Cập nhật: 31/05/2013 14:12:21 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chùa Dơi được biết đến bởi ở đây hàng ngàn con dơi trú ngụ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đàn dơi thưa thớt dần…

Chùa Mã Tộc hay chùa Mahatuc, còn gọi là chùa Dơi, nằm cách trung tâm thành phố Sóc Trăng gần 3km. Đây là ngôi chùa của đồng bào Khmer, có kiến trúc, hoa văn đặc sắc và là một trong những ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Sóc Trăng.

 

Chùa Mahatup vốn được biết đến nhiều hơn với tên gọi Chùa Dơi vì ở đây có sự trú ngụ của hàng ngàn con dơi. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đàn dơi thưa thớt dần.

 

Chùa Dơi nằm giữa một không gian cây xanh rộng lớn. Mái chùa gồm hai tầng lớp ngói mầu, trên mái còn bố trí nhiều tháp nhỏ. Đầu mái phía đầu hồi được chạm trổ tinh xảo hình rắn Na-ga uốn lượn.

 

Hành lang bao quanh chùa được thiết kế một hàng cột với các tượng tiên nữ chắp tay trước ngực.

 

Gian chính điện chùa có đặt một pho tượng Phật Thích Ca bằng đá, ngự trên tòa sen cao khoảng hai mét.

 

Xung quanh là những bức tường trang trí các tác phẩm tranh vẽ sinh động, miêu tả cuộc đời Đức Phật.

Trong khuôn viên chùa còn có nhiều bảo tháp chứa di hài, nơi thờ cúng các nhà sư quá cố.

 

Điều đặc biệt, ngôi chùa còn lưu giữ nhiều bộ kinh luật viết trên lá cây thốt nốt. Đại đức Lâm Tú Linh-Phó trụ trì chùa Dơi cho biết: Chùa Dơi cũng như các ngôi chùa khác ở Sóc Trăng mang đậm giá trị truyền thống của người Khmer. Chùa là nơi trung tâm để các sư tu học, là nơi để người Khmer tập trung trong các ngày Lễ như: Tết Chol Chnam khơ-mây, Lễ Đôn-ta…

 

Bất cứ du khách nào khi đến chùa Dơi đều ấn tượng với lối kiến trúc và màu sắc trang trí khá cầu kỳ của ngôi chùa.

 

Một du khách người Pháp nói: “Tôi cũng đi thăm khá nhiều ngôi chùa ở Việt Nam và nhận thấy lối kiến trúc của các ngôi chùa phía Nam khác nhiều so với các ngôi chùa phía Bắc, mà đặc trưng nhất là ngôi chùa này. Tôi thật sự ấn tượng với ngôi chùa này, nó tiêu biểu cho giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc của một miền quê Việt Nam”.

 

Chùa Dơi được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16 và đã được trùng tu nhiều lần, gần đây nhất là lần trùng tu từ năm 2007 đến 2009 sau khi xảy ra hỏa hoạn làm cháy gian chính điện năm 2007.

 

Ngôi chùa hấp dẫn du khách không chỉ bởi kiến trúc độc đáo, mà du khách đến chùa Dơi mong muốn được tận mắt nhìn thấy đàn dơi lạ. Chỉ cách đây vài năm, tại khu di tích chùa Dơi, người dân không thể đếm hết dơi - những báu vật trên cây ở ngôi chùa.

 

Theo Đại đức Lâm Tú Linh-Phó trụ trì chùa Dơi, trước đây, hàng ngày có hàng vạn con dơi về chùa trú ngụ. Dơi chủ yếu là loài dơi quạ, dơi ngựa, mỗi con trưởng thành sải cánh dài khoảng 1m và nặng khoảng 1,5 kg.

 

Khi hoàng hôn buông xuống thì đàn dơi mới bắt đầu thức dậy và bay đi kiếm ăn, để rồi lại trở về chùa vào 4 giờ sáng hôm sau. Ban ngày, dơi thường treo mình ngủ trên các cành cây trong vườn chùa.

 

Thời gian gần đây, do bị người dân địa phương săn bắt cùng với môi trường ồn ào vì khách du lịch ngày càng đông nên lượng dơi tại chùa đã vơi dần, không còn nhiều như trước nữa.

 

Đại đức Lâm Tú Linh ngậm ngùi: “Trước kia chùa có chim, cò, vạc, dơi nhiều lắm. Sau này cò vạc đi hết chỉ còn lại dơi đến bây giờ. Giống dơi sinh sản một năm có một đợt, mỗi đợt có một con. Du khách biết ngôi chùa có dơi lạ, họ đến đông. Đến đông dơi hoảng sợ bay đi mất. Trong khi đó, Dơi đi ăn đêm bị người ta bắt, dơi là loài bay nên nhà chùa không có biện pháp gì để bảo vệ”.

 

Cũng theo Đại đức Lâm Tú Linh, một lý do khác mà Dơi biến mất nhiều do người ta tìm đủ mọi cách để săn bắt. Chùa Dơi được công nhận di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1999. Cũng từ năm đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành quyết định nghiêm cấm săn bắt, tiêu thụ dơi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, một số người vẫn lén lút săn bắt dơi. Giá 1 con dơi ngựa lớn lên tới hàng triệu đồng. Thực tế đã hình thành đường dây ngầm cung cấp dơi cho các nhà hàng, quán ăn và khách có nhu cầu trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng. Một số người coi đây là món đặc sản để giới thiệu với khách quý.

 

Nếu không có các biện pháp bảo vệ hữu hiệu, tương lai không xa đàn dơi ở chùa Dơi Sóc Trăng sẽ không còn nữa. Và cái tên chùa Dơi có còn ý nghĩa nữa không?/.

 

 

 

Theo Đặng Bùi/VOV online

 

Tệp đính kèm