Cập nhật: 27/04/2013 07:57:50 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, rừng mất, nương rẫy cùng với không gian sinh tồn buôn làng không còn và sự phát triển nhanh chóng của tín ngưỡng khác là những nguyên nhân làm mai một âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên.

Chỉ là âm nhạc trình diễn

 

Theo Sở VHTTDL Đăk Lăk, trong những năm gần đây, do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, của văn hóa và lối sống hiện đại, nên văn hóa lễ hội truyền thống, không gian văn hóa cồng chiêng (như không gian nhà dài, bến nước, nương rẫy, nhà mồ, không gian rừng…) đang bị mất dần trong đời sống cộng đồng các dân tộc bản địa.

 

“Chính vì vậy, hiện nay chúng ta chỉ còn thấy âm nhạc cồng chiêng được trình diễn tại các lễ hội, các điểm du lịch, các chương trình văn hóa văn nghệ dân gian được dàn dựng theo kịch bản. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến không gian văn hóa cồng chiêng của Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp” ông Phạm Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đăk Lăk lo lắng.

 

Bên cạnh đó, việc thay đổi phương thức sản xuất kéo theo những biến đổi trong nếp sống, sinh hoạt của người dân đã tác động tiêu cực đến việc lưu giữ các nhạc cụ. Nhiều gia đình đã mang bán đi những bộ cồng chiêng quý để lấy vốn sản xuất và giải quyết đời sống khó khăn của mình.

 

Một vấn đề khác là công tác kiểm tra, quản lý các hoạt động văn hóa cồng chiêng vẫn chưa thấu đáo; công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu được giá trị văn hóa cồng chiêng để cùng nhau gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng chưa thực sự được quan tâm đúng mức, đã làm “chảy máu” cồng chiêng trong thời gian qua. Do vậy, việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa cồng chiêng trong bối cảnh hiện nay là việc làm cấp bách.

 

Để cồng chiêng sống cùng buôn làng

 

Theo các nhà khoa học, Tây Nguyên là nơi duy trì nhiều giá trị văn hóa đặc hữu, không dễ còn thấy ở các nơi khác, vì vậy để tránh nguy cơ đứt gãy văn hóa cồng chiêng, các địa phương cần quan tâm tuyên truyền đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với thể hệ trẻ, nhận thức một cách sâu sắc về văn hóa cồng chiêng, giúp đồng bào ý thức được công tác bảo vệ di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

 

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu khoa học về cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên một cách có hệ thống; tăng cường sưu tầm, ghi chép những bài chiêng, những sinh hoạt văn hóa, âm nhạc gắn bó với cồng chiêng; phát chương trình âm nhạc cồng chiêng trên loa truyền thanh buôn làng và lưu giữ giá trị văn hóa này tại bảo tàng, sách báo, phim ảnh, video…

 

Xây dựng kế hoạch dài hạn cho việc phục hồi, bảo tồn và phát huy di sản cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Trong đó cần chú trọng công tác đào tạo trong các trường nghệ thuật, trường phổ thông về cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

 

Bên cạnh đó, cần phục dựng các lễ hội gắn với vòng đời người và vòng đời cây nông nghiệp ở các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ để tạo môi trường diễn xướng của cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Điều quan trọng là làm cho văn hóa cồng chiêng sống cùng buôn làng, trong đời sống thường nhật và trong các nghi lễ truyền thống như lễ cúng rừng, lễ cơm mới, lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mã…

 

Hoạt động tăng cường hợp tác, giao lưu văn hóa để quảng bá cồng chiêng trong phạm vi quốc gia và quốc tế cũng là việc làm cần thiết nhằm xây dựng các chương trình nghiên cứu và phục hồi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

 

 

 

Theo Thế Phong-Lưu Hương/chinhphu.vn

Tệp đính kèm