Cập nhật: 26/05/2011 15:52:54 Article Rating
Xem cỡ chữ

Băng đĩa cùng các sáng tác mới dành riêng cho thiếu nhi vẫn đều đặn... ra lò, nhưng trong danh mục khảo sát những tác phẩm âm nhạc được các em yêu thích, phần nhiều vẫn là những sáng tác đã ra đời cách đây vài ba chục năm, và cả một số ca khúc đang thịnh hành của... các anh, các chị.

Đội ngũ những nhạc sĩ dành tâm huyết cho lứa tuổi học trò đang ngày càng ít, vẫn chỉ những tên tuổi đã quen thuộc như Phạm Tuyên, Phong Nhã, Hoàng Long, Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích, Trương Quang Lục, Vũ Hoàng... Nhiều các nhạc sĩ trẻ chưa mấy mặn mà với mảng đề tài này. Trong khi, tâm lý lứa tuổi luôn hướng các em tiếp cận với những tiết tấu mới, sôi động của thời đại. Vì thế, một bộ phận thiếu nhi và thiếu niên dễ bị lôi cuốn theo những dòng nhạc nước ngoài, dù chưa hiểu hết ca từ.

 

Giáo dục âm nhạc đã trở thành môn học chính khóa trong nhà trường phổ thông từ nhiều năm nay. Song, bên cạnh niềm vui, nhiều nhạc sĩ, nhà nghiên cứu và các bậc phụ huynh đang than phiền về chất lượng giảng dạy của môn học này. Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: bản chất của việc giáo dục âm nhạc không phải là dạy các nốt nhạc, mà là truyền tình yêu âm nhạc đến cho các em, qua đó giúp hoàn thiện thế giới tâm hồn của trẻ. Cách dạy chưa phù hợp của môn học này trong nhà trường đang biến các tiết học âm nhạc trở nên nhàm chán, đối với học sinh. Nên chăng, thay vì chỉ chú tâm dạy các nốt nhạc, chúng ta dạy các em học, hiểu về dân ca từng vùng miền, đan xen với những hiểu biết về tiết tấu âm nhạc hiện đại.

 

Trăn trở với mối lo về sự thiếu hụt những sáng tác hay cho lứa tuổi học trò, Nhạc sĩ Phạm Tuyên bày tỏ: Thế hệ chúng tôi giờ có thể không còn tiếp cận được với tâm lý của các cháu hôm nay. Rất cần sự tham gia của các nhạc sĩ trẻ, nhưng phải thật tâm huyết. Và cần sự “vào cuộc” hơn nữa của các ngành, các đoàn thể như Bộ Giáo dục- Đào tạo, Hội đồng Đội trung ương... trong việc phát động những cuộc thi sáng tác ca khúc dành cho các em. Cần chú trọng âm hưởng dân ca, đó là vốn quý của cha ông truyền lại, rất dễ truyền cảm đối với lứa tuổi nhỏ, và góp phần gìn giữ nét riêng trong mỗi tâm hồn Việt, mai này.

 

Nhiều nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc và một số nhà sư phạm thuộc trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương cũng đã đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy nhịp đi cho mảng đời sống âm nhạc có tác động tới hàng chục vạn tâm hồn nhỏ tuổi này, tại cuộc hội thảo do Hội Âm nhạc Hà Nội và trường ĐH sư phạm nghệ thuật TƯ phối hợp tổ chức, sáng nay, tại Hà Nội. Những người tham dự Hội thảo hy vọng, những tiếng nói tâm huyết của họ sẽ được lắng nghe, và may mắn hơn, sẽ có một số giải pháp được đưa vào thực tế, tránh tình trạng hội thảo xong rồi, tất cả... lại chìm vào quên lãng.

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm