Cập nhật: 18/04/2011 16:07:51 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tết xong, nhiều gia đình tận dụng quả quất cảnh làm gia vị, mứt hoặc ngâm đường. Thói quen này có thể gây hại cho sức khoẻ. Bởi theo các chuyên gia, để quất đẹp, giữ được lâu, các nhà vườn không ngại ngần "tẩm" một lượng lớn hoá chất.

Phun hoá chất để ngăn rụng quả

 

Thấy anh Sơn (phố Khuất Duy Tiến, Hà Nội) lễ mễ bê cây quất cảnh quả vẫn chi chít vàng mọng vứt ra xe rác, bà hàng xóm bán trứng vịt lộn, trứng gà ngải cứu níu tay lại xin hái quả để vắt vào gia vị cho khách ăn.

 

Anh Sơn bảo mấy năm trước sau Tết nhà anh cũng hái quả bỏ tủ lạnh ăn dần, nhưng quất cảnh giờ tươi lâu quá, nghĩ chắc nhà vườn phun hoá chất, thuốc trừ sâu đậm đặc để giữ màu nên anh Sơn không dùng nữa. "Tôi có giải thích nghi ngờ này nhưng chị ấy vẫn lờ đi, có lẽ là vì tiết kiệm được một khoản kha khá khi phải mua chanh cho khách dùng", anh Sơn nói.

 

Anh Trịnh Đình Phương (Sóc Sơn, Hà Nội) kể, hồi trước vợ anh hay hái quất cảnh bỏ hũ ngâm rượu, uống rất thơm ngon. Gần đây thấy quất cảnh tươi đẹp lâu nên anh bỏ thói quen đó. Cây đẹp thì mang ra sân đặt, khi tàn thì vứt. Năm ngoái, tới tháng Ba cây quất vẫn đẹp, quả xanh vẫn tươi mơn mởn. "Thảo nào hôm Tết chở cây quất bằng xích lô từ chợ về, qua đường làng xóc nẩy chồm chồm mà chẳng rụng quả nào", anh Phương nhận xét.

 

Chị Minh Hương (Văn Giang, Hải Dương) đi thu mua quất cảnh sau Tết cho biết, trước kia khoảng mùng 8 tháng Giêng âm lịch là chị đã đi thu mua quất cảnh về trồng lại. Nhưng giờ qua Rằm rồi mà nhiều nhà vẫn giữ để trưng vì cây vẫn tươi, quả vẫn đẹp. Mỗi ngày, chị Hương vừa mua, vừa xin cũng được dăm bảy chục cây, hái cả quả xanh, quả chín cho vào bao tải bán rẻ cho hàng ăn ở Hà Nội.

 

Chị Hương cho biết, để có quất cảnh bán vụ Tết, nông dân phải tìm mọi cách hạn chế rụng quả. Họ phải phun thuốc kích thích để hãm hoặc thúc cho quất cảnh không rụng, không thối rễ, khoe sắc đúng Tết. Hoá chất thường độc hại nhưng làm quả quất cảnh to mọng, tươi lâu. "Thuốc hãm hoặc kích thích quất mua rất dễ ở các chợ và giá rất rẻ", chị Hương tiết lộ.

 

Đừng ăn!

 

Theo Đông y, quả quất (quả tắc) chứa nhiều vitamin A, C, B1, B11, và canxi, phốt pho, kali, kẽm... có tác dụng kiện tỳ, thông phổi, trừ đờm, trị viêm họng, ho cảm, giải uất, giải rượu, giảm cholesterol, bền thành mạch, có lợi cho người cao huyết áp. Có thể chế biến nước quất ép, nước giải khát bằng cách ngâm với đường, muối, hoặc dùng vỏ quất sao với gừng sắc uống...

 

Theo TS Nguyễn Văn Khải (Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tiết kiệm điện và Dung dịch hoạt hoá điện hoá), càng tới gần ngày đem quất cảnh đi bán thì chủ vườn càng phun nhiều thuốc hơn để giữ màu, bảo quản quả khỏi rụng... Dư lượng hóa chất độc hại vì thế đọng lại trên lá, quả, thậm chí ngấm cả vào trong quả quất rất lớn. "Nên vứt hết đi, đừng ngâm, ăn bất cứ quả của cây cảnh nào, trong đó có quất. Mùi quất tự nhiên rất thơm, còn quất có hoá chất không có mùi thơm, ăn vào sẽ hại dạ dày... ", TS Khải nói.

 

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) khuyên người tiêu dùng không nên sử dụng quất cảnh làm thực phẩm. Bởi lâu nay người ta chú ý nhu cầu quất làm cảnh, không giải quyết làm thực phẩm nên người trồng có thể cho những hoá chất để giữ tươi lâu, đẹp lâu.

 

Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, người ta hiện ít quan tâm đến các hoá chất giữ cho cây cảnh, hoa được bền lâu vì nó không phải là thực phẩm. Các loại hoa như hoa ly cũng được cho hoá chất để có đủ màu, tươi lâu, đẹp bền. Người dân mua về trưng đẹp rồi vứt đi. Vì thế, không nên sử dụng các loại cây cảnh làm thực phẩm. Nếu muốn ăn quất thay chanh, nên mua từ khi cây đang được trồng tỉa.

 

 

Theo HNMOnline

 

Tệp đính kèm