Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Văn Thủy thừa nhận mùa lễ hội 2012 còn tồn tại nhiều bất cập trong tổ chức và quản lý, vẫn để xảy ra những hiện tượng làm xói mòn giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống như đánh bạc, mê tín dị đoan.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến ba miền tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013 do Bộ chủ trì tổ chức, diễn ra ngày 18/1.
Cá biệt, theo ông Thủy, có những hiện tượng gây bất bình trong dư luận như các liền anh liền chị vừa hát quan họ vừa ngả nón xin tiền ở Hội Lim, dâng và đốt nhiều đồ mã gây tốn kém, ô nhiễm môi trường ở lễ hội Bà Chúa Kho...
Đặc biệt, ông Thủy chỉ rõ công tác quản lý tài chính và nguồn thu từ lễ hội cũng như hoạt động tại di tích của một số địa phương còn buông lỏng, tạo điều kiện thu lời cho một số cá nhân, chưa khai thác hiệu quả và đầu tư trở lại cho di tích tương ứng với nguồn công đức của nhân dân…
Để khắc phục thực trạng này, trong mùa lễ hội 2013, lãnh đạo Bộ chỉ đạo kiên quyết thực hiện giảm quy mô, tần suất tổ chức lễ hội để thực hành tiết kiệm phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước và từng địa phương; sắp xếp hợp lý hòm công đức, hạn chế đốt vàng mã, không đốt đồ mã; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm kịp thời các hiện tượng tiêu cực để lễ hội phát triển lành mạnh, đúng hướng…
Cũng tại hội nghị, Thứ Trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, Bộ Trưởng Hoàng Tuấn Anh cùng năm Thứ trưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chia ra năm mũi “tiến công” để kiểm tra, đôn đốc tình hình tổ chức thực hiện mùa lễ hội năm 2013.
Trước đó, trong mùa lễ hội 2012, theo Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Xuân Phút cho hay có hơn 48 triệu lượt người tham gia lễ hội; số tiền thu từ công đức, giọt dầu, tiền lễ ước đạt 297,801 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động lễ hội hơn 21 tỷ đồng tập trung tại các tỉnh Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định./.
Theo thống kế, trên toàn quốc năm 2012 có tới 7.966 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian là chiếm 88,36%; Lễ hội Tôn giáo chiếm 6,82%; Lễ hội Lịch sử cách mạng chiếm 4,16%; Lễ hội du nhập từ nước ngoài 10 chiếm 0,12% và còn lại là các lễ hội khác.
Địa phương có nhiều lễ hội nhất là thành phố Hà Nội với 1.095 lễ hội và tỉnh Lai Châu ít nhất chỉ có 17 lễ hội.
Theo Vietnam+