Cập nhật: 10/08/2012 15:25:37 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện nay, cả nước có 23.157 thư viện được phân bố khắp các tỉnh, thành phố và đến tận cấp huyện ở tận vùng sâu vùng xa.

Với mạng lưới thư viện như vậy, có thể thấy đây là loại hình có hoạt động cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực mang tính phổ biến với đối tượng thụ hưởng dịch vụ lớn và sâu rộng.

 

Tuy nhiên, đến nay loại hình này vẫn chưa thực sự thu hút đông đảo người dân. Thậm chí, có nơi, người dân quay lưng với thư viện để đến với những hình thức giải trí khác. Bởi, thực tế các thư viện chưa thay đổi cách thức hoạt động, vẫn chỉ có văn hóa đọc sách mà không có những hoạt động khác kèm theo để thu hút người đọc, vì đến nay các thư viện vẫn chưa thực sự được tự chủ về tài chính.

 

Mở rộng các dịch vụ bổ trợ

 

Hoạt động của các thư viện hiện nay chỉ dừng lại ở hoạt động đọc, mượn sách về nhà mà chưa có hoạt động nào khác kèm theo. Chính điều này gây nên sự nhàm chán cho mọi người. Đến thư viện, độc giả không chỉ muốn đọc mà còn muốn được bổ trợ thêm các dịch khác về ăn, uống hay trao đổi thông tin, tìm kiếm tư liệu trên các phương tiện khác. Nhưng, hầu hết các thư viện trong cả nước vẫn chưa đáp ứng được các dịch vụ đi kèm để phục vụ bạn đọc.

 

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ Trưởng Vụ Thư Viện, Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch, chia sẻ đã đến lúc các thư viện cần thay đổi cách thức tổ chức, đưa văn hóa đọc đến với mọi tầng lớp nhân dân. Chúng tôi từng đi nhiều nước và thấy thư viện các nước có mô hình hoạt động rất phù hợp với thực tế, cũng như đã tạo ra được mọi điều kiện thuận lợi để người dân có thể đến với thư viện. Chẳng hạn, ở Singapore, thư viện được đặt trong các siêu thị. Trong khi người mẹ đi mua sắm, người con có thể vào thư viện đọc sách và chờ mẹ.

 

Ở một nước khác, trước khi tiến hành thiết kế xây dựng thư viện, chính quyền địa phương cho người đi khảo sát nhu cầu của cộng đồng dân cư tại nơi sẽ xây dựng thư viện. Trên cơ sở đó, chính quyến địa phương đã hình thành nên thư viện theo các yêu cầu của người dân như bên cạnh các phòng đọc có không gian yên tĩnh, thư viện còn có phòng đọc tập thể - nơi người đọc có thể giao lưu, chia sẻ những thông tin đọc được trong sách; khu vực phục vụ ăn, uống để mọi người có thể thư giãn; phòng triển lãm tất cả về sách văn học, tạp chí; phòng cung cấp thông tin du lịch về địa phương đó.

 

Từ đó, có thể thấy, các nước trên thế giới xem thư viện như một trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Trong khi, chúng ta lại chỉ xem thư viện là một hoạt động của trung tâm sinh hoạt văn hóa. Ngoài ra, cũng cần xem lại địa điểm xây dựng các thư viện vì đa số các thư viện của chúng ta đều được xây ở những nơi mà người dân ngại đến.

 

Ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Thư viện tỉnh Sóc Trăng, cho biết các thư viện đều muốn thay đổi để thu hút bạn đọc. Nhưng không phải chính quyền địa phương nào cũng cho phép thư viện mở các hoạt động dịch vụ trong khuôn viên thư viện. Thậm chí có nơi, thư viện đang tiến hành xây dựng cơ sở các dịch vụ nhưng chính quyền không cho phép nên phải dừng lại. Do vậy, thư viện rất cần sự đồng tình, thống nhất giữa chính quyền địa phương với sở ban ngành, tạo ra các điều kiện thuận lợi để các thư viện có thể xây dựng các dịch vụ bổ trợ khác phục vụ bạn đọc.

 

Chủ động về tài chính

 

Như vậy, để thu hút được bạn đọc, đưa thư viện đến với người dân, thư viện cần mở rộng một số dịch vụ công ích, nâng cao phát triển hoạt động chuyên môn. Để làm được điều này, các thư viện cần được nắm quyền tự chủ về tài chính. Bởi, chỉ có tự chủ về tài chính, thư viện mới có thể tự cân đối thu chi, tiết kiệm chi phí trong các hoạt động không cần thiết, dành chi phí cho các kế hoạch hành động hữu ích khác nhằm hướng đến cộng đồng.

 

Ông Lê Tôn Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định các quy định của Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch được ban hành đã mở ra nhiều hướng hoạt động phù hợp cho thư viện như cho phép thư viện thực hiện các dịch vụ bổ trợ phù hợp hay liên kết liên doanh với các tổ chức, các chuyên gia khoa học nâng cao năng lực tổ chức hoạt động.

 

Tuy nhiên, những quy định này lại vướng đến pháp luật. Chẳng hạn, theo quy định pháp luật, tài sản của các thư viện là tài sản của Nhà nước. Luật đất đai quy định đất đai giao cho các đơn vị sự nghiệp nếu không sử dụng thì phải trả lại hoặc nếu sử dụng không đúng chức năng sẽ bị thu hồi. Do vậy, phải gỡ được nút thắt này chúng ta mới có thể giúp thư viện phát triển được, tức là phải để các thư viện có quyền tự chủ về tài chính. Điều này có nghĩa cơ chế hoạt động tài chính của các thư viện sẽ giống như một doanh nghiệp và sẽ bị chi phối bởi luật doanh nghiệp.

 

Qua đó, giám đốc các thư viện được nắm quyền thu và chi từ các hoạt động thu phí thông thường như thẻ vào thư viện, in tài liệu, phí mượn sách về nhà cho đến có thể sử dụng phần đất của thư viện để mở các dịch vụ kèm theo.

 

Ông Phạm Thế Khang, Chủ tịch Hội Thư Viện Việt Nam, cho biết không phải thư viện nào cũng có đủ thực lực nhằm đầu tư, đổi mới hoạt động đi kèm các dịch vụ hỗ trợ. Do đó, để tất cả các thư viện đều có thể thực hiện các hoạt động trên, chúng ta nên có thông tư xếp hạng các thư viện để hỗ trợ đầu tư. Đây không phải là sự xếp hạng để quy định mức lương, trách nhiệm của các thư viện mà dựa vào các xếp hạng này, các cơ quan chức năng cùng các địa phương có sự đầu tư cho phù hợp. Chẳng hạn, thư viện loại hai, ba sẽ được cấp kinh phí hỗ trợ hàng năm nhiều hơn. Với kinh phí được cấp đó cùng với sự tự chủ về tài chính, thư viện mới có thể tự lên kế hoạch mua thêm đầu sách, xây dựng hình thức càphê sách, mở triển lãm./.

 

 

Theo Lan Phương/TTXVN

Tệp đính kèm