Tại kỳ họp của Uỷ ban liên chính phủ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của LHQ (UNESCO) đang diễn ra tại Bali (Indonesia), UNESCO đã công nhận 12 di sản văn hoá phi vật thể mới của nhân loại.
Các di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại vừa được công nhận bao gồm 2 di sản của Nhật Bản, 2 di sản của Croatia, 2 di sản âm nhạc truyền thống của Mexico và Bồ Đào Nha, di sản thơ ứng khẩu trực tiếp của người Cypus gốc Hy Lạp, di sản tri thức truyền thống của các pháp sư ở khu vực Đông Nam Colombia, truyền thống cưỡi ngựa ở Pháp tôn vinh quan hệ hài hoà giữa người và ngựa, di sản "Đường đi của các vị vua" là lễ hội chung của 4 thành phố ở Czech kỷ niệm bữa tiệc Hạ trần của đạo Cơ đốc, lễ hội hành hương đến thánh địa của Chúa sau lễ Phục sinh ở Peru, tập quán văn hoá và biểu hiện nghệ thuật của cây đàn mộc cầm ngũ âm của các cộng đồng thiểu số ở biên giới Burkina Faso và Mali.
Hai di sản văn hoá phi vật thể của Nhật Bản được UNESCO công nhận để tôn vinh nghi thức xuống đồng trồng lúa vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 6 hàng năm của hai cộng đồng dân cư ở tỉnh Hiroshima và tôn vinh các điệu múa dành cho lễ rửa tội thiêng liêng tháng 9 hàng năm ở đến thờ Sada ở thành phố Matsue.
UNESCO cũng đã đưa di sản kinh cầu nguyện của cộng đồng bản xứ ở Peru và di sản các kỹ năng dệt truyền thống ở Các tiểu vương quốc Arập thống nhất vào danh sách các di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại phải bảo vệ khẩn cấp.
Ủy ban cũng lựa chọn 5 di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại ở Bỉ, Brazil, Hungaria và Tây Ban Nha vào danh sách các di sản phi vật thể được bảo vệ tốt nhất. Đó là chương trình bảo vệ đa dạng của các trò chơi và thể thao truyền thống ở Bỉ, bảo tồn Viện bảo tàng múa Fandango, điệu nhảy truyền thống ở Brazil, chương trình khuyến khích các sáng kiến mới cho các chính quyền địa phương ở Brazil, phương pháp dạy múa và âm nhạc dân gian ở Hungary, phục hồi tạo màu vàng chanh truyền thống ở Tây Ban Nha./.
Theo TTXVN/Vietnam+