Cập nhật: 12/12/2011 16:05:57 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò quan trọng đối với sức khoẻ và tuổi thọ của con người. Vậy, chế độ ăn uống như thế nào được gọi là lành mạnh?

 

Hạn chế chất béo: rất nhiều món ăn khoái khẩu lại là những món ăn có nhiều mỡ và carbonhydrat. Nếu cơ thể dư thừa chất béo và cholesterol, chúng ta dễ mắc bệnh béo phì và các bệnh liên quan đến tim mạch. Để thay thế các món ăn giàu chất béo như mỡ động thực vật, bơ, thịt động vật, kem… chúng ta nên dùng thêm các loại ngũ cốc, bánh mỳ. Nên hạn chế ăn những món nướng hay rán, thay vào đó là những món luộc, ninh, hầm. Nói chung, cần cố gắng giảm sao cho lượng chất béo không quá 30% tổng số calo cơ thể cần mỗi ngày.

 

Giảm đường: đường ngọt ngào nhưng lại là một trong những kẻ thù lớn nhất của sức khoẻ. Những người ăn nhiều đường, ngoài béo phì, còn dễ mắc bệnh tiểu đường. Dù đường không có lợi cho sức khoẻ thì không có nghĩa chúng ta loại hoàn toàn chất ngọt ra khỏi cơ thể, nhất là đối với những người có thể trọng trung bình. Chúng ta có thể thay thế đường bằng các loại trái cây có độ ngọt tự nhiên cao, mật ong, hoặc đường từ cây thốt nốt.

 

Không thể thiếu protein: protein rất cần thiết cho một cơ thể sống khỏe mạnh, nó cung cấp cho chúng ta năng lượng và sinh lực sống. Theo các nghiên cứu, trong chế độ ăn uống khoa học, lượng protein phải chiếm 50% tổng năng lượng cơ thể cần. Các loại thực phẩm có hàm lượng protein cao là: đậu, lạc, nấm, phomat làm từ sữa đã tách kem. Ngoài ra, thỉnh thoảng chúng ta cũng nên bổ sung thêm thịt, cá, hải sản với số lượng vừa phải.

 

Ăn nhiều rau xanh và trái cây: rau xanh và trái cây tươi rất giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ - những chất rất tốt cho sức khỏe. Chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi còn chống lão hoá, giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch, ung thư…

 

Ăn nhiều hơn 3 bữa mỗi ngày: chúng ta có thói quen ăn 3 bữa mỗi ngày, trong đó bữa sáng là bữa chính và bữa tối ăn càng ít càng tốt. Tuy nhiên, mới đây, các nhà khoa học lại khuyên rằng, ngoài 3 bữa chính chúng ta nên có thêm ít nhất 2 bữa ăn phụ vào giữa buổi sáng và giữa buổi chiều. Để tăng bữa mà không tăng lượng calo, chúng ta nên giảm khẩu phần của 3 bữa chính. Trong các bữa ăn phụ nên ăn nhiều rau quả, sữa đã tách bơ và một ít ngũ cốc.  

 

Uống nhiều nước: uống nhiều nước (ít nhất 1,5l/ngày) là một trong những biện pháp ngăn chặn một số căn bệnh nan y như viêm khớp, ung thư, tim mạch... đó là vì nước là thành phần chủ yếu của lớp sụn và chất hoạt dịch, khi các bộ phận này được cung cấp đủ nước, sự va chạm trực tiếp sẽ giảm đi, từ đó giảm nguy cơ viêm khớp. Việc thường xuyên uống đủ nước làm cho hệ thống bài tiết được hoạt động thường xuyên, cũng chính là việc thường xuyên bài thải những độc tố trong cơ thể, có thể ngăn ngừa sự tồn đọng lâu ngày của những độc tố gây ung thư ruột kết, bàng quang.

 

Nhai kỹ: việc nhai kỹ giúp bạn loại trừ nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa như đau dạ dày, khó tiêu. Bên cạnh đó, cần chú ý đến tư thế ăn. Hãy ngồi thẳng lưng trong khi ăn vì ở tư thế đó, cơ thể sẽ tiêu hóa một cách tốt nhất.

 

 Theo Bs Cẩm Nga / SK & ĐS Online

Tệp đính kèm