Cập nhật: 25/08/2011 16:18:13 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện nay, thị trường có không ít loại quả chín muộn như nhãn, đào... Nhiều người tiêu dùng bày tỏ băn khoăn liệu các loại quả chín muộn này có độc không, chất lượng có bị giảm hơn so với quả đúng vụ... 

GS.TS Nguyễn Văn Vụ, nguyên giảng viên khoa Sinh học, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, quả chín muộn có hai loại. Một loại là chín muộn ở trên cây. Loại quả này chủ yếu là do yếu tố thời tiết. Các yếu tố về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... thay đổi hoặc có những bất thường khiến cho hoa nở muộn. Hệ quả là khi quả chín thì các loại quả cùng lứa khác đã qua đợt chín rộ rồi. Một loại quả chín muộn khác đấy là sau khi đã thu hoạch xong, người ta sử dụng các loại thuốc để làm chậm thời gian chín của quả.

 

ThS Nguyễn Mạnh Khải, bộ môn Công nghệ sau thu hoạch, Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho rằng, nếu quả đến cuối mùa mới chín trên một cây, trong khi các cành khác đã chín chính vụ thì cành chín muộn đó khi còn là mầm cây, bị phân hóa mầm muộn hơn các cành khác trong cùng một cây trồng. Hoặc trong cùng một vườn có cây ra quả sớm, cây ra muộn là vì giống cây trồng khác nhau được ghép vào trồng cùng một nơi. Quả chín muộn còn có thể do hoa muộn, sinh trưởng của quả chậm do nhiệt độ thấp hơn trung bình hằng năm.

 

Ngoài ra, cũng còn một loại quả chín muộn khác đấy là chín muộn sau thu hoạch. Quả chín do sử dụng các chế phẩm làm chậm chín. Cách để người ta hái quả trên cây xuống rồi bảo quản hàng vài tháng, biến quả chính vụ thành trái vụ thường là sử dụng nhiệt độ thấp kết hợp với khí quyển điều chỉnh hợp lý. Nhưng ở các nước đang phát triển vẫn còn sử dụng một số hoá chất diệt sâu bệnh, giữ màu cho vải thiều và nhãn bằng lưu huỳnh. Các hoá chất trên không hoặc ít độc hại nếu sử dụng đúng.

 

Chất lượng giảm

 

Theo ThS Nguyễn Mạnh Khải, chất lượng của những quả chín muộn này cơ bản là khác so với các loại quả đúng vụ. Dù không thực sự độc hại nhưng không ngon bằng quả chính vụ.

 

Hiện nay, khoa học cũng đã cho ra đời một số loại sản phẩm làm chậm chín bằng các chế phẩm sinh học không gây độc hại. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng các "mẹo" nhỏ như quệt vôi vào cuống quả cam làm cho vi sinh vật không phát triển được.

GS.TS Vũ Văn Vụ cũng cho rằng, thực tế, các loại quả chín muộn sẽ không được đảm bảo chất lượng một cách tuyệt đối như sản phẩm đúng vụ, ít nhiều, chất lượng sẽ bị giảm đi (ví dụ: không thơm, không mọng nước bằng chín đúng vụ). Tuy nhiên, điều này cũng không gây ảnh hưởng lắm. Hết mùa vải mà vẫn có vải ăn, hết mùa nhãn vẫn có nhãn ăn thì việc chất lượng có bị "hao" đi một ít vẫn có thể chấp nhận được.

 

Thế nhưng, theo các chuyên gia, cũng cần phải lưu ý đối với các loại quả đã bị sử dụng bừa bãi các loại hóa chất kìm hãm. Thực tế, vẫn có một vài loại thuốc được phép sử dụng để kìm hãm quá trình chín của quả. Các hóa chất này sẽ không hoặc ít gây độc hại nếu sử dụng đúng nồng độ. Tuy nhiên, nhiều khi, người ta cũng sử dụng cả một số loại thuốc không nằm trong danh mục cho phép, ví dụ, có nhiều loại quả táo hay lê để đến 3 - 4 tháng mà vẫn không bị thối. Những loại quả này đã được ngâm tẩm các loại hóa chất cực kỳ độc hại.

 

Các chuyên gia khuyên: Khi chọn mua hoa quả, để không mua phải các loại quả đã bị bảo quản bằng hóa chất độc hại cần quan sát hình thái (kích thước, màu sắc...) quả xem có bình thường không, cuống quả còn tươi không, ngửi để xem có mùi vị gì lạ không và có dấu vết lạ trên vỏ không. Một số quả như cam, táo, lê... cần nhấc thử xem có nhẹ không.

 

"Quả chín muộn thực chất là người ta kéo dài thời gian thu hoạch của quả. Có một số loại liên quan đến đặc tính giống (giống chín sớm, giống chín muộn). Ngoài ra, người ta cũng có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật và sử dụng các hóa chất để kéo dài thời gian thu hoạch của quả. Tuy nhiên, khi sử dụng hóa chất, điều quan trọng là hóa chất gì và liều lượng ra sao". GS.VS Trần Đình Long (chủ  tịch Hội Giống cây trồng)

 

 

Báo Khoa học Đời Sống Online

Tệp đính kèm