Là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo, một sáng tạo đặc biệt của người Việt, song trong những năm qua múa rối nước phải khó khăn tìm hướng để duy trì trong nhịp sống đang ngày càng sôi động của xã hội.
Ở Hải Phòng, múa rối nước cũng có chung hoàn cảnh như vậy. Tuy nhiên, gác lại những lo toan, trong những ngày sôi động của Tuần văn hóa – thể thao – du lịch Đồng bằng sông Hồng đang diễn ra tại thành phố Cảng vào những ngày tháng 5 này, những nghệ sỹ múa rối nước của Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng đang thực sự được sống với những khoảnh khắc thăng hoa, đắm say với nghề...
Mấy ngày nay, cứ vào mỗi buổi tối khi chương trình múa rối nước bắt đầu biểu diễn, khu vực bờ hồ Tam Bạc trung tâm thành phố Hải Phòng lại đông kín người. Mặc dù 20 giờ chương trình biểu diễn múa rối nước mới bắt đầu, nhưng trước đó lượng người đổ về xem đã chật kín hai bên bờ hồ Tam Bạc. Người đến xem ở đủ mọi lứa tuổi, nhưng tất cả đều có chung một cảm xúc phấn khích và thích thú.
Tạm quên đi không khí oi ả của những ngày đầu hè, gạt đi những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, hàng nghìn người vẫn chen chân nhau để có được một vị trí đẹp thưởng thức đêm diễn.
Với bàn tay thao tác khéo léo của những người nghệ sỹ, những con rối gỗ tái hiện tinh tế hình ảnh chú Tễu hay vợ chồng lão nông cấy lúa, đánh cáo, đàn vịt tung tăng bơi lội, cặp rồng phun nước, phun lửa... đầy sống động và mang đậm nét văn hoá Việt. Những tiết mục múa rối nước cùng hệ thống âm thanh ánh sáng hiện đại, hoành tráng đã thực sự làm mãn nhãn người xem, mang đến cho người xem nhiều trải nghiệm mới lạ, đa cung bậc.
Chị Thanh Hoa, trú tại số 6 đường Cát Dài, quận Lê Chân cho biết, lâu lắm rồi chị mới được xem múa rối. Cảm giác rất lạ và thích thú. Nếu những buổi biểu diễn như thế này được duy trì chị Hoa tin sẽ thu hút được rất nhiều khách thăm quan và nhân dân thành phố đến xem.
Nghệ sỹ ưu tú Ngô Kim Loan, Trưởng đoàn múa rối Hải Phòng tâm sự: Được đóng góp cùng thành phố tổ chức một sự kiện lớn như Tuần văn hóa – thể thao – du lịch Đồng bằng sông Hồng, anh chị em nghệ sỹ trong đoàn rất vui. Cùng với đó được bà con ủng hộ, cổ vũ, các nghệ sỹ thật sự được sống trọn với cảm xúc yêu nghề. Tuy nhiên, để có những màn trình diễn đậm chất nghệ thuật dân gian đó, gần 30 nghệ sỹ của đoàn múa rối Hải Phòng đã phải công phu chuẩn bị và nỗ lực trong từng phần việc của mình. Ở mỗi đêm diễn kéo dài 60 phút là ngần ấy quãng thời gian các nghệ sỹ lao động liên tục với một nửa cơ thể phải ngâm trong làn nước lạnh của hồ.
Không chỉ có vậy, việc xây nhà Thủy Đỉnh biểu diễn giữa hồ nhằm mục đích mang lại một sân khấu đẹp, không gian mở tạo sự hưng phấn, thích thú cho người xem lại là một mối nguy hiểm thường trực đối với mỗi nghệ sỹ múa rối. Bởi hồ Tam Bạc có độ sâu gần 3 mét, việc di chuyển, biểu diễn trên mặt nước trong đêm tối luôn đặt người nghệ sỹ trước ẩn họa bị đuối nước. Để tránh nguy hiểm, đoàn đã mượn được một số áo phao cho các nghệ sỹ mặc khi biểu diễn trên nhà Thủy Đình.
Mỗi khi nhắc đến những khó khăn của đoàn, chị Loan luôn trăn trở, bình quân mỗi tháng đoàn tổ chức biểu diễn trên 10 buổi. Hiện số buổi diễn không được bảo đảm, nên thu nhập của anh chị em nghệ sỹ trong đoàn cũng bấp bênh. Thêm nữa, hiện có một số quy chế còn chưa khuyến khích được nghệ sỹ như quy định bồi dưỡng cho từng đêm diễn. Hiện theo quy định, nếu xếp loại cao nhất là loại A, mỗi người cũng chỉ được 50.000 đồng/đêm.
Được thành lập năm 1968, chuẩn bị kỷ niệm tròn 45 tuổi, đoàn múa rối Hải Phòng đã trở thành một phần trong dòng chảy lịch sử văn hóa của thành phố Cảng. Vượt qua những thăng trầm của cuộc sống, mỗi nghệ sỹ đang ngày ngày nỗ lực gìn giữ một trong những bộ môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc đã được bạn bè thế giới công nhận. Dù qua mỗi đêm diễn không mang về cho đoàn thu nhập nhiều, nhưng với sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả dường như mỗi người nghệ sỹ đang được tiếp thêm nhiệt huyết để đắm say, thăng hoa với nghề./.
Theo vietnamplus.vn