Cập nhật: 25/07/2011 16:18:22 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với kỹ thuật can thiệp bằng ống thông qua da, các bác sĩ khoa Chẩn đoán và Can thiệp mạch - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã cứu chữa thành công nhiều trường hợp tắc động mạch chi dưới. Hướng điều trị hiệu quả này giúp cho nhiều người bệnh khỏi tàn phế vì cắt cụt chi.

Nỗi lo tắc mạch chi ở người bệnh rối loạn chuyển hóa

 

Sau nhiều năm chung sống với bệnh đái tháo đường, ông Nguyễn Đình Bổng, 77 tuổi (Long Biên, Hà Nội) phải nhập viện vì biến chứng tắc động mạch chi dưới. Chúng tôi gặp bệnh nhân Bổng tại khoa Chẩn đoán và Can thiệp mạch - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khi ông đến đây điều trị. Bệnh nhân cho biết, một năm nay 2 chân của ông có dấu hiệu đau nhức, ban đầu chỉ nghĩ rằng đây là bệnh xương khớp tuổi già nhưng càng ngày bệnh càng nặng, cố gắng lắm cũng chỉ đi được vài bước. Kết quả khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết ông bị tắc động mạch chi dưới và được chuyển đến khoa Can thiệp mạch để được điều trị.

 

TS. Lê Văn Trường - Chủ nhiệm khoa cho biết, bệnh động mạch chi dưới là tình trạng hẹp/tắc lòng động mạch chậu, đùi, khoeo, cẳng và bàn chân do vữa xơ động mạch hoặc viêm nội mạc động mạch, làm giảm dòng máu nuôi phần chi phía dưới vị trí tổn thương. Những người dễ mắc bệnh động mạch chi dưới thường có các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, ít vận động, béo phì…

 

Can thiệp mạch qua da bằng ống thông làm thay đổi hiệu quả điều trị bệnh

 

Theo các chuyên gia tim mạch can thiệp cho hay, hiện nay can thiệp mạch bằng ống thông qua da đang là lựa chọn hàng đầu cho những bệnh nhân mắc phải bệnh động mạch chi dưới. Tại khoa Chẩn đoán và Can thiệp mạch - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, kỹ thuật này được triển khai rộng rãi và đem lại hiệu quả cao cho người bệnh.

 

Ưu điểm phương pháp can thiệp mạch: ít đau đớn, thời gian nằm viện ngắn, người bệnh có thể ra viện ngay ngày hôm sau, có thể thực hiện được cho phần lớn bệnh nhân, kể cả các trường hợp bị tổn thương mạch nhỏ ở cẳng chân và bàn chân. Bệnh nhân cần tiếp tục uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để duy trì kết quả sau can thiệp hoặc phẫu thuật.

 

TS. Lê Văn Trường cho biết, dụng cụ can thiệp động mạch chi dưới là các dây dẫn, ống thông gắn bóng và stent được đưa đến vị trí tổn thương qua một lỗ chọc kim ở động mạch đùi. Ống thông gắn bóng được đưa vào vị trí hẹp/tắc của mạch để mở rộng lòng mạch. Tiếp theo, stent kim loại gắn trên một ống thông khác được đưa vào để mở rộng lòng mạch về mức bình thường và giữ cho lòng mạch không bị hẹp lại. Khi lòng mạch được mở thông, dòng máu được phục hồi, các triệu chứng đau, mỏi chân khi đi bộ và đau khi nghỉ do thiếu máu sẽ giảm nhanh chóng và hết hẳn. Các vết loét và hoại tử có cơ hội liền sẹo nhanh. Tuy nhiên phần hoại tử nặng không thể hồi phục được bắt buộc phải cắt bỏ.

 

Khoa Chẩn đoán và Can thiệp mạch - Bệnh viện 108 đã can thiệp điều trị tái lưu thông động mạch chậu, chi dưới  cho 30 bệnh nhân, tỉ lệ thành công 95%, bao gồm các tổn thương hẹp và tắc mạn tính động mạch chậu, đùi, khoeo và cẳng chân.

 

Cần phát hiện sớm bệnh viêm tắc động mạch chi dưới

 

Mặc dù đây là bệnh hoàn toàn có thể điều trị đem lại kết quả khả quan, tuy nhiên theo các bác sĩ nếu người bệnh phát hiện bệnh muộn, các biện pháp điều trị không thể thực hiện được thì có nguy cơ phải cắt cụt chi. Vì thế cần nghĩ đến bệnh viêm tắc động mạch chi dưới nếu bệnh nhân có các triệu chứng như: Đau, mỏi và co cứng bắp chân, đùi, hoặc mông khi đi bộ, phải dừng lại, ngồi nghỉ một lúc mới có thể tiếp tục đi được. Hiện tượng đó lặp lại sau một khoảng cách đi bộ nhất định. Khoảng cách đó ngắn dần chứng tỏ bệnh đang tiến triển nặng lên;  Đau bàn chân, ngón chân liên tục, kể cả khi nghỉ. Bệnh nhân thường mất ngủ, mệt mỏi vì đau chân. Da chân tái và lạnh.

 

Khi bệnh ở giai đoạn muộn dẫn đến loét và hoại tử các ngón chân, có thể cả bàn chân, kèm theo cảm giác đau liên tục, thuốc giảm đau không có tác dụng. Bệnh nhân thường “tự chẩn đoán” hoặc được chẩn đoán nhầm là do bệnh cơ xương khớp, do đau thần kinh ngoại vi hoặc do tuổi già… Vì vậy nhiều người bệnh đến viện khi bệnh đã nặng khiến kết quả điều trị gặp nhiều khó khăn. Theo TS.Trường, việc phát hiện bệnh không khó, lý do đến viện muộn thường do người bệnh chủ quan. Nếu có triệu chứng như đã mô tả ở trên, bệnh nhân cần đến khám chuyên khoa bệnh mạch máu ngoại vi để được chẩn đoán nhanh nhất và chính xác nhất. 

 

Bệnh nhân cần chú ý sau đặt stent động mạch chi dưới

 

Can thiệp động mạch chi dưới có thể có tai biến biến chứng từ nhẹ đến nặng: phản ứng thuốc cản quang các mức độ khác nhau, chảy máu vị trí chọc kim, phồng giả động mạch, tắc mạch cấp tính. Vị trí chọc động mạch được băng ép chặt để cầm máu, bệnh nhân cần nằm tại giường 6-8 giờ. Sau 12 giờ bệnh nhân có thể ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng, có bất thường cần thông báo ngay cho bác sĩ. Mở thông động mạch chậu - chi dưới không có nghĩa là bệnh đã khỏi hẳn. Ðộng mạch có thể bị hẹp/tắc trở lại, hoặc phát sinh tổn thương mới. Cần duy trì kết quả điều trị bằng việc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ điều trị, nhằm hạn chế tái hẹp mạch vành và điều trị các yếu tố nguy cơ: tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu…, thay đổi chế độ sinh hoạt như bỏ thuốc lá và các chất kích thích, kiêng mỡ và phủ tạng động vật, hoạt động thể lực tăng dần theo khả năng.

 

 

Theo Lê Hảo/SK & ĐS Online

Tệp đính kèm