Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Xuất bản - In - Phát hành sách Việt Nam(10/10/1952 - 10/10/2012), từ ngày 17-21/9, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội chợ sách 2012 với sự góp mặt của hầu hết các nhà xuất bản trong nước và một số nhà xuất bản nước ngoài.
Trong khuôn khổ Hội chợ diễn ra các hoạt động: trưng bày sách; hội thảo, trao đổi kinh nghiệm xuất bản, in ấn; giao lưu với các đối tác nước ngoài, các công ty phát hành sách…với mục đích thúc đẩy ngành Xuất bản - In - Phát hành sách Việt Nam phát triển hơn nữa, dần tiệm cận với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, Hội chợ sách là dịp để cổ vũ, khơi dậy cái thú ham đọc sách của người Việt Nam, hay như lâu nay người ta thường gọi là "đánh thức văn hóa đọc".
Có lẽ trong nhiều sở thích của con người, sở thích đọc sách khiến người ta trân trọng, vị nể nhất. Đọc sách giúp ta hiểu biết về những điều từ đơn giản đến phức tạp, bình dị đến cao siêu; giúp tự tin hơn khi giao tiếp; giúp cho tâm hồn trong sáng hơn, tinh thần khỏe mạnh hơn, hướng đến những điều tốt đẹp, nhân văn. Sách mang đến cho con người nguồn sức mạnh dồi dào. Trong những năm đất nước còn chiến tranh, nhân dân còn khổ cực, bên cạnh nhiều sự trợ giúp, những cuốn sách cũng là vũ khí tinh thần sắc bén thôi thúc những chàng trai, cô gái và mọi người dân Việt Nam đứng lên ra tiền tuyến, sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh để giữ gìn non sông, đất nước. Những cuốn như Thép đã tôi thế đấy, Ruồi trâu, Đất ngoại ô, Sống như anh, Hòn đất…đã ở trong ba lô, cháy trong trái tim của rất nhiều người lính. Rồi khi đất nước thống nhất, dù đời sống vẫn còn khó khăn, người người không vì thiếu miếng cơm manh áo mà quên đi việc đọc sách.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, chuyện ăn mặc đã không còn là nỗi lo chính, thế nhưng cái thú đọc sách bỗng dưng "nhạt" dần đi, đặc biệt khi cả thế giới cùng kết nối mạng internet. Điều này cũng dễ hiểu, bởi khi xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu tiện ích, nhanh chóng của con người phải được đặt lên hàng đầu. Muốn tìm tư liệu, muốn trích dẫn, muốn biết vấn đề nào đó, chỉ cần vào mạng internet, với một cú nhấp chuột, mọi thứ đã hiển hiện; chứ ai còn mất thời gian tra từng dòng, đánh dấu từng chữ trong những cuốn sách dày hàng trăm trang. Nhưng tiện ích quá cũng khiến cho con người ta trở nên lười nhác, thiếu đi sự tìm tòi, khám phá. Nhưng chính tiện ích dẫn đến sự hao hụt kiến thức của nhiều người, hiện tượng này, thời gian gần đây xuất hiện nhiều ở người trẻ. Thật khó tin khi nhiều sinh viên, trong suốt những năm học đại học, không đọc hết những cuốn sách chuyên ngành cơ bản. Và, càng không thể chấp nhận được, khi có sinh viên học khoa văn, không đọc trọn vẹn những cuốn sách như: Lịch sử văn học Việt Nam, Lịch sử văn học thế giới… Thực tế chứng minh rằng, yếu tố thành công của mỗi con người, bên cạnh sự thông minh, may mắn, việc tìm tòi, ham hiểu biết là không thể thiếu. Sách chính là công cụ hữu ích đối với họ.
Đến những nước phát triển, chúng ta dễ nhận thấy nhu cầu cuộc sống đối với họ được đáp ứng gần như tối ưu. Nhưng khi vào thư viện, các hiệu sách… và chứng kiến người ta đọc sách, mới nhận ra một điều không hề mới và càng không bao giờ cũ, khi xã hội càng phát triển, con người càng phải trang bị cho mình vốn kiến thức nhiều hơn, đa dạng hơn. Như một nhà văn Nga từng nói: "Thế giới vô cùng vĩ đại. Cặp mắt của bạn chỉ thấy được một phần nhỏ bé không đáng kể. Bởi vậy bạn hãy tìm lấy các sự kiện ở trong sách. Hãy tích lũy đều đặn hàng ngày các sự kiện ấy"./.
Theo Quý Vũ/ĐCSVN