Cập nhật: 30/09/2010 15:25:44 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời điểm giao mùa thu - đông, người dân rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hoá, sốt xuất huyết, bệnh chân, tay, miệng và các bệnh viêm da do côn trùng đốt. Nguyên nhân được các bác sĩ đưa ra là thời tiết đang thay đổi, nhiệt độ chênh lệch cao, sáng và chiều tối lạnh trong khi buổi trưa lại nóng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus phát triển.

Cảnh giác bệnh khi côn trùng vào mùa hoạt động

 

Theo các bác sĩ da liễu, bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể gây thành dịch thường bùng phát vào các tháng 9-10 và 11 hàng năm. Đây là các tháng hay có mưa, thời tiết nóng ẩm.... côn trùng không có nơi trú ẩn, nên thường trú ngụ trong nhà dân rồi gây bệnh, có thể còn nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, người dân cần đề hết sức phòng, tránh để côn trùng đốt.

 

Trao đổi với Bác sĩ Thuỳ Dương, Viện Da liễu Quốc gia cho biết, những ngày gần đây, số người đến khám và điều trị do bị côn trùng tăng đột biến. Phần lớn người bệnh đến khám với biểu hiện rát bỏng, ban đỏ, phù nề, mụn mủ, tổn thương theo hình dải. Có không ít người, nhất là trẻ em bị sốc phản vệ, tay chân lạnh, mi mắt phù nề, mạch và huyết áp tụt... rất nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do côn trùng đốt.

 

Thống kê tình hình bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng tại Viện Da liễu Quốc gia trong 3 năm qua cho thấy, bệnh thường bùng phát mạnh vào các tháng 8, 9, 10, 11. Đa số bệnh nhân là người làm việc dưới ánh đèn, công tác văn phòng, học sinh.

 

Hơn 60% bệnh nhân phát bệnh đầu tiên vào buổi sáng. Đặc điểm lâm sàng thường gặp là 80% có tổn thương ở mặt, 100% biểu hiện bằng vết đỏ, nền hơi cộm theo chiều vệt tay dài 1,5cm, rộng 3-10 mm, trên đó có mụn nước ở giữa, có vùng hơi lõm hình tròn hoặc bầu dục, 100% có cảm giác rát bỏng tại chỗ.

 

Sau khi bị côn trùng tấn công, hoặc dính những chất tiết Pederin của chúng, nạn nhân thường có biểu hiện lâm sàng giống nhau, với những tổn thương thành dải đỏ, phù. Nhiều trường hợp có mụn nước, mụn mủ ở những vùng da hở. Ban đầu nạn nhân thấy hơi ngứa, da căng, đỏ một vùng, 6-12 tiếng sau, vùng da này sưng nề, rồi thành phỏng nước, mủ. Nạn nhân có thể ngấy sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn... Có những người tổn thương gần mắt, khiến 2 mắt sưng mọng, bẹn nổi hạch, khó đi lại...

 

Để phòng bệnh này, mọi người cần chú ý, khi làm việc dưới ánh đèn, tránh quệt tay khi có cảm giác côn trùng rơi vào cổ, mặt. Buối tối khi tắm, rửa, cần chú ý giũ mạnh khăn mặt trước, rồi mới dùng. Vào những ngày mưa to ngập nước, mọi người nên mua sẵn bình thuốc xịt diệt côn trùng. Nếu thấy vùng da rát bỏng, đỏ, nổi mẩn... nên rửa ngay bằng nước muối loãng hay xà phòng... nhằm ngăn không cho nổi phỏng nước, phỏng mủ.

 

Đề phòng bệnh đường hô hấp, tiêu hóa

 

Thời điểm giao mùa giao mùa thu - đông cũng là thời điểm người dân rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hoá… Nguyên nhân được các bác sĩ đưa ra là thời tiết đang thay đổi, nhiệt độ trong ngày chênh lệch cao, sáng và chiều tối lạnh trong khi buổi trưa lại nóng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus gây bệnh phát triển.

Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, số trẻ đến khám vì ho, sốt cũng rất đông. Trong đó, một số trẻ bị nặng, nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, viêm phổi. Số trẻ đến khám dịch vụ ngoài giờ cũng tăng mạnh, mỗi ngày có khoảng 60 bệnh nhân, thậm chí vào thứ 7 và chủ nhật có thể lên đến 100 ca.

 

Nguyên nhân do trẻ chưa thích nghi kịp với sự thay đổi thời tiết nên dễ mắc bệnh. Đặc biệt là nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi và những trẻ nhỏ có tình trạng biếng ăn kéo dài, sức đề kháng giảm sút nên rất dễ lây bệnh, dễ bị biến chứng, bệnh diễn biến xấu nhanh, khó lường trước.

 

Các bệnh đường hô hấp cũng lây cực nhanh trong môi trường tập trung đông. Bệnh lây nhiễm qua những dịch tiết hô hấp chứa siêu vi bắn ra mỗi khi trẻ bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, khóc la. Siêu vi từ đó bám vào các vật dụng, đồ chơi, lây trực tiếp hay qua tay khi trẻ dùng tay quệt mũi, dụi mắt, mút tay.

 

Không chỉ trẻ nhỏ mà người cao tuổi cũng là đối tượng rất dễ nhiễm bệnh do sự biến đổi của thời tiết. Thống kê từ Phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số người già nhập viện hơn tuần nay tăng mạnh. Bình thường mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân, thời gian này tăng lên khoảng 200 bệnh nhân/ngày.

 

Bác sĩ Trần Văn Lực - Phòng Kế hoạch tổng hợp của Viện Lão khoa Trung ương cho VnMedia biết, hầu hết người già nhập viện do các bệnh về đường hô hấp và tim mạch như bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, tăng huyết áp... Nguyên nhân đáng nói có không ít người già bị bệnh đột ngột do đi tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng quá sớm hoặc tập buổi tối quá muộn. Bởi thời gian này vào buổi sáng nhiệt độ xuống khá thấp, nhiều sương, lại hay có mưa nên khi tập thể dục ngoài trời như đi bộ, chạy bộ, dưỡng sinh... rất dễ bị nhiễm lạnh, viêm phổi, thậm chí bị đột quỵ với các triệu chứng tức thời như nói ngọng, cấm khẩu, méo mồm.

 

Với bệnh ở người già, bác sĩ Trần Văn Lực khuyến cáo cần tránh đi ra ngoài và thay đổi tư thế đột ngột. Chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực và bàn chân trong những ngày thời tiết se lạnh hoặc có mưa. Không nên tập thể dục ngoài trời trước 6h30 sáng để tránh bị nhiễm lạnh.

 

Để phòng tránh, hiện nay có nhiều giải pháp, trong đó tiêm vacxin phòng một số bệnh cũng là giải pháp tốt. Đồng thời biện pháp phòng bệnh hữu hiệu cho trẻ em và người lớn là luôn giữ ấm chân khi thời tiết chuyển mùa. Cho trẻ mặc quần áo dài khi sáng sớm và chiều tối, cho trẻ uống nhiều nước, ăn hoa quả, tăng cường dinh dưỡng trong bữa ăn để tăng cường sức đề kháng. Nên thường xuyên nhỏ mắt, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, rửa tay bằng xà phòng trước bữa ăn và sau khi vệ sinh. Tránh tiếp xúc với những người đang bị bệnh. Vệ sinh nhà cửa, vật dụng, đồ chơi hạn chế bụi bẩn, vi khuẩn sinh sôi nảy nở.

 

 

Theo Vnmedia

 

Tệp đính kèm