Cập nhật: 11/03/2010 22:37:04 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cái tên “viên sủi” được hình thành trên thị trường tiêu dùng tân dược để chỉ các loại thuốc sủi bọt (Effervescent). Ngay ở nước ta loại thuốc này cũng đã xuất hiện khá phổ biến dưới dạng thuốc Effervescent như các viên UP.SA-C mà người tiêu dùng thường gọi với cái tên dân giã là “C sủi”, hay Plusssz, Laroscorbine, Efferalgan…

Đó là những loại thuốc khi sử dụng người ta phải hòa tan chúng trước khi uống vào một cốc nước cho viên thuốc nhanh chóng tan hết, trong khi thuốc tan sẽ thấy bọt sủi chính là nhờ vào một phản ứng hóa học giữa acide với base chứa trong viên thuốc. Sau khi viên thuốc tan hết cho ta một cốc nước có màu sắc đẹp như vàng cam hay vàng chanh với một hương vị dễ chịu, hấp dẫn, chỉ cần thêm một chút đường vào, uống chẳng khác gì nước cam có sục gaz. Bởi vậy từ khi ra đời, loại thuốc này đã giúp cho những người bệnh ngại uống thuốc sử dụng được dễ dàng nhất là với trẻ em.

 

Đây cũng là sự tiến bộ khoa học với tài nghệ của các nhà bào chế tân dược hiện nay mà trên thế giới đi tiên phong và nổi tiếng nhất vẫn là hãng của Pháp UPSA trong lĩnh vực sản xuất các loại viên thuốc sủi bọt.

 

Nguyên tắc chung là mỗi khi uống loại thuốc sủi bọt cần được hòa tan trong nửa đến một cốc nước sôi để nguội hay nước mát cũng được nhưng có thể cho vào 1 – 2 thìa đường lại càng dễ uống nhất là trẻ nhỏ. Tránh pha thuốc trước mặt trẻ em vì sẽ gợi ý tò mò, chúng dễ bắt trước tự ý lấy thuốc pha uống sẽ gây nhiều nguy hiểm như ngã, ngộ độc… Thuốc cần được để cao trên tầm tay của trẻ và khóa cẩn thận.

 

Các viên UPSA-C hay Laroscorbin thường chứa hàm lượng vitamine C cao tới 1.000mg/viên, do đó không nên uống vào các buổi chiều hay tối vì thuốc dễ gây kích thích. Đặc biệt không sử dụng cho người mắc chứng sỏi thận vì thuốc với hàm lượng cao dễ gây nên sự kết tinh sỏi tại thận.

 

Phải thận trong khi sử dụng các dạng viên sủi chứa các vitamine nhất là vitamine C và Ca; vì gần đây theo nghiên cứu của trường Đại học Helsinki, răng được ngâm trong đồ uống chứa tới 8 vitamine dạng sủi sau 100 tiếng; tất cả các vitamine này kể cả viên sủi chứa Calcium đã gây tình trạng khử khoáng. Gây hại nghiêm trọng nhất là loại C sủi làm cho lớp men răng bị mòn nhanh chóng gây nguy hiểm cho răng. Hay những nghiên cứu ở trường Nha khoa Baltimore cho biết rằng chất acide citric - một thành phần quan trọng ở nhiều loại vitamine sủi bọt đã gây ra sự xói mòn răng, mặc dù sự xói mòn tuy thấp hơn so với các đồ uống có đường nhưng xảy ra vẫn rõ rệt.

 

Sự xói mòn men răng xảy ra bởi sự hòa tan acide, vì độ pH của men răng là 5,5 do vậy với bất kỳ một hợp chất nào có nồng độ pH thấp hơn đều có thể gây xói mòn, nhất là thời gian tiếp xúc lại kéo dài. Người ta đã thấy sự xói mòn của răng chỉ cần tiếp xúc liền trong 4 tiếng nếu dùng các đồ uống chứa acide như viên sủi, cola hay nước táo cũng làm men răng yếu đi.

 

Hầu hết các viên thuốc sủi đều chứa một hàm lượng muối Natrium dao động từ 274mg đến 460mg, bởi vậy những viên thuốc sủi không thể uống đại trà mà mỗi khi sử dụng cho người mắc chứng cao huyết áp, người mắc bệnh thận, phù thũng hay đang phải ăn nhạt, kiêng mặn… thì không nên dùng, nếu như cần thấy phải dùng nên thận trọng.

 

Không lạm dụng khi sử dụng thuốc, nhất là tự ý mua dùng nhất là khi sử dụng thuốc mà lại không hề hiểu gì về nó chưa nói gì đến quá trình dược động học của thuốc mà chỉ nghe theo sự mách bảo rất dễ gây nên những tai họa nguy hiểm. Do đó mỗi khi sử dụng cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc.

 

Dưới đây cũng xin giới thiệu về tác dụng, cách dùng một số loại thuốc Effervescent tiêu biểu thường gặp trên thị trường nước ta, để có thể giúp mọi người hiểu về nó mỗi khi gặp trong các toa thuốc bác sỹ kê, biết mà sử dụng cho an toàn, tránh nhầm lẫn.

 

* Viên UPSA-C: Thuốc chứa hoạt chất chính là vitamine C với hàm lượng tới 1.000mg, được dùng trong các bệnh chảy máu, chống nhiễm trùng, chống lão hóa tế bào… hoặc phối hợp với các thuốc khác trong trị liệu.

 

* Viên UPSA-C-Calcium: Chỉ định tương tự như thuốc UPSA-C nhưng trong thành phần của thuốc có thêm Calcium nên còn được dùng trị chứng còi xương, trẻ chậm lớn hay người già bị loãng xương…

 

* Viên UPSA-Orbelin: Thuốc chứa nhiều vitamine khác nhau cùng các chất vi lượng. Tác dụng bồi bổ sức khỏe cho cơ thể nhanh chóng hồi phục sau ốm nặng hoặc mắc các bệnh nhiễm khuẩn, suy nhược cơ thể, kém ăn, người ăn uống kiêng khem nhiều, trẻ nhỏ và ngươi già yếu cần bổ sung các vitamine và yếu tố vi lượng.

 

* Laroscorbine: Thành phần và tác dụng, sử dụng như UPSA-C.

 

* Các loại Plusssz: Tùy theo chế phẩm của từng loại mà tác dụng cũng khác nhau. Chẳng hạn loại chứa thành phần chính là vitamine C thì sử dụng như UPSA-C hay Laroscorbine. Loại Plusssz-Multivitamine, thành phần của thuốc chứa nhiều loại vitamine nên được chỉ định dùng như UPSA-Orbelin. Còn loại thường được sử dụng cho trẻ mới lớn là Plusssz-Junior.

 

* Loại Plusssz-Magnesium: Tác dụng chống mệt mỏi, làm lợi mật… thuốc thường được sử dụng cho những người lao động mệt nhọc kéo dài.

 

* Loại Plusssz-vas (FeII)+C: Thường được sử dụng trong các bệnh về máu như thiếu máu nhược sắc (bệnh thiếu sắt) hay phụ nữ…

 

* Loại Efferalgan-Codeine: Trị cảm sốt, đau nhức, trị ho, nhưng chỉ sử dụng cho người lớn và phải uống vào khi no không thuốc dễ làm say vì trong thuốc chứa hoạt chất là thuốc phiện.

 

* Loại Efferalgan-C: Dùng để trị cảm sốt và đau nhức.

 

* Loại Aspirine UPSA: Thuốc có công hiệu giảm đau hạ nhiệt. Trong thành phần của thuốc có chứa Aspirine tức acid acetylsalisylic, do vậy không được sử dụng cho những người mắc bệnh đau dạ dày hoặc có tiền sử đau dạ dày, các trường hợp suy thận, hen suyễn; thuốc cần uống khi no.

 

* Aspirine-UPSA-vitamine C: Do thành phần của thuốc có chứa thêm vitamine C nên được sử dụng trong điều trị phối hợp với các trường hợp sốt cao do viêm nhiễm.

 

 

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Tệp đính kèm