Cập nhật: 14/06/2011 15:12:55 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dị vật trong cơ thể là một chất hoặc một vật lạ nằm bất thường ở một cơ quan, một lỗ hay một ống dẫn của cơ thể (do hít, do nuốt hoặc đưa vào cơ thể), trường hợp này hay gặp ở trẻ nhỏ hoặc hình thành từ cơ thể người (mảnh vôi hóa bên trong ổ khớp, sỏi thận, sỏi túi mật… ).

Mắt

 

Nếu bị hạt bụi, hạt sạn, côn trùng rơi vào mắt, bạn có thể dùng một góc của khăn tay sạch chấm nhẹ vào dị vật ở mắt để lấy ra; Nếu chúng rơi vào giác mạc thì phải đưa ngay bệnh nhân đến thầy thuốc nhãn khoa để lấy ra vì chúng có thể làm rò gỉ chất thủy dịch (chất dịch trong suốt chứa trong tiền phòng và hậu phòng của mắt, có tác dụng duy trì nhãn áp và cung cấp những chất dinh dưỡng cho thủy tinh thể); Hơn nữa, nếu là dị vật kim loại thì sẽ bị oxy hóa và giải phóng những chất độc gây mù về sau. Thầy thuốc sẽ dùng nam châm điện để lấy dị vật ra. Để phòng dị vật rơi vào mắt, cần đeo kính bảo vệ mắt khi lao động.

 

Tai

 

Dị vật trong tai sẽ làm đau tai hoặc chảy máu tai cần được lấy ra ngay bằng cách rửa tai hoặc dùng những dụng cụ riêng để gắp ra. Chỉ có thầy thuốc chuyên khoa mới có thể lấy dị vật ra khỏi tai, còn bệnh nhân không nên tự mình lấy chúng ra bằng các thao tác không thích hợp vì dễ đẩy sâu dị vật vào tai trong làm thủng màng nhĩ gây điếc.

 

Đường tiêu hóa

 

Nếu nuốt phải dị vật (thường là trẻ em hoặc bệnh nhân tâm thần), cần theo dõi lâm sàng (xem bệnh nhân có đau không, có bị tắc ruột không) và chụp Xquang (di chuyển của dị vật trong dạ dày - ruột). Phần lớn những dị vật nhỏ, nếu không phải là vật sắc hoặc không độc (khuy áo, hòn bi… ) thường được đào thải theo phân ra ngoài, không nguy hiểm cho cơ thể. Ngược lại, những dị vật như đinh, ghim, xương cá, pin đèn, mảnh thủy tinh, mảnh xương sụn… thì phải lấy ra bằng phương pháp nội soi.

 

Đường hô hấp

 

Thường gặp trường hợp hít dị vật vào đường hô hấp, chủ yếu ở trẻ nhỏ tuổi (đồ chơi, hạt lạc, nắp bút máy… ). Khi rơi vào đường hô hấp, dị vật sẽ chạm đến thanh quản gây cơn nghẹt thở dữ dội và ho khan (hội chứng thâm nhập) trong vài phút, sau đó rơi xuống phế quản gây ho và khó thở thường xuyên hoặc gián đoạn. Về sau sẽ xuất hiện các biến chứng như viêm phổi tái diễn, xẹp phổi, áp xe phổi…

 

Cách xử trí dị vật đường hô hấp:Nếu bị ngạt thở capsam phải làm thao tác Heimlich để tống dị vật ra khỏi đường thở bằng cách ép mạnh và đột ngột phần dưới lồng ngực bệnh nhân hoặc ở trẻ còn bú thì vỗ vào vùng giữa hai xương bả vai. Thông thường thì sau hội chứng thâm nhập,trẻ không có triệu chứng gì đặc biệt, tuy vậy vẫn phải làm nội soi ống mềm để tìm ra dị vật rồi gây mê toàn thân bệnh nhân để lấy dị vật ra bằng kỹ thuật soi phế quản. 

 

 

Theo GS.  Phạm Gia cường

Báo SK & ĐS Online

Tệp đính kèm