Những bệnh nhân uống nhiều hơn 6 lon cola/ngày có các triệu chứng như lờ đờ, nôn mửa và loạn nhịp tim. Uống một lượng lớn cola có thể dẫn đến các vấn đề về cơ và gây rối loạn nhịp tim cũng như loãng xương, theo các nhà nghiên cứu Hy Lạp.
Những fan hâm mộ cola gặp các vấn đề về sức khoẻ như sâu răng, tiểu đường, loãng xương, đang tăng nhanh cùng với xu hướng “tăng kích cỡ sản phẩm” của ngành công nghiệp thực phẩm. Các bác sĩ ngày càng phải đón tiếp nhiều những bệnh nhân bị chứng hypokalaemia (nồng độ kali trong máu ở mức quá thấp. Khi kali trong máu xuống quá thấp sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn cơ, nhịp tim bất thường).
“Chúng ta hiện uống nhiều nước có ga hơn cha ông trước đây và kéo theo đó là gia tăng các bệnh về răng, sự khử khoáng, chứng rối loạn chuyển hoá và tiểu đường. Ngoài ra, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy uống quá nhiều cola có thể dẫn tới chứng hypokalaemia”, TS Moses Elisaf, ĐH Ioannina (Hy Lạp), trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh.
Nghiên cứu của ông được đăng tải trên tạp chí Clinical Practice. Trong đó mô tả chi tiết những vấn đề gặp phải ở những bệnh nhân uống từ 2 lít cola/ngày trở lên. Ví như một bà bầu 21 tuổi đến viện vì cảm thấy quá mệt mỏi, mất cảm giác thèm ăn và luôn buồn nôn. Khi thăm khám mới biết, bệnh nhân này uống hơn 3 lít cola/ngày từ 6 năm trước đó và khi có thai, chứng hypokalaemia mới bộc lộ nghiêm trọng và ảnh hưởng tới cả nhịp tim. Quá trình điều trị cho bệnh nhân này chỉ là “cai” hẳn cola và uống kali bổ sung.
Một thai phụ khác uống 6 - 7 lít cola/ngày cũng có các biểu hiện tương tự và cũng chỉ cần ngừng uống cola là bình phục.
Nghiên cứu cũng cho thấy những người uống 2 - 9 lít cola/ngày sẽ bị các bệnh về cơ, nhiều trường hợp bị liệt.
Một giả thuyết được đặt ra là lượng đường trong cola đi qua thận đã khiến lượng kali thất thoát theo quá nhiều. Trong khi đó, chất cafein trong cola lại lấy kali từ các tế bào trong cơ thể hoặc làm tăng khả năng thất thoát chất này khỏi cơ thể.
“Các thành phần chính trong cola gồm đường glucose, đường hoá học fructoza và cafein. Sự tác động của các chất này đối với cơ thể là khác nhau và không giống nhau ở từng cá thể. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp chúng tôi nghiên cứu thì cafein đóng vai trò quan trọng nhất. Tức là có thể các sản phẩm khác có cafein nhưng không có glucose hay fructose cũng sẽ gây hậu quả tương tự. Tuy nhiên, đường hoá học frutoza cũng có thể gây tiêu chảy, làm thất thoát lượng kali trong cơ thể”, TS Moses, nhận định.
Theo Báo Dân Trí