. Hội thảo với chủ đề “Điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế” được tổ chức ngày 13.3, tại khách sạn Bảo Sơn (Hà Nội). Một hội thảo khác được tổ chức ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là “Khuyến khích sáng tác và trách nhiệm nghệ sĩ”.
Trong khuôn khổ những Ngày điện ảnh Việt Nam, cũng diễn ra một cuộc thi tìm hiểu lịch sử điện ảnh Việt Nam và thế giới (trên VTV3 và VTV4). Nhân dịp này, Hội Điện ảnh Việt Nam đã phát động cuộc thi sáng tác kịch bản phim “Kiều” (theo tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du) dành cho các nhà biên kịch, nhà văn, nhà báo... và những người tâm huyết với Truyện Kiều, cuộc thi kéo dài đến ngày 15.1.2011. Chương trình trọng tâm của những ngày điện ảnh là Lễ trao Giải Cánh diều 2009 và chương trình Nửa thế kỷ âm nhạc đồng hành cùng điện ảnh sẽ diễn ra vào 19h45 ngày 14.3, tại Cung Văn hóa Lao đông Hữu nghị Việt -Xô.
4. Trao giải Cánh diều vàng 2010 với nhiều bất ngờ
Giải thưởng Cánh diều vàng năm 2010 có 5 phim tài liệu nhựa, 36 phim tài liệu video, 6 phim tài liệu khoa học nhựa, 12 phim truyền hình dài tập, 10 phim hoạt hình, 3 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình và 8 phim truyện nhựa dự tranh các hạng mục khác nhau.
Lễ trao giải đã diễn ra tối ngày 14.3 tại Cung văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. Bộ phim “Đừng đốt” (chuyển thể từ cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm) của đạo diễn Đặng Nhật Minh giành chiến thắng tuyệt đối.
Bộ phim này giành giải thưởng quan trọng nhất của Hội điện ảnh cho phim nhựa xuất sắc, đồng thời chiến thắng ở 5 hạng mục khác là: Đạo diễn phim truyện nhựa xuất sắc (NSND Đặng Nhật Minh), diễn viên nữ chính xuất sắc (Minh Hương), âm thanh xuất sắc (NSƯT Bành Bắc Hải) và Họa sĩ thiết kế (NSƯT Phạm Quốc Trung) và giải Khán giả bình chọn.
|
Êkíp "Đừng đốt" nhận giải thưởng tại đêm trao giải Cánh diều vàng |
Giải thưởng Cánh diều Bạc được trao đầy bất ngờ cho phim “14 ngày phép”. Trước đó, bộ phim này bị chê tơi tả cả về diễn xuất của các diễn viên nghiệp dư lẫn đề tài cũ xoay quanh chuyện ăn chơi của các Việt kiều với tình tiết khiên cưỡng, không có cao trào, rút lui khỏi hệ thống rạp sau 14 ngày chiếu.
Giải nữ diễn viên chính trao cho Minh Hương cũng được coi là bất ngờ bởi Ngô Thanh Vân (trong “Bẫy rồng”) và Đỗ Hải Yến (trong “Chơi vơi”) vốn được coi là hai đại diện xuất sắc cho lựa chọn này. Giải nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Linh Dung (Chơi vơi) cũng khiến không ít người ngạc nhiên, bởi người bạn diễn cùng chị trong phim là diễn viên Linh Đan trước đó được nhiều người đoán chắc sẽ ẵm giải này.
Ngoài ra, “Chơi vơi” chỉ nhận được giải Khuyến khích cho phim và hai giải khác cho Quay phim xuất sắc (NSƯT Lý Thái Dũng), Nữ diễn viên phụ xuất sắc (Linh Dung) cũng là một bất ngờ khác. Chung số phận với “Chơi vơi” là “Bẫy rồng”. Tác phẩm có sự góp mặt của Ngô Thanh Vân và Johnny Trí Nguyễn, vốn được đánh giá rất cao cũng không có thêm giải phụ nào ngoài giải Khuyến khích.
5. Các dự án phim chào mừng Đại lễ nhiều chuyện lùm xum
Cùng với các hoạt động sôi nổi chào mừng Đại lễ, ngành Điện ảnh cũng cống hiến không ít các dự án phim. Có thể kể đến hàng loạt phim với đề tài vua Lý Công Uẩn như: “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”, “Khát vọng Thăng Long”, “Huyền Sử thiên đô”. Ngoài ra, một số dự án phim khác cũng được kỳ vọng như: “Long thành cầm giả ca”, “Thái sư Trần Thủ Độ”, “Tây Sơn Hào Kiệt”, “Vượt qua bến Thượng Hải”…
Nổi cộm nhất có lẽ là câu chuyện phim Việt đậm chất… Trung Hoa của bộ phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”, thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng đây là bộ phim Trung nói tiếng Việt. Vì thế, Hội đồng duyệt phim Quốc gia sau lần xem thử thứ nhất đã yêu cầu chỉnh sửa và đến lần xét duyệt thứ hai thì quyết định không phát sóng dịp Đại lễ.
