Cập nhật: 11/04/2013 15:26:20 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo dự thảo Nghị định do Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, để được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”, nghệ sĩ được xét phải có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 15 năm trở lên, đồng thời, phải có ít nhất 2 Giải Vàng quốc gia.

Dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” ghi rõ, để được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân”, nghệ sĩ được xét tặng phải đạt những tiêu chuẩn như: Trung thành với Tổ quốc Việt Nam XHCN; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; có nhiều cống hiến to lớn cho nghệ thuật nước nhà và sự nghiệp cách mạng của đất nước, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ.

 

Ngoài các điều kiện trên, để được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”, nghệ sĩ được xét phải có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên. Đồng thời, phải có ít nhất 2 Giải Vàng quốc gia, trong đó có ít nhất 1 Giải Vàng trong thời gian 5 năm, tính đến ngày nộp hồ sơ ở Hội đồng cấp cơ sở.

 

“Nghệ sĩ nhân dân” phải hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên

 

Để được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, nghệ sĩ được xét phải có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa thời gian hoạt động từ 15 năm trở lên; đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm nộp hồ sơ tại Hội đồng cấp cơ sở.

 

Đồng thời, có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia tính từ thời điểm nộp hồ sơ tại Hội đồng cấp cơ sở của đợt xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” trước đó và được phong tặng, đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” tại Hội đồng cấp cơ sở của đợt xét hiện tại, trong đó có ít nhất 1 Giải Vàng trong thời gian 5 năm, tính đến ngày nộp hồ sơ ở Hội đồng cấp cơ sở.

 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, các giải Vàng trong nước hoặc quốc tế khác sẽ được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định.

 

Bên cạnh đó, thành tích của tác phẩm nghệ thuật sẽ được vận dụng để tính thành tích cho cá nhân tham gia xét tặng các danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân”.

 

Đặc cách tài năng đặc biệt xuất sắc

 

Theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cá nhân có tài năng đặc biệt xuất sắc, đoạt giải thưởng cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp đặc biệt uy tín của quốc tế hoặc có thành tích nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, đạt nhiều giải Vàng quốc gia được đặc cách xét phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.

 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, việc xét và phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” và “Nghệ sĩ ưu tú” thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ văn nghệ sĩ; động viên, khuyến khích sức sáng tạo và lao động nghệ thuật, bồi dưỡng tài năng, rèn luyện phẩm chất và cống hiến hết mình cho sự nghiệp nghệ thuật cách mạng, phục vụ tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (trước đây là Bộ Văn hoá - Thông tin) đã tổ chức 7 đợt xét và trình phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”. Tổng cộng có 266 cá nhân đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” và 1.934 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”.

Mời bạn đọc xem toàn văn và góp ý dự thảo tại đây.

 

 

Theo Thanh Hoài/Chinhphu.vn

 

Tệp đính kèm