Vừa qua, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Viễn đông Bác Cổ Pháp tổ chức triển lãm “Một vài nét về đời sống thị dân và nông dân Bắc Bộ đầu thế kỷ XX qua tranh khắc của Henri Oger”.
Triển lãm nằm trong khuôn khổ hợp tác khoa học thường niên giữa Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội và Viện Viễn đông Bác cổ Pháp đồng thời là hoạt động chào mừng 67 năm ngày Quốc khánh 2/9 và 58 năm ngày Giải phóng Thủ đô, góp phần quảng bá di sản, phục vụ đông đảo khách tham quan.
Triển lãm giới thiệu 56 pano hình vẽ của Henri Oger mô tả đời sống vật chất, tinh thần, kỹ thuật nghề của một bộ phận cư dân thành thị, tầng lớp dân buôn bán, thợ thủ công, nông dân tại Hà Nội cũng như các vùng phụ cận đầu thế kỷ XX. Đó là một bữa ăn trong gia đình, chơi đàn, chọi gà, thả chim, mua bán hàng hóa, đan thừng, hái sen, cấy lúa, thờ cúng tổ tiên, đón Tết…
Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã tạo không gian triển lãm phong phú bằng việc trưng bày thêm 71 hiện vật, 4 phim video cùng hệ thống các bài viết cùng chủ đề. Cụ thể như trưng bày kỹ thuật và nguyên phụ kiện, dụng cụ làm nón, làm giấy, làm hương, trưng bày vật dụng gia đình, trưng bày nhạc cụ dân tộc…Đặc biệt, việc trưng bày trên các chất liệu truyền thống (giấy gió, mành tre) cùng hệ thống hiện vật minh hoạ theo các chủ đề đã đưa lại cho người xem cái nhìn gần gũi, thiện cảm.
Triển lãm “Một vài nét về đời sống thị dân và nông dân Bắc Bộ đầu thế kỷ XX qua tranh khắc của Henri Oger” được trưng bày với ba nội dung chính: Đời sống vật chất: gồm ăn uống, mặc, ở, đi lại; Đời sống tinh thần của thị dân và nông dân Bắc Bộ đầu thế kỷ XX gồm: tôn giáo, tín ngưỡng, những nghi thức vòng đời, phong tục truyền thống và những hình thức vui chơi giải trí; Kỹ thuật nghề gồm: các nghề thủ công, nghề bán hàng rong và nông nghiệp.
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, TS. Philippe Le Failler, nhà nghiên cứu lịch sử Viện Viễn đông Bác cổ Pháp cho biết: Triển lãm nhằm mục đích giới thiệu tới công chúng nét văn hóa dân gian của Hà Nội qua việc lựa chọn các bức vẽ trong tác phẩm “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Oger với nội dung phản ánh đời sống vật chất, những chi tiết trong cuộc sống hàng ngày của người Hà Nội, từ cách chế biến thức ăn, đồ uống đến cách y phục, trang sức, nghệ thuật búi, vấn tóc; đời sống tinh thần phong phú với niềm tin phật giáo, phong tục thờ cúng tổ tiên, các sinh hoạt văn hóa tinh thần dân gian như đồ chơi, nhạc cụ… và thủ công mỹ nghệ cùng quy trình sản xuất là điểm nhấn trong triển lãm lần này.
Theo Vương Hà /Báo Điện Tử ĐCSVN