“Khát vọng Thăng Long” cũng là một bộ phim có đề tài lịch sử và vướng nhiều lùm xùm. Câu chuyện kiện tụng về bản quyền tác giả giữa nhà văn Tường Vân và Công ty Kỷ Nguyên Sáng (đơn vị sản xuất phim) vẫn chưa đi vào hồi kết.
“Thái sư Trần Thủ Độ” (kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn; đạo diễn: Đào Duy Phúc) cũng gặp nhiều sự cố. Trong quá trình quay phim, sự việc Á hậu Dương Trương Thiên Lý – người đảm nhiệm vai Trần Thị Dung bỏ vai vì phải đóng cảnh nóng đã khiến dư luận quan tâm. Rồi việc biến lăng Minh Mạng - nơi thờ vua triều Nguyễn thành trường quay cũng khiến dư luận hết sức bức xúc. Bộ phim cũng ẩn chứa nhiều bí mật không được lý giải, gây hồ nghi cho khán giả.
Cùng thời điểm Thái sư Trần Thủ Độ gặp chuyện lùm xum thì có một dự án phim khác về vua Lý Công Uẩn cũng ra đời là “Chiếu dời đô”, kịch bản Triệu Tuấn. Sau khi Hoda Film chia tay với dự án phim này, bộ phim cũng long đong với rất nhiều diễn biến phức tạp. Trước đó, bộ phim “ Thái Tổ Lý Công Uẩn” cũng đã bị dừng sản xuất không chỉ bởi kinh phí quá lớn mà còn bởi kịch bản chưa đạt yêu cầu…
6. Hiện tượng “Cánh đồng bất tận”
Được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn nữ người Cà Mau Nguyễn Ngọc Tư, phim “Cánh đồng bất tận” đã không chỉ làm nên một hiện tượng phòng vé mà còn gây nhiều tranh cãi trong giới phê bình.
Bộ phim do Nguyễn Phan Quang Bình làm đạo diễn với sự góp mặt của dàn diễn viên nổi tiếng : Tăng Thanh Hà, Dusitn Nguyễn, Đỗ Hải Yến…Chỉ sau 3 ngày công chiếu, bộ phim đã đạt doanh thu kỷ lục là 3,3 tỷ đồng và nhiều rạp phải tăng thêm suất chiếu. Sau 2 tuần công chiếu, bộ phim đạt doanh thu 9.5 tỷ đồng . Đây có lẽ là bộ phim Việt đạt doanh thu đáng mơ ước nhất.
Trước khi công chiếu tại VN, bộ phim đã được gửi đi tham dự tại LHP Pusan lần thứ 15. Tuy không đạt được giải thưởng như mong muốn nhưng bộ phim cũng gây chú ý tại Hàn Quốc khi hình ảnh đoàn làm phim “Cánh đồng bất tận” lên hàng loạt báo lớn xứ Kim Chi và theo truyền thông, không ít khán giả Hàn đã khóc khi phim kết thúc.
Sau khi được công chiếu tại VN, một sự kiện bên lề cũng tốn khá nhiều giấy mực của báo giới. Đó là việc tranh cãi xung quanh các bức ảnh trên các poster phim “Cánh đồng bất tận”. Theo đó, các bức ảnh sử dụng là của nhiếp ảnh gia Đặng Minh Tùng nhưng nhà sản xuất lại đề tên nhiếp ảnh gia trên poster là Đặng Huy Hoan. Ngoài ra, truyện “Cánh đồng bất tận” cũng được cho là lập kỷ lục xuất bản với 24 lần in với 108.00 bản đến nay. Sau khi phim “Cánh đồng bất tận” được công chiếu, truyện ngắn này đã bán hết 5.000 cuốn.
7. Lỡ hẹn Oscar
Năm nay Việt Nam đã không gửi phim tham dự Oscar 2011 ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”. Đây là lần thứ 2, Điện ảnh Việt để lỡ cơ hội tham dự một giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới.
Theo đó, lý do được đưa ra là sau khi xem tất cả phim đáp ứng yêu cầu về thời gian và phương thức phát hành, Hội đồng quốc gia Tuyển chọn phim tham dự Oscar đã không chọn được phim đủ tiêu chuẩn tranh giải lần này.
Năm nay, có tới 9 phim đạt tiêu chuẩn về thời gian và kỹ thuật: Trăng nơi đáy giếng, “Chơi vơi”, “Để mai tính”, “Bẫy rồng”, “Giao lộ định mệnh”, “Nhật ký Bạch Tuyết”, “Khi yêu đừng quay đầu lại”, “Những nụ hôn rực rỡ”, “Công Chúa Teen và Ngũ Hổ Tướng” để hội đồng lựa chọn. Tuy nhiên, lại không có cái tên nào được xướng lên!
