Hài hòa giữa lợi ích về kinh tế và bảo tồn văn hóa truyền thống là một thách thức lớn đối với nghề dệt thủ công truyền thống hiện nay. Ý kiến của các nhà nghiên cứu tham dự hội thảo Nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ IV tổ chức ngày 17.3 tại Thái Nguyên cho rằng, điều quan trọng là phát huy những ưu thế, hạn chế mặt tiêu cực mà sự chuyển đổi kinh tế và phát triển du lịch tác động tới, để giữ được sắc thái văn hóa đặc trưng của địa phương, tộc người.
Dệt may truyền thống là một trong những nghề thủ công lâu đời, có vai trò quan trọng trong đời sống người dân các dân tộc thiểu số nước ta nói riêng và khu vực ASEAN nói chung. Nghề dệt may tạo nên văn hóa mặc - một trong ba thành tố chính của văn hóa vật chất. Sản phẩm của nghề dệt cũng là dấu hiệu dễ nhận biết nhất về một tộc người, để phân biệt giữa tộc người này với tộc người khác. Không những thế, sản phẩm dệt còn chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần độc đáo của tộc người đó, là lễ vật không thể thiếu trong các nghi lễ, phong tục, tập quán của họ. Tuy nhiên, khi dệt may hiện đại xuất hiện và phát triển mạnh mẽ, nghề dệt may truyền thống dần dần bị lép vế do sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự chuyển đổi về thị hiếu của giới trẻ trong các cộng đồng tộc người và bởi các chính sách kinh tế, văn hóa của quốc gia. Thực tại đó đặt ra cho nghề dệt may truyền thống những thách thức không nhỏ về sự tồn tại và phát huy vai trò của nó trong xã hội hiện đại.
Nghiên cứu nghề dệt thổ cẩm truyền thống của các dân tộc ở Mai Châu, Hòa Bình, nhà nghiên cứu Trần Thị Mai Lan, Viện Dân tộc học Việt Nam cho biết, người Thái Mai Châu đã sử dụng sợi dệt công nghiệp thay thế cho sợi dệt truyền thống bằng vải bông tự chế biến. Chất nhuộm truyền thống từ tự nhiên được thay thế bằng chất nhuộm công nghiệp. Mẫu mã hoa văn trên những tấm vải được cải tiến để phù hợp với việc may những mặt hàng mới… Sự biến đổi này nhằm đạt được năng suất lao động cao hơn, rút ngắn quy trình lao động thủ công và có thể tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn. Tuy nhiên, những cải tiến, đổi mới trong sản xuất để phù hợp với thị trường đó đã khiến những yếu tố văn hóa truyền thống liên quan đến nghề dệt thủ công bị mai một. Ý nghĩa văn hóa của nghề dệt may trong đời sống của người Thái Mai Châu vì vậy cũng không còn sâu sắc như xưa. Một số phong tục truyền thống liên quan đến nghề dệt của họ nay dần mờ nhạt theo thời gian. Hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo tồn văn hóa truyền thống là một thách thức lớn đối với nghề dệt thủ công hiện nay. Điều cần thiết là phát huy được hết ưu thế và hạn chế những mặt tiêu cực, để có thể vừa phát triển kinh tế mà vẫn giữ được sắc thái văn hóa đặc trưng của địa phương và tộc người.
Đồng quan điểm, ThS Bùi Minh Thuận (Đại học Vinh) cho rằng, khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống phải giải quyết cùng lúc vấn đề tăng trưởng kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người. Các sản phẩm phải phù hợp với đời sống xã hội hiện nay, sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ, có chính sách hỗ trợ gắn liền với tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, gắn làng nghề với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch. Sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn phát triển ra các vùng miền trên cả nước và vươn ra thị trường nước ngoài. Muốn thế, sản phẩm làm ra phải có thương hiệu làng nghề. Đó là những điều kiện cần thiết để phát triển nghề và làng nghề, góp phần bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Theo ông Barooah Neera, khoa Dệt may và Công nghệ thời trang, Trường ĐH Mumbai (Ấn Độ), nghề dệt may và kỹ thuật dệt đã trải qua những thay đổi to lớn qua từng giai đoạn khác nhau. Sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm nhập khẩu giá rẻ là mối đe dọa cho sự tồn tại của nghề truyền thống này, dẫn đến sự suy giảm trong sản xuất, cũng như sử dụng các mẫu thiết kế và họa tiết truyền thống. Tập trung hướng tới xu hướng đương đại, đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị sản phẩm, sử dụng nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường giúp nâng cao doanh thu là việc làm hữu hiệu nhất để chống lại các mối đe dọa. Phổ biến kiến thức, kỹ năng nghề dệt cho thế hệ trẻ bằng những miêu tả sống động cùng với việc thuyết phục họ rằng đây là một trong những nghề hấp dẫn và hiện đại nhất, sẽ giúp duy trì được nghề dệt truyền thống.
Từ những nhận định, phân tích đánh giá về nghề dệt may Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, PGs, Ts Lê Ngọc Thắng bày tỏ sự tin tưởng: trong xã hội hiện đại, nghề dệt may sẽ phát triển không ngừng và kéo theo đó những ngành nghề liên quan khác (công nghiệp thời trang, thẩm mỹ công nghiệp…) với sự đa dạng về chất liệu, kỹ thuật, mỹ thuật… dệt, may. Song dù thế nào chăng nữa thì tính sáng tạo của nghề dệt may truyền thống - sản phẩm của văn minh tiền công nghiệp ở từng tộc người, quốc gia, khu vực trên thế giới vẫn là một kho vốn kỹ thuật, mỹ thuật vô giá, là hành trang không thể thiếu để bước vào tương lai. Phủ định các giá trị truyền thống của nghề dệt may sẽ tạo ra sự phát triển không đúng hướng, méo mó trong tư duy và lối sống của một xã hội tiêu dùng mà hàm lượng văn hóa và giá trị nhân bản thấp.
Theo Cao Sơn/Báo điện tử ĐBND