Cập nhật: 09/05/2012 16:43:30 Article Rating
Xem cỡ chữ

Suốt trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, biết bao tác phẩm sân khấu, điệu múa, bài ca, tiếng hát... đã đóng góp sức mạnh tinh thần cho thắng lợi của cách mạng.

Các thế hệ nghệ sĩ - chiến sĩ lấy tinh thần phục vụ, sự hun đúc chí khí, tấm lòng ngợi ca và chia sẻ, với những rung cảm thật sự trong tâm hồn, đã làm nên sự đồng điệu thẩm mỹ giữa nghệ thuật cách mạng với quần chúng nhân dân, để rồi chính những bài ca, tiếng hát, điệu múa ấy đã góp sức cùng dân tộc đánh thắng quân thù...

Ngày nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nghệ thuật biểu diễn của chúng ta vẫn luôn giữ được truyền thống tốt đẹp ngày nào của những thế hệ cha anh lớp trước để rồi cùng nhau giữ vững tư tưởng - nghệ thuật, giữ vững bản sắc văn hóa đầy hào hùng. Tình hình tuy rất khác nhau, thời kháng chiến - trong chiến tranh, nghệ thuật của chúng ta chỉ hướng đến một mục tiêu: đánh thắng quân xâm lược, triệu người như một, nghệ sĩ cũng là nhân dân, luôn hừng hực khát khao yêu nước và chiến thắng! Ngày nay, bối cảnh lịch sử mới làm nghệ thuật có sự phân tán với nhiều vấn đề khác nhau phải quan tâm. Mặt khác, các sản phẩm nghệ thuật của nước ngoài tràn vào, công chúng có nhiều sự lựa chọn, vì thế ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài, nghệ thuật nước ngoài là khó tránh khỏi (trong đó có mặt rất đáng hoan nghênh, sẵn sàng đón nhận và cũng có những thứ cần ngăn chặn). Nói ngắn gọn thì, trong quá trình hội nhập, chúng ta tiếp thu nhiều cái hay, cái tiên tiến của thế giới, cần thiết cho công cuộc đổi mới rất có hiệu quả, nhưng chúng ta cũng luôn phải ý thức để giữ vững bản sắc và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Thực tế các năm gần đây cho thấy, đã và đang có sự xuất hiện của một số xu hướng chịu ảnh hưởng thái quá của phong cách biểu diễn, sáng tác của nước ngoài (nhất là từ khi mở cửa, hội nhập). Mà chúng ta đều biết - mọi sự thái quá đều không ổn. Và dường như một số nghệ sĩ đánh mất cái "tôi" của mình để làm "đệ tử" cho một thần tượng vu vơ nào đó, rồi từ đầu tóc, quần áo, điệu bộ, động tác, v.v. cũng là phải cố giống nước này, nước kia (!) Sao họ không nghĩ rằng: nghệ sĩ Việt cần có bản sắc riêng với tài năng và giá trị riêng? Bản lĩnh và sự tự tôn nghệ sĩ - cũng là sự sĩ diện nghệ sĩ cũng phải được coi trọng khi bước ra sân khấu trước nhân dân mình, trước công chúng yêu quý mình và họ chờ đón tài năng của đất nước chứ không chờ đón ai đó vào vai nghệ sĩ của nước ngoài (!).

Có một câu hỏi đang đặt ra là: tiêu chí cho một cuộc biểu diễn lớn là gì (bao gồm cả các chương trình trên các phương tiện truyền thông)? Bởi xem một số chương trình, người xem không thể không băn khoăn về quảng cáo, về lợi nhuận, hay PR cho cá nhân, đơn vị nào đó?... Và những chương trình chạy theo xu hướng ấy dễ dung túng cho váy, áo kỳ dị, hút khán giả bằng mọi cách (kể cả phản cảm, lố lăng?), rồi hát nhép, hát đớp một cách lười nhác,... đã đưa lại cảm tưởng nghệ sĩ không còn sĩ diện nghệ sĩ và không lao động nghệ thuật thật sự, hoặc có quan niệm thẩm mỹ kỳ quặc, như cho rằng hở hang mới là đẹp? Chúng tôi cho rằng, quan niệm về cái đẹp của nghệ thuật cũng như của cá nhân sẽ được đón nhận nếu nó đồng cảm với phần lớn công chúng. Nếu tất cả các nghệ sĩ đều xác định biểu diễn phục vụ công chúng thì nên tôn trọng công chúng, còn ai đó cho rằng phải giữ lấy "cái tôi", không cần biết ai thích, ai không thích... thì nên diễn ở nhà riêng! Thiết nghĩ, khi làm nghệ thuật, cái "tôi" chân chính của nghệ sĩ phải được đặt trong tương quan với quan niệm, nhu cầu của xã hội, phải đạt được sự tôn trọng lẫn nhau để giữ cho sự đa dạng nghệ thuật luôn được thống nhất một trách nhiệm với xã hội. Nghệ thuật biểu diễn bao giờ cũng là sự thống nhất giữa hai mặt: người diễn và người xem. Hai vế này đều phải đối xử bình đẳng, tôn trọng, tôn vinh nhau. Và đạt được sự đồng thuận của hai vế đó (như về thẩm mỹ, về chất lượng diễn - xem) là chương trình thành công!