8. Điện ảnh Việt có phim 3D đầu tiên
Năm 2010 là năm phát triển rực rỡ của xu hướng làm phim 3D trên thế giới với hàng loạt các siêu phẩm như: Avatar, Alice ở xứ sở thần tiên, Kẻ trộm mặt trăng, Bí kíp luyện rồng… Trào lưu làm phim 3D đã khiến nền điện ảnh thế giới mang một diện mạo mới.
Tại Việt Nam, trào lưu này cũng khiến các nhà làm phim “đứng ngồi không yên”. Và dự án phim 3D đầu tiên đã xuất hiện mang tên “Bóng ma học đường”. Bộ phim 3D đầu tiên của Việt Nam này do Lê Bảo Trung đạo diễn (tên cũ là Hồn ma siêu quậy).
“Bóng ma học đường” được quay hoàn toàn bằng dàn máy quay 3D hiện đại bậc nhất, trị giá cả chục triệu đô la Mỹ, với sự hỗ trợ kỹ thuật của hai chuyên gia từ Digital Magic. Với bộ phim này, Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á dũng cảm khai phá công nghệ 3D, song song với Thái Lan, Inđônêsia.
“Bóng ma học đường” đánh dấu một bước tiến của điện ảnh Việt Nam bắt kịp với xu hướng làm phim 3D trên thế giới.
9. Thất thu các giải thưởng quốc tế
Năm nay, điện ảnh Việt không có nhiều các giải thưởng quốc tế dù cũng có nhiều phim đi tham dự các LHP quốc tế. Chỉ có 2 phim được xướng tên tại các LHP Quốc tế.
Phim “Đời võ” (tên tiếng Anh Martial Arts Life) được giải thưởng Vòng nguyệt quế (giải thưởng cao nhất) tại Liên hoan Điện ảnh truyền hình Thể thao quốc tế diễn ra tại Milan (Italy). Vượt hơn 400 phim tài liệu đến từ 103 quốc gia, “Đời võ” nhận giải thưởng cao nhất cho thể loại phim tài liệu về chân dung nhân vật. Phim có thời lượng 43 phút, là phim tài liệu về võ sư Ngô Bông, quê ở xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi do Đài phát thanh truyền hình Quảng Ngãi thực hiện.
Ngoài ra, bộ phim độc lập “Bi, đừng sợ” của đạo diễn Phan Đăng Di cũng nhận được một số giải thưởng quốc tế. Tại Liên hoan phim Stockholm (Thụy Điển) “Bi, đừng sợ” đoạt 2 giải thưởng “Phim đầu tay xuất sắc” và “Quay phim xuất sắc”.Ngoài ra, bộ pihm cũng nhận Giải “Kịch bản hay nhất” tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 63, Pháp; Giải “Special Mention” của Liên hoan phim Vancouver, Canada; Giải “Phim xuất sắc” tại Liên hoan phim Châu Á Hong Kong.
10. Sôi nổi các dự án làm phim ngắn độc lập
Xu hướng làm phim ngắn, độc lập cũng đã phát triển rầm rộ trong năm 2010, đặc biệt là với các đạo diễn trẻ. Nhiều dự án làm phim độc lập nhận được sự ủng hộ và tham gia của nhiều đạo diễn như: Dự án làm phim 48h, tiệc phim ngắn trực tuyến đầu tiên Yxine Film, Liên hoan phim ngắn sinh viên…
Ngoài ra, một series 6 phim ngắn mang tên “Ngọc viễn đông” của đạo diễn Cường Ngô cũng là một dấu ấn đậm nét của phim ngắn Việt trong năm 2010. Chùm phim dựa trên các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc kể về người phụ nữ Việt thông qua đời sống nội tâm của họ. “Trăng huyết”, “Thức”, “Thơ”, “Tặng phẩm”, “Thuyền”, “Thực và mộng” - sáu câu chuyện riêng biệt thể hiện cho những khát khao, ước vọng, nhiệt huyết, tâm tư tình cảm của cuộc sống.
Ngoài ra, một số bộ phim ngắn độc lập của các tác giả trẻ Việt Nam cũng sẽ được chọn để tham dự LHP ngắn Quốc tế Oberhausen lần thứ 57 của Đức.
Phim ngắn được coi là tương lai của điện ảnh. Việc phim ngắn VN năm 2010 khởi sắc hơn các năm trước khiến cho điện ảnh Việt có thêm niềm tin vào sự phát triển và bắt kịp với các xu hướng điện ảnh thế giới.
Theo Laodong.com.vn