Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu và sự thay đổi thời gian của mùa như là một sự khởi đầu. Mới chỉ có như vậy nhưng trẻ em đã bị những tác động không nhỏ đến sức khỏe như số trẻ bị sốt, mắc các bệnh liên quan đến virut, vi khuẩn… gia tăng.
Biến đổi khí hậu đang diễn biến như thế nào?
Do sự đốt cháy nhiên liệu (than, xăng, dầu) trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và hoạt động sinh hoạt hàng ngày thải ra nhiều khí CO2 gây ra hiệu ứng nhà kính. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm nhiệt độ trái đất đang nóng dần lên, mực nước biển dâng cao đáng kể do băng tan ở hai đầu cực làm cho nhiều loài động thực vật bị đe dọa tuyệt chủng.
Theo ước tính, nếu sự thất thoát khí tiếp tục gia tăng như hiện nay thì nhiệt độ tăng thêm ít nhất 3 độ C vào năm 2100, mực nước biển dâng cao 25m, sẽ mất đi 50% loài. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu sẽ làm tăng hiểm họa do thay đổi môi trường, gây nhiều tai họa về thời tiết, tăng stress về nhiệt độ cao, tạo điều kiện cho các bệnh nhiễm khuẩn lây lan từ nguồn nước và thực phẩm. Đối với trẻ em, sự biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe trên ba lĩnh vực biến đổi môi trường, thay đổi thời tiết và thay đổi về sinh thái.
Tăng bệnh hô hấp và phơi nhiễm bức xạ cực tím
Hai vấn đề chính về thay đổi môi trường mà trẻ phải chịu đựng là không khí ô nhiễm và tăng phơi nhiễm với tia cực tím.
Từ đốt cháy nhiên liệu, cháy rừng và hoạt động nông nghiệp, không khí bị ô nhiễm bởi khí ozon, nitrogen oxide, sulfur oxid và các thành phần hữu hình khác gây hiệu quả bất lợi cho hô hấp. Ủy ban Sức khỏe môi trường của Hội Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết, trẻ sống trong vùng không khí ô nhiễm làm giảm phát triển phổi, giảm chức năng phổi, tăng nhiễm khuẩn hô hấp, hen, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong trẻ em tăng, sinh non và sinh thấp cân.
Tầng ozon khí quyển suy giảm dẫn tới tăng phơi nhiễm cực tím lớn hơn gây cháy nắng và suy giảm miễn dịch. Trẻ bị cháy nắng rõ sẽ tăng nguy cơ bị u hắc sắc tố ác tính sau này. Trẻ bị cháy nắng ở tuổi 10-15 bị nguy cơ phát triển u hắc sắc tố ác tính gấp 3 lần.
Thay đổi thời tiết tác động đến sức khỏe toàn thân trẻ
Thời tiết thay đổi, có nhiều đợt nóng dữ dội, nhiệt độ trung bình mùa hè tăng từ 2-3 độ C, tần số sóng nhiệt nóng cũng tăng lên gây ban đỏ, ngất xỉu, chuột rút, kiệt sức và cảm nhiệt. Nhiệt nóng tích tụ ở đại dương, nước bốc hơi, biển băng tan dần gây mưa to, nhiều lũ lụt. Mặt khác, nước mặt đất bốc hơi nhiều, chưa kịp mưa gây hạn hán kéo dài. Hậu quả của những thảm họa thiên nhiên (lũ lụt, hạn hán) này mà trẻ phải chịu đựng là đuối nước, mất nước, bị bệnh đường tiêu hóa và sang chấn tâm thần.
Hạn hán gây thiếu nguồn nước sạch và là yếu tố thuận lợi cho bệnh tiêu chảy, ghẻ lở, viêm màng tiếp hợp, bệnh mắt hột bùng phát. Các sang chấn tinh thần mà trẻ thường gặp phải khi chứng kiến thảm họa thiên nhiên tàn phá nhà cửa, rơi vào cảnh vô gia cư, mất người thân… là rối loạn lo âu, rối loạn tâm thần.
Thay đổi sinh thái phát sinh bệnh nhiễm khuẩn mới
Sinh thái thay đổi ảnh hưởng tới sản xuất lương thực, môi trường nhiều dị nguyên, nguy cơ phơi nhiễm nhiều bệnh nhiễm khuẩn và phát sinh nhiều bệnh nhiễm khuẩn mới, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, sống còn của trẻ em. Ước tính có khoảng 790 triệu người hiện nay đang thiếu dinh dưỡng. Thiếu dinh dưỡng ở trẻ sẽ khiến trẻ còi cọc về thể chất, chậm phát triển trí tuệ và mắc nhiều bệnh nặng.
Thời tiết ấm hơn, kết hợp với các thảm họa lũ lụt, khô hạn là điều kiện cho nấm mốc sản sinh độc tố phát triển gây ung thư, ngộ độc nấm và khuyết tật khi sinh. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu còn làm tăng nguy cơ dị ứng và hen ở trẻ em do tương tác giữa bụi phấn hoa với ô nhiễm môi trường, bão, mưa to có sấm chớp… Trẻ em là đối tượng chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và khả năng ứng phó với thay đổi khí hậu nên nguy cơ phơi nhiễm bệnh khuẩn như sốt rét, bệnh Dengue, viêm não, bệnh Lyme lớn hơn.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả là biến đổi khí hậu đã phát sinh khoảng 30 bệnh nhiễm khuẩn mới hoặc những bệnh cũ trỗi dậy ở những vùng mới như bùng phát hội chứng phổi do hantavirus ở Tây Nam Hoa Kỳ có liên quan tới hiện tượng El Nino khiến tỷ lệ tử vong tới 36%; nhiễm khuẩn do virus Tây sông Nile được báo cáo đầu tiên ở New York năm 1999 nhưng đến 2003 đã có 9.862 người mắc từ 45 bang ở quận Columbia.
Trước những biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến sức khỏe trẻ em, vai trò của thầy thuốc nhi khoa rất quan trọng trong việc góp phần làm hạn chế bệnh nặng và chăm sóc sức khỏe khi trẻ mắc bệnh.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, 1/3 bệnh bùng phát ở trẻ em toàn cầu là do biến đổi các yếu tố về không khí, đất, nước và thực phẩm; 34% trẻ em bị bệnh và 36% trẻ em dưới 14 tuổi bị chết trên thế giới là do biến đổi các yếu tố về môi trường; 5 triệu trẻ em chết do bệnh có liên quan tới ô nhiễm không khí; tỷ lệ mắc hen toàn cầu đã tăng gấp đôi trong 15 năm qua do tăng ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, các thảm họa thiên nhiên như lốc xoáy, cháy lớn… có thể gây sang chấn tâm thần mạnh với trẻ em khi các em phải chứng kiến cảnh mất đi người thân, nhà cửa bị tàn phá, mắc các bệnh nhiễm khuẩn...
Theo GS.TS. Nguyễn Công Khanh
SK&ĐS Online