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của mình, đang trình Chính phủ Nghị định về Nghệ thuật biểu diễn. Tinh thần của Nghị định này là một sự đổi mới về quản lý, đơn giản về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho hoạt động, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, sáng tạo nghệ thuật... nhưng cũng sẽ có Thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho việc quản lý được chặt chẽ. Chúng ta khuyến khích mọi hoạt động biểu diễn nghệ thuật và tổ chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn vì nhân dân, vì công chúng và sự phục vụ này phải đúng nghĩa là đem tới những "món ăn tinh thần" mà nhân dân cần chứ không phục vụ bằng những gì chúng ta có. Trong khi chờ Chính phủ phê duyệt Nghị định, ngày 16-4-2012 Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Chỉ thị số 65/CT-BVHTTDL về chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang gửi đến tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị nghệ thuật của toàn quốc để chấn chỉnh mạnh mẽ, cương quyết mọi lệch lạc, sai phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn (nhất là việc hát nhép và ăn mặc phản cảm). Thái độ quyết liệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải được quán triệt, thực thi nghiêm chỉnh tại tất cả các cơ quan quản lý về nghệ thuật biểu diễn ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ có bằng tinh thần trên dưới đồng hành, quyết tâm thì Chỉ thị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đi vào cuộc sống, trong đó việc thực thi phải nghiêm minh, kể cả trong xử phạt những sai phạm.

Nền nghệ thuật nước nhà rất cần những nghệ sĩ tài năng - bản lĩnh và cũng rất cần những nhà quản lý tâm huyết - bản lĩnh. Bản lĩnh của người quản lý và nghệ sĩ phải thống nhất - đó là bản lĩnh văn hóa Việt, nghệ thuật Việt hướng về nhân dân. Còn sự khác nhau là tâm huyết nhà quản lý và tài năng của nghệ sĩ phải được đan xen, kết hợp để định hướng, chuẩn mực sự diễn đạt nghệ thuật đẹp đẽ, chân chính, đúng với tâm hồn nghệ sĩ và tâm hồn nhân dân. Suy cho cùng, nghệ thuật phải đưa ra thông điệp, và thông điệp đó phải được đại bộ phận nhân dân - người thưởng thức - đón nhận một cách tự nguyện.

Phấn đấu cho một nền nghệ thuật đích thực luôn cần tới vai trò của những cán bộ quản lý, nghệ sĩ đích thực và một quyết tâm hành động cũng đích thực và cần triển khai từ cấp phép, kiểm duyệt đến kiểm tra. Các địa phương nên bố trí thêm nhân lực cho thanh tra, kiểm tra. Bồi dưỡng năng lực quản lý - thẩm định (chương trình, nghệ sĩ) và sự phối - kết hợp giữa Trung ương - địa phương và các địa phương với nhau. Về mức xử phạt với  các sai phạm như cố tình, có hệ thống, gây hậu quả không tốt, ảnh hưởng tới ngành, có tác dụng xấu với xã hội... đề nghị tùy mức độ nặng nhẹ mà dừng không cấp phép có thời hạn (từ ba đến sáu tháng hoặc lâu hơn) đối với nghệ sĩ, chương trình tổ chức biểu diễn, đơn vị nghệ thuật, v.v. và xử phạt này phải được phối hợp các lĩnh vực khác để thống nhất không cho hoạt động ở các lĩnh vực như: đóng phim, quảng cáo, thời trang, người mẫu, xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, kể cả hoạt động ở nước ngoài... Thiết nghĩ, nếu các nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật, công ty tổ chức biểu diễn nghiêm túc thì chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của công chúng. Tóm lại, quyết tâm lập lại trật tự trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật trước hết nghệ sĩ phải được khẳng định và được bảo vệ danh dự, uy tín, không để tình trạng "con sâu bỏ rầu nồi canh", và đem nghệ thuật đến với công chúng một cách đúng nghĩa, lành mạnh và trọn vẹn.

NSƯT, họa sĩ, đạo diễn VƯƠNG DUY BIÊNCục trưởng Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm