Cập nhật: 16/03/2009 22:27:34 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhức đầu không chỉ gây khó chịu về mặt cảm giác mà còn liên quan đến vấn đề tình cảm, tâm lý. Thực chất, nhức đầu là triệu chứng của rất nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm nguyên nhân tại chỗ, toàn thân hoặc do các bệnh lý trong sọ não hoặc do nguyên nhân tâm lý.

Nguyên nhân

 

- Các bệnh lý sọ não: Như bị u não, viêm màng não, co thắt mạch máu não đưa đến nhức nửa đầu.

 

- Nguyên nhân tại chỗ: Bao gồm các bệnh tai - mũi - họng như viêm các xoang, viêm tai..., bệnh vùng răng hàm mặt như sâu răng, viêm xương, tuỷ răng, hàm, lệch khớp cắn, ... hay các bệnh về mắt như các rối loạn khúc xạ, các bệnh xương khớp đặc biệt là thoái hóa đốt sống cổ.

 

- Nguyên nhân toàn thân: Gồm rất nhiều bệnh nội khoa, bệnh tăng huyết áp, các bệnh đường tiêu hoá, thậm chí cả do chứng táo bón. Nguyên nhân nhiễm trùng như nhiễm cúm, viêm phổi, sốt rét... hoặc ngộ độc như ngộ độc rượu, ngộ độc thuốc, ngộ độc thức ăn...

 

Ngoài các nguyên thực thể, nhức đầu có thể xuất phát từ những nguyên nhân tâm lý. Làm việc quá căng thẳng, những rắc rối về tình cảm, những tình huống bức bách trong các mối quan hệ xã hội đều có thể dẫn đến nhức đầu đó là chưa nói đến còn có loại nhức đầu mà không xác định được nguyên nhân.

 

Thuốc điều trị

 

Các thuốc thông thường được sử dụng chủ yếu là các thuốc giảm đau chống viêm không steroid (thuốc giảm đau nhóm NAID). Ngay cả trong nhóm này, người bệnh cũng chỉ nên dùng thuốc giảm đau bậc 1 được đề xuất bởi Tổ chức Y tế thế giới. Điển hình và phổ biến của nhóm này là thuốc paracetamol (còn có tên acetaminophen), aspirin hoặc một thuốc chống viêm không steroid (viết tắt NSAID) để trị nhức đầu.

 

Cần sử dụng thuốc giảm đau đúng liều lượng. Như đối với người lớn, liều thông thường của paracetamol không nên quá 3g/ngày (mỗi lần 500-1.000mg, 3 lần/ngày). Riêng đối với người cao tuổi nên dùng liều thấp hơn do chức năng gan kém. Thời gian dùng paracetamol không quá 10 ngày ở người lớn hoặc quá 5 ngày ở trẻ em, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn. Tuy nhiên, uống Acetaminophen liều cao trong thời gian dài có thể gây hư gan, hư thận. Uống liều trên 15g có thể gây tử vong do hư gan không hồi phục và tuyệt đối tránh uống Acetaminophen khi uống rượu vì dễ gây tổn thương gan.

 

Aspirin là thuốc có thể gây rối loạn tiêu hóa như ăn không tiêu, loét và có thể gây chảy máu dạ dày tuy hiện nay trên thị trường đã có loại aspirin được bào chế ở dạng viên bao phim hạn chế sự tiếp xúc của thuốc với niêm mạc dạ dày nhưng vẫn không loại bỏ hết nguy cơ gây tác dụng phụ trên dạ dày và khả năng hấp thụ lại kém, đặc biệt là uống lúc ăn no. Cần lưu ý aspirin có thể gây chảy máu, do đó nên tránh dùng cho những người có rối loạn máu hoặc bị bệnh huyết áp; không chung với các thuốc kháng đông có thể gây chảy máu chết người, không dùng cho người có bệnh suyễn, người chuẩn bị phẫu thuật hoặc trẻ em dưới 15 tuổi đang bị cúm có thể gây nguy hiểm chết người (hội chứng Reye). Chính vì vậy khi sử dụng thuốc giảm đau, người bệnh cũng phải theo đơn của bác sĩ.

 

 

 

TheoDược sĩ Nhật Hà– SK&ĐS

Tệp đính kèm