Dị ứng là một bệnh rất thường gặp, bất kể người sống ở thành thị hay nông thôn, nước phát triển hay nước nghèo, thừa cân hay suy dinh dưỡng, là người lớn tuổi hay trẻ em. Dị ứng là một thể thường gặp nhất của nhóm bệnh tự miễn, một căn bệnh do sự... thiếu chuyên nghiệp của hệ thống phòng vệ cơ thể mà ra!
Dị ứng - cuộc chiến trong cơ thể
Thông thường, hệ miễn dịch của cơ thể thực thi vai trò bảo vệ cơ thể theo một hệ thống rất tinh vi chặt chẽ, không khác lắm với hệ thống... quốc phòng của một quốc gia, với đầy đủ các binh chủng được phân công rõ ràng và rất chuyên nghiệp. Quá trình miễn dịch bảo vệ cơ thể bắt đầu từ các điệp báo viên, được cài dày đặc ở các cửa khẩu khác nhau của cơ thể như mũi, họng, da, niêm mạc đường tiêu hóa..., giữ nhiệm vụ phát hiện kẻ lạ xâm nhập trái phép và gấp rút đưa về bộ chỉ huy các thông tin đầu tiên báo động sự xâm nhập của một tác nhân có hại với các mô tả chi tiết tỉ mỉ về hình dạng, đặc tính của kẻ tình nghi. Nhận được tin báo, các lực lượng đặc chủng sẽ được huy động một cách chuyên nghiệp, ai làm nhiệm vụ của người ấy theo các kỹ năng đã được đào tạo huấn luyện từ trước. Có những chuyên viên làm nhiệm vụ theo dõi sự di chuyển của đối tượng trong cơ thể, gắn chip theo dõi và nhận diện lên đối tượng để các binh chủng khác nhau biết được chính xác đối tượng cần tiêu diệt. Đến lượt mình, các binh chủng có vũ khí sẽ được huy động để bắn phá các đối tượng nguy hại đã được gắn chip nhận dạng này. Cuộc chiến lớn hay nhỏ, nghiêm trọng hay nhẹ nhàng tùy thuộc vào mức độ khả năng của các lực lượng bảo vệ cơ thể và khả năng chống đỡ của đối tượng gây hại. Cuộc chiến càng lớn, chiến trường càng rộng thì cơ thể càng mệt mỏi, kiệt sức, triệu chứng càng nhiều. Sau khi tiêu diệt được đối tượng, chiến thắng trở về, sẽ phải có một lực lượng chuyên nghiệp dọn dẹp chiến trường, trả lại sự bình yên cho cơ thể.
Hệ miễn dịch cũng có khi nhầm!
Thế nhưng, không phải lúc nào mọi sự cũng diễn ra suôn sẻ và ăn khớp với nhau như thế. Những “chuyên viên” ở các “binh chủng” khác nhau của Bộ Quốc phòng cơ thể cũng có khi... nhầm. Nhầm có thể là do các điệp báo viên ở cửa khẩu đưa thông tin nhận diện đối tượng sai, do đối tượng hao hao giống một dân cư nào đó của cơ thể, do các chuyên viên theo dõi gắn chip nhầm lẫn lên các cư dân lương thiện của mình thay vì gắn lên đối tượng xâm nhập, hoặc do tính chủ quan diệt lầm hơn bỏ sót của các binh chủng khác, tiêu diệt cả những người bình thường có ngoại hình giống đối tượng chứ không có khả năng phân biệt kẻ xâm nhập và cư dân của chính cơ thể mình. Và cái sự nhầm lẫn tai hại này là nguyên nhân của tình trạng các bệnh tự miễn, tức là cơ thể mình tự tấn công mình. Đôi khi, quá hăng hái tiêu diệt đối tượng, các binh chủng sử dụng vũ khí hóa học có quá tay một chút, làm ảnh hưởng đến môi trường chung quanh, khiến cho môi trường bị ô nhiễm, các cư dân của cơ thể cũng bị tử vong oan uổng vì không chịu nổi môi trường đầy... sát khí này!
Có nhiều thể bệnh tự miễn khác nhau, hệ miễn dịch càng mạnh và những nhầm lẫn càng nhiều, càng mang tính hệ thống thì bệnh càng nặng, thậm chí có thể gây tử vong. Tùy theo sự nhầm lẫn của thông tin mà cơ quan bị tổn thương có thể là da, gan, thận, khớp, tim... Có thể kể khá nhiều tên tuổi cộm cán trong họ hàng nhà bệnh tự miễn như lupus, thấp tim, thấp khớp, viêm khớp tự miễn, viêm cầu thận cấp, viêm gan tự miễn, chàm, vảy nến, hen suyễn, sốc phản vệ...
Dị ứng nguyên vào từ miệng
Có nhiều tác nhân có thể châm ngòi cho một đợt dị ứng, đi vào cơ thể từ nhiều nguồn khác nhau như hít phải, tiếp xúc qua da... Thế nhưng với số lượng thực phẩm và nước uống tính bằng hàng kilogam mà cơ thể nhận vào hàng ngày qua đường tiêu hóa, dị ứng thức ăn là một nhóm nguyên nhân rất đáng chú ý. Tùy vào chương trình nhận diện được cài đặt sẵn cho hệ thống miễn dịch của cơ thể và sự đào tạo các binh chủng trong suốt quá trình phát triển cơ thể, mỗi người có khả năng dị ứng với một hoặc nhiều loại thức ăn khác nhau, không ai giống ai ngay cả khi đó là những người có liên hệ huyết thống. Danh sách các loại thức ăn có thể gây dị ứng dài hàng trăm hàng ngàn loại và không thiếu mặt bất kỳ một nhóm thực phẩm nào, từ các loại thực phẩm giàu đạm như cá, thịt, tôm, cua, đến các loại thực phẩm chỉ chứa có tinh bột như bột mì, bột lúa mạch và cũng không thiếu mặt hai loại thức ăn được coi là hoàn hảo nhất trong thiên nhiên là sữa và trứng.
Dị ứng thức ăn còn có một điểm đặc biệt đáng lưu ý nữa là bị ảnh hưởng chặt chẽ bởi khả năng hoạt động của hệ tiêu hóa và chất lượng thực phẩm ăn vào. Nếu hệ tiêu hóa hoạt động yếu, các chất dinh dưỡng trong thực phẩm không được tiêu hóa kỹ trước khi hấp thu, những thành phần dưỡng chất rất bình thường với cơ thể như acid amin có thể đi cặp kè với nhau thay vì nhập khẩu một mình, hoặc mang thêm vài yếu tố khác lạ đi cùng, khiến các điệp báo viên không nhận ra người quen và báo động hoảng lên. Các thực phẩm bảo quản không tốt, bị ôi thiu, có thể sản sinh ra các chất bình thường không có trong thực phẩm, như các độc chất, các hóa chất lạ... và đương nhiên sẽ làm các điệp báo viên nhạy cảm ở đường tiêu hóa tập trung chú ý và thông tin cho toàn cơ thể. Xét trên các tiêu chuẩn này, thức ăn càng khó tiêu hóa, thành phần thực phẩm càng khác biệt với thành phần của cơ thể càng dễ gây dị ứng. Các loại thức ăn động vật đáp ứng đủ tiêu chuẩn này, tức là khó tiêu hóa hơn và các protein là protein khác loài nên dễ gây dị ứng hơn.
Biểu hiện của dị ứng thức ăn cũng đa dạng như là các loại thức ăn gây dị ứng. Nhẹ thì có hắt xì, sổ mũi, ngứa mắt, ngứa mũi, nặng hơn một chút thì nổi mề đay, nổi hồng ban, bóng nước, tróc da tay chân, ngứa ngáy, phù môi phù mắt, hoặc tiêu chảy thậm chí tiêu ra máu, nặng nhất có thể là tình trạng lên cơn suyễn cấp tính, hoặc sốc phản vệ, ngưng tim ngưng thở đột ngột và tử vong nhanh chóng nếu không cấp cứu kịp thời.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Vì là bệnh gây ra do sự sai lạc của chính những tế bào trong cơ thể, nên điều trị dị ứng khó khăn và kéo dài. Không thể phá hủy hệ thống bảo vệ cơ thể mà không làm tổn thương đến sự sống bình thường của những tế bào khác trong cơ thể. Vì vậy, điều trị dị ứng chỉ là... giải quyết sự vụ, theo kiểu sai lầm đến đâu thì sửa chữa đến đó, chứ thường không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Khi bị dị ứng, các loại thuốc kháng dị ứng sẽ có tác dụng làm giảm hoạt động của các binh chủng quá hăng hái, dọn dẹp môi trường bằng cách trung hòa các hóa chất có hại trong môi trường... Cũng có một số phương pháp điều trị có tính cách lâu dài như... đào tạo lại hệ thống miễn dịch của cơ thể bằng cách đưa những chất gây dị ứng với số lượng rất ít vào cơ thể nhằm giúp các chiến binh của cơ thể làm quen từ từ và cài đặt lại các thông số về người quen kẻ lạ, tuy nhiên vẫn chưa đạt kết quả tối ưu.
Phòng ngừa chính là việc quan trọng nhất cần chú ý khi đã bị dị ứng thức ăn. Mỗi người cần biết rõ các thức ăn mà cơ thể mình không chịu làm quen và tránh xa thức ăn đó một cách triệt để. Cần lưu ý là dị ứng liên quan đến hoạt động của hệ tiêu hóa và chất lượng thực phẩm, nên cũng cần lưu ý nguy cơ dị ứng khi hệ tiêu hóa đang yếu đi do bệnh hay do thời tiết, hoặc ăn một loại thức ăn khó tiêu, thức ăn không tươi mới. Đã bị dị ứng một loại thức ăn, thì lúc nào cũng phải thận trọng khi thử một loại thức ăn mới ăn lần đầu, nhất là các thức ăn có họ hàng xa xa như giáp xác (tôm, cua...), thân mềm (mực, sứa...). Luôn phải chuẩn bị một loại thuốc kháng dị ứng trong nhà. Khi có biểu hiện dị ứng nặng như khó thở, phù nhiều, phải tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, vì nếu được giải quyết sớm, cơn dị ứng có thể rút lui nhanh như khi nó đến, mặc dù sau đó cơ thể vẫn luôn được đặt trong tình trạng báo động thường xuyên để sẵn sàng gây ra một cơn dị ứng khác.
Theo SK & ĐS Online