Mụn cóc là bệnh do virut có tên gọi HPV gây nên. Tùy theo chủng virut mà hình thành các thương tổn khác nhau như những sẩn, u nhỏ trên da và niêm mạc. Nếu ở niêm mạc thì có màu hồng tươi của niêm mạc, bề mặt tổn thương nhẵn bóng hoặc sần sùi như da cóc.
Tùy theo vị trí, tính chất của thương tổn mà có tên gọi khác nhau: mụn cóc ở bộ phận sinh dục gọi là sùi mào gà, mụn cóc bàn chân, mụn cóc dưới móng, hạt cơm phẳng, mụn cóc thông thường. Mụn cóc ở cổ tử cung, ở sinh dục nếu không điều trị có thể bị ung thư hóa.
Thuốc bôi tại chỗ
Acid salicylic với nồng độ từ 5 - 40% cùng với các hoạt chất khác nhau như cream, chất màu, keo, gôm hoặc dung dịch carboxycellulose. Bôi tại chỗ, có thể cho bệnh nhân tự bôi tại nhà có tác dụng bong lớp sừng. Tỷ lệ khỏi 70 - 80%. Lưu ý không dùng bôi mụn ruồi, bớt sắc tố, không bôi lên niêm mạc và sùi mào gà. Thận trọng với bệnh nhân đái tháo đường, suy tuần hoàn, không bôi lên da lành, tránh thuốc dây vào mắt, nếu không may vào mắt phải rửa nước trong 15 phút và đến bác sĩ chuyên khoa mắt điều trị tiếp.
Cantharidin (verr-Canth) có tác dụng hoại tử thượng bì và hình thành mụn nước. Thuốc do bác sĩ chuyên khoa da liễu sử dụng, thời gian dùng thuốc từ 3 - 4 tuần. Không bôi gần mắt, niêm mạc, sinh dục và da lành.
Acid dibutyl squaric /diphencyclopropenone làm tăng nhạy cảm tại chỗ và hình thành viêm da tiếp xúc dị ứng. Bôi đến khi có phản ứng xảy ra, thường từ 1 - 2 tuần.
Acid trichloacetic (Tri-Chlor) với nồng độ 80% gây hoại tử tổ chức. Bôi 4 lần/1 tuần cho đến khi khỏi mụn cóc. Không bôi lên mụn ruồi, bớt sắc tố, vùng tóc, mặt, niêm mạc, sinh dục. Thận trọng tránh để lại sẹo.
Podophyllin (Podocon-25) là loại nhựa cây có chứa nhiều hợp chất gây độc tế bào được dùng trong điều trị mụn cóc sinh dục. Đây là thuốc bôi sùi mào gà tốt nhất. Bôi thuốc lên tổn thương sau 6 giờ rửa sạch, bôi 4 lần/ngày trong 3 ngày liên tiếp và nhắc lại sau 4 tuần. Thận trọng khi dùng vì thuốc có thể gây nôn mửa, sốt, lẫn lộn, hôn mê, tắc ruột, suy thận..., không bôi diện rộng, không dùng cho phụ nữ có thai.
Axít aminolevoulinic (ALA) làm tăng nhạy cảm ánh nắng phối hợp với ánh sáng xanh trong điều trị mụn cóc rất thành công.
Những thuốc tiêm trong thương tổn
- Liệu pháp tiêm chất miễn dịch vào trong thương tổn: Tiêm test kháng nguyên candida, quai bị hoặc nấm Trichophyton vào thương tổn thấy tỷ lệ khỏi bệnh là 74%.
Bleomycin là hóa chất ức chế tổng hợp AND trong tế bào và virut, tác dụng trên cả tổ chức nhiễm virus HPV, làm biến đổi mao mạch tạo nên hoại tử thượng bì rất tốt cho điều trị mụn cóc kháng trị. Tỷ lệ khỏi bệnh trong khoảng từ 33 - 92%. Thận trọng: thuốc có thể gây nổi mày đay, tím đầu chi, hoại tử đầu chi, phản ứng đặc ứng tương tự như sốc phản vệ nên phải theo dõi chặt chẽ sau khi tiêm.
Interferon-alfa 2a và interferon-alfa 2b là loại cytokine có tác dụng kháng virut, kháng khuẩn, kháng ung thư. Tiêm vào trong thương tổn có tác dụng tốt hơn nhiều so với đường toàn thân. Tỷ lệ khỏi đã được thông báo là 36 - 63%.
Thuốc dùng tiêm và uống toàn thân
Cimetidine (Tagamet) là thuốc kháng thụ thể H2 histamin dùng trong điều trị loét dạ dày, với liều cao có tác dụng điều chỉnh miễn dịch, được dùng điều trị mụn cóc, tuy nhiên kết quả chưa cao. Thuốc có thể gây thiếu máu, buồn nôn, tiêu chảy, phát ban, làm tăng nồng độ nhiều loại thuốc trong máu, không nên dùng kết hợp với các thuốc: theophylin, wafarin, phenytoin, quinidin, propranolol metronidazole, procainamide và lidocain.
Retinoid còn được gọi là vitamin A acid có tác dụng làm mất khả năng tạo sừng của mụn cóc, làm giảm đau. Retinoid cũng có tác dụng làm giảm số lượng tổn thương mụn cóc trong bệnh nhân ghép thận. Thận trọng: thuốc có phản ứng khô da, viêm môi, nhạy cảm ánh nắng, rụng tóc, viêm ruột, nếu thấy đi ngoài ra máu, đau bụng, tiêu chảy phải ngừng thuốc ngay. Không dùng cho phụ nữ có thai và trong độ tuổi sinh đẻ.
Cidofovir tiêm tĩnh mạch áp dụng điều trị mụn cóc kháng trị. Thận trọng khi dùng vì có nguy cơ nhiễm độc thận.
Phương pháp phẫu thuật
Đốt lạnh: Nitơ lỏng (-196oC) là phương pháp hiệu quả nhất của phẫu thuật lạnh. Phun lên thương tổn, phủ ra xung quanh mụn cóc 1 -2mm, nhắc lại sau 2 - 4 tuần, trong vòng 3 tháng. Theo dõi cẩn thận tránh để lại sẹo, đặc biệt đối với hạt cơm phẳng.
Laser: Đây là phương pháp điều trị đắt tiền, áp dụng với các mụn cóc to, kháng trị, mụn cóc sinh dục, mụn cóc lòng bàn chân, bàn tay, quanh móng, dưới móng. Sử dụng laser CO2 và laser Nd:YAG là thông dụng nhất. Đối với phẫu thuật viên laser phải thận trọng vì virus HPV có thể theo khói vào phổi gây u nhú ở phổi.
Đốt điện kết hợp với thìa nạo có hiệu quả hơn đốt lạnh, nhưng đau và dễ để lại sẹo.
Phẫu thuật cắt bỏ: Phương pháp này hiện nay các nước đã bỏ vì nguy cơ để lại sẹo và tái phát rất cao.
Theo SK & ĐS